Thế giới đã ghi nhận 110.793.571 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.450.330 người đã chết, tăng lần lượt 398.350 và 11.474 ca. 85.725.444 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo rằng tổ chức sẽ đưa ra một tuyên bố mới tập trung vào công bằng vaccine toàn cầu.
Tuyên bố này, theo Tedros là đã nhận được ủng hộ từ hàng trăm tổ chức và hàng nghìn người, kêu gọi hành động từ một số nhóm đã ký tên.
Những hành động bao gồm yêu cầu các lãnh đạo chính trị tăng cường đóng góp cho COVAX, chương trình được thiết lập để đảm bảo quyền tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia trên thế giới, và chia sẻ lượng vaccine bằng số lượng mà họ triển khai trong chương trình quốc gia; yêu cầu các cơ quan quản lý đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine một cách an toàn và hiệu quả, đồng thời yêu cầu tất cả các chính phủ đảm bảo rằng vaccine được phân phối miễn phí, bắt đầu từ đội ngũ nhân viên y tế.
"Công bằng vaccine đặc biệt quan trọng với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương cũng như các quốc đảo nhỏ như những quốc gia ở Thái Bình Dương hay Caribbean do dân số nhỏ nên có thể bỏ lỡ vaccine vì họ có ít khả năng thương lượng hơn các nước khác", Tedros nói. "Không nơi nào được phép bị bỏ lại phía sau".
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 58.523 ca nhiễm và 2.202 ca tử vong, đưa tổng số lên lần lượt là 28.512.345 và 504.750.
Thống kê về Covid-19 trên toàn nước Mỹ đang phản ánh những xu hướng ngày càng tích cực. Số ca nhiễm nCoV mới hôm 15/2 là hơn 53.800, mức hàng ngày thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 10/2020 và khác biệt rõ rệt so với tháng trước, thời điểm Mỹ ghi nhận trung bình 200.000 ca mới mỗi ngày.
California, một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng báo cáo số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2020. Bên cạnh đó, số ca nhập viện và tử vong trên toàn quốc cũng có xu hướng giảm đều đặn.
Đây được cho là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm việc tăng cường biện pháp phòng dịch, hàng chục triệu người từng nhiễm đã có mức độ miễn dịch tự nhiên nhất định và công tác tiêm chủng vaccine Covid-19. Mỹ đã tiêm gần 53 triệu liều vaccine, trung bình khoảng 1,6 triệu liều được tiêm mỗi ngày và con số đang tăng đều đặn.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 12.540 ca nhiễm và 83 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 10.962.086 và 156.121.
Chính phủ Ấn Độ, nước sở hữu năng lực sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hôm qua cho biết họ sẽ tăng gấp 5 lần số điểm tiêm chủng vaccine Covid-19, sau khi tiêm gần 9 triệu liều trong một tháng. Do giới chức đặt mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu người trong số 1,35 tỷ dân vào tháng 8, hoạt động này sẽ phải tăng cường đáng kể.
60% trong số gần 10 triệu nhân viên y tế Ấn Độ đã được tiêm kể từ khi chiến dịch tiêm chủng khởi động vào ngày 16/1. Ấn Độ dự kiến tiêm cho toàn cộng đồng từ tháng sau, bắt đầu với nhóm trên 50 tuổi hoặc có bệnh lý nền. Nước này cũng đã xuất khẩu vaccine sang 24 quốc gia như một phần của nỗ lực ngoại giao.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.279 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 243.457. Số ca nhiễm nCoV tăng 51.350 trong 24 giờ qua, lên 10.030.626.
Niềm hy vọng vào vaccine Covid-19 của nước này đang nhường chỗ cho nỗi thất vọng, khi chiến dịch tiêm chủng của chính phủ hỗn loạn không khác gì cách phản ứng với đại dịch trong năm qua. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 5,3 triệu người, tương đương 2,5% trong 212 triệu dân.
Tình trạng thiếu vaccine đã buộc một số khu vực đông dân chủ chốt phải tạm ngừng tiêm chủng, bao gồm thành phố Rio de Janeiro. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc "dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng", bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, ghi nhận thêm 12.057 ca nhiễm và 454 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.083.242 và 119.387.
Thống kê cho thấy hơn 16 triệu người đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên hơn hai tháng sau khi khởi động chương trình tiêm chủng. Giới chức Anh tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người trên 50 tuổi vào tháng 5 và tất cả người trưởng thành vào tháng 9.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 22.501 ca nhiễm và 271 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.536.648 và 83.393. Số ca tử vong và nhập viện đang trên đà giảm.
Bộ Y tế Pháp cho biết hơn 3,16 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm. Bộ cũng đã yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện "kích hoạt chế độ khủng hoảng" từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.252.685 ca nhiễm, tăng 9.039, trong đó 33.969 người chết, tăng 181. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.
Indonesia ngày 17/2 khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi. Giai đoạn hai được bắt đầu với việc tiêm chủng hàng loạt tại chợ dệt may Tanah Abang ở Jakarta, nơi có khoảng 55.000 tiểu thương.
Trước đó, trong giai đoạn đầu tiên tập trung vào nhân viên y tế, 1,1 triệu người đã được tiêm chủng. Vaccine được triển khai là CoronaVac của Trung Quốc, một phần được sản xuất ở Indonesia. Giai đoạn tiêm chủng thứ hai dự kiến kết thúc vào tháng 5, tiếp cận 38,5 triệu người Indonesia.
Quốc gia gần 270 triệu người này có kế hoạch tiêm chủng cho hơn 180 triệu người, nhưng các nhà phân tích ước tính việc này có thể mất vài năm.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 555.163 ca nhiễm và 11.673 ca tử vong, tăng lần lượt 1.744 và 96 ca.
Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp. Lo ngại gia tăng khi những lô vaccine Covid-19 đầu tiên dự kiến đến nửa cuối năm nay mới tới nước này.
Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cuối tháng 1 quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)