Nghị quyết về Gaza do Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) soạn thảo được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 22/12 với 13 phiếu thuận, Nga và Mỹ bỏ phiếu trắng. Để được thông qua, nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị nước nào trong 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga phủ quyết.
Nghị quyết kêu gọi các bên trong xung đột Israel - Hamas cho phép "vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo an toàn, không bị cản trở trên quy mô lớn". Nghị quyết không đề cập yêu cầu lập tức dừng giao tranh, nhưng kêu gọi "thiết lập các điều kiện để chấm dứt chiến sự về lâu dài".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết chiến dịch tấn công của Israel ở Gaza là "trở ngại thực sự" để đưa hàng viện trợ vào Gaza. Ông nhắc lại lời kêu gọi lập tức ngừng bắn nhân đạo.
Hội đồng Bảo an ban đầu định bỏ phiếu vào các ngày 18, 19, 20 và 21/12 nhưng sau đó hoãn lại để điều chỉnh nội dung, tránh bị Mỹ phủ quyết. Mỹ có truyền thống ủng hộ đồng minh Israel khỏi mọi hành động của Hội đồng Bảo an được cho là bất lợi với Tel Aviv.
Trong khi đó, Nga ủng hộ dự thảo ban đầu, khi văn kiện kêu gọi "ngừng tình trạng thù địch ngay lập tức và về lâu dài" để tạo điều kiện cho hàng viện trợ tiếp cận khu vực. Dự thảo này bị Mỹ phản đối.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield mô tả nghị quyết là "bước tiến mạnh mẽ". "Hội đồng đã mang đến tia hy vọng giữa bể khổ", bà nói.
Đại sứ Nga Vasily Nebenzya chỉ trích Mỹ vì đã không đồng ý dự thảo ban đầu. Họ cho rằng câu "thiết lập các điều kiện để chấm dứt chiến sự về lâu dài" trong nghị quyết có thể được Israel dùng làm cái cớ "để giết hại dân thường ở Gaza".
Đại sứ Palestine Riyad Mansour nói việc dùng viện trợ nhân đạo như một phương thức chiến tranh cần phải chấm dứt ngay lập tức và mô tả nghị quyết là "bước đi đúng hướng". Đại sứ UAE Lana Zaki Nusseibeh thừa nhận nội dung văn kiện chưa hoàn hảo và nước này "sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo".
Hamas cho rằng nghị quyết là "chưa đủ" và "chưa phản ứng thích hợp với tình trạng thảm họa do cỗ máy chiến tranh của Israel gây ra".
Israel thông báo sẽ tiếp tục kiểm tra mọi hàng viện trợ cho Gaza "vì lý do an ninh". Đại sứ Israel Gilad Erdan nói "không thể tin Liên Hợp Quốc trong việc giám sát hàng viện trợ" và cảm ơn Mỹ vì "đã giữ các lằn ranh đỏ".
Chiến sự Israel - Hamas bùng nổ từ ngày 7/10, khi Hamas tập kích miền nam Israel gây thương vong lớn. Israel lập tức mở chiến dịch ở miền bắc Gaza để đáp trả, sau đó mở rộng phạm vi xuống miền nam khu vực. Giao tranh đã bước sang tuần thứ 11, khiến hơn 20.000 người chết, hơn 53.000 người bị thương ở Dải Gaza tính đến ngày 22/12.
Hội đồng Bảo an mất hơn một tháng kể từ khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra để lên tiếng về tình hình, nhưng với thông điệp được đánh giá là yếu khi chỉ kêu gọi các bên "tạm dừng giao tranh vì mục đích nhân đạo". Cơ quan này nhiều lần cố gắng thông qua một nghị quyết nhưng không thành công, do bất đồng về từ ngữ để kêu gọi các bên ngừng giao tranh.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 12/12 đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, sau khi một văn kiện nội dung tương tự bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)