Thế giới đã ghi nhận 120.026.514 ca nhiễm nCoV và 2.658.646 ca tử vong, tăng lần lượt 454.249 và 8.385, trong khi 96.527.094 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Brazil trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 11.438.935 ca nhiễm, tăng thêm 70.619 ca trong 24 giờ. Brazil đã trải qua ba ngày liên tiếp có số ca tử vong cao hơn 2.000, với tổng cộng 277.091 người đã chết vì Covid-19, theo báo cáo của Reuters.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng tình trạng dịch bệnh ở Brazil hiện rất đáng lo ngại. "Trừ khi những biện pháp nghiêm túc được thực hiện, đà tăng đang làm quá tải hệ thống y tế sẽ dẫn tới nhiều ca tử vong hơn", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay.
Bệnh viện tại các thành phố lớn của Brazil đang gần chạm ngưỡng quá tải, trong đó những khu điều trị tích cực (ICU) dành để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 15 trên 27 bang đã vượt ngưỡng 90%. Bệnh viện tại Porte Alegre đã phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 vì hết giường ICU.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đối mặt với ngày càng nhiều chỉ trích vì không bảm đảm nguồn cung vaccine Covid-19 kịp thời cho cư dân, trong đó mới chỉ có 3% dân số được tiêm chủng.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 30.038.806 ca nhiễm và 546.490 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 50.981 và 1.171 trường hợp so với một ngày trước đó.
Thống kê hôm 12/3 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy Mỹ đã tiêm hơn 100 triệu liều vaccine, tương đương 30% số liều vaccine được tiêm trên khắp thế giới. Ban đầu, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu đạt được cột mốc quan trọng này vào ngày thứ 100 ông tại vị, tức ngày 30/4.
Mục tiêu đã nhanh chóng được sửa đổi thành 150 triệu mũi vaccine trong 100 ngày đầu tiên và vào tuần này, Biden cho biết Mỹ sẽ có đủ vaccine để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành 258 triệu người vào cuối tháng 5.
Ấn Độ báo cáo thêm 25.153 ca nhiễm và 159 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.358.644 và 158.642. Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các chính quyền địa phương ưu tiêm tiêm vaccine Covid-19 cho một số khu vực đã ghi nhận ca nhiễm nCoV tăng đột biến trong những tuần gần đây, trong đó có cả thủ đô New Delhi.
Ấn Độ khởi động quá trình tiêm chủng vaccine cho người dân từ giữa tháng 1 và ít nhất 12 triệu nhân viên y tế cùng các nhân viên tuyến đầu nước này đã được tiêm vaccine. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào giữa tháng 8.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.253.820 người nhiễm và 125.646 người chết, tăng lần lượt 5.534 và 121 trường hợp. Mức tăng ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết những dữ liệu này là dấu hiệu tích cực, nhưng người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. "Hãy nhớ chúng ta ở đâu hồi mùa hè năm ngoái. Chúng ta kiểm soát được bệnh dịch ở mức thấp hơn hiện nay rất nhiều và sau đó đợt bùng phát xảy ra", ông nói.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 29.759 ca nhiễm và 169 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.045.319 và 90.315.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 11/3 cho biết không có lý do để đình chỉ sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, bất chấp một số nước châu Âu như Đan Mạch, Na Uy và Iceland đã ngừng tiêm loại vaccine này do lo ngại nguy cơ hình thành máu tụ trên một số người được tiêm.
"Lợi ích của vaccine AstraZeneca được đánh giá là cao hơn các nguy cơ vào thời điểm này", Bộ trưởng Veran nói.
Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.569.850 ca nhiễm và 73.907 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 10.554 và 117 ca so với một ngày trước đó.
Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Đức có khởi đầu chậm chạp do thiếu nguồn cung và tình trạng quan liêu. Mới chỉ có 6,9% trong 83 triệu người dân Đức được tiêm ít nhất một liều vaccine, khiến người đứng đầu Ủy ban Đạo đức Đức phải kêu gọi chính phủ cho các phòng khám triển khai tiêm chủng các sớm càng tốt.
Quan chức y tế chính phủ và các bang của Đức thống nhất rằng bác sĩ gia đình có thể tiêm vaccine từ giữa tháng 4, nhưng cho rằng các trung tâm tiêm chủng lớn vẫn cần nhận được tối thiểu 2,25 triệu liều vaccine mỗi tuần.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.414.741 ca nhiễm, tăng 4.607, trong đó 38.329 người chết, tăng 100. Nước này bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế, công chức và nhân viên các ngành thiết yếu hồi tháng 1. Khoảng 2,28 triệu người dân Indonesia đã được tiêm vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 616.611 ca nhiễm và 12.766 ca tử vong, tăng lần lượt 5.000 và 72 ca.
Moderna hôm 6/3 thông báo đã đồng ý cung cấp cho chính phủ Philippines 13 triệu liều vaccine Covid-19, có thể bắt đầu giao hàng từ giữa năm nay. Moderna cho biết họ cũng dự kiến đạt được một thỏa thuận riêng với chính phủ Philippines và khu vực tư nhân để cung cấp thêm 7 triệu liều vaccine.
Vũ Anh (Theo Reuters)