Quyết định được Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thành Trung công bố tại buổi tập huấn phòng chống nCoV trong trường học, với lãnh đạo 24 quận huyện, chiều 6/2.
UBND thành phố giao Sở Giáo dục phối hợp Sở Y tế hướng dẫn các trường những biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh lây lan trong trường học. Các quận huyện phải rà soát, tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và giữ trẻ.
Đa số lãnh đạo Phòng Giáo dục các quận huyện tán thành việc kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ trước diễn biến của dịch bệnh. Một số người còn băn khoăn việc này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, thi cử trong năm, bởi TP HCM chịu áp lực về sĩ số lớn, việc sắp xếp cơ sở vật chất để học bù không đơn giản.
Ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo) trấn an thầy cô, phụ huynh không nên quá lo lắng về chương trình học tập bị gián đoạn. Trong hai tuần nghỉ học này, các trường và giáo viên phải có trách nhiệm rà soát kế hoạch dạy học để có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý nới thời gian học kỳ II, thành phố cũng thực hiện theo kế hoạch đó, năm học sẽ có thể kéo dài. Nếu không, các trường sẽ tận dụng các thời gian khác nhau để dạy bổ sung.
"Với trường dạy 2 buổi mỗi ngày, buổi thứ hai sẽ được sử dụng để dạy bù. Với những trường dạy một buổi, giáo viên có thể dụng tận dụng thời gian ở các buổi học khác một cách linh động, đảm bảo chương trình", ông Tân nói. Ngoài ra, trong lúc các em được nghỉ, thầy cô có thể dạy online, sử dụng phần mềm giáo dục trực tuyến giảng bài, giao bài tập để học sinh tự học tại nhà.
Đối với những người bị ảnh hưởng từ việc học sinh phải nghỉ nhiều ngày, bà Bùi Thị Diễm Thu (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) đề nghị các quận huyện làm việc với doanh nghiệp, đề xuất biện pháp hỗ trợ người lao động, giúp họ có thời gian trông con. Bởi nếu doanh nghiệp không linh động tạo điều kiện, dễ xảy ra các điểm giữ trẻ "chui". "An toàn của trẻ phải đặt lên hàng đầu trong lúc này", bà Thu nói.
Sở yêu cầu các trường liên lạc với phụ huynh, nắm bắt tình hình học sinh, theo sát những trường hợp có biểu hiện bệnh. Hiện các phòng giáo dục, trường học thống kê số lượng giáo viên, học sinh có đi qua vùng dịch trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua để theo dõi tình trạng sức khoẻ.
Trước đó, sáng cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất cho học sinh nghỉ thêm nhằm chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong môi trường học đường, đảm bảo sức khoẻ của học sinh. Việc này cũng nhằm hạn chế tập trung đông người, giảm thiểu lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hiện, 62 tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ học đến 9/2. Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên cả nước cho nghỉ thêm một tuần nữa, đến hết ngày 16/2 để tránh dịch bệnh.
Ở khối đại học, nhiều trường cũng cho sinh viên nghỉ thêm như: Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Đại học Lạc Hồng, Đại học Công nghệ Miền Đông, Đại học Luật TP HCM...
Trong buổi họp báo chiều qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi đến đỉnh dịch nCoV, các tỉnh thành có thể cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tuần. Nhà trường cũng có thời gian vệ sinh, tẩy trùng trường lớp.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, nếu vì dịch bệnh mà phải kéo dài thời gian nghỉ thì khung thời gian năm học có thể kéo dài hơn, sau ngày 31/5. Kỳ thi THPT quốc gia cũng có thể điều chỉnh lịch phù hợp với tình hình mới.
TP HCM có 3 ca dương tính nCoV, trong đó một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã khỏi, xuất viện. 2 người còn lại diễn tiến sức khỏe ổn định. 7 người tiếp xúc gần với bệnh nhân ở Chợ Rẫy đã hết thời gian theo dõi, không phát hiện triệu chứng bệnh.
Tình trạng viêm phổi của nam Việt kiều Mỹ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chưa cải thiện. 18 người tiếp xúc gần với ông này đang cách ly tại Bệnh viện Quận 3.
Ngoài ra còn có 9 người nghi nhiễm nCoV đang cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 2 tại Đa khoa Củ Chi, 2 ở Bệnh viện Vinmec và một Nhi đồng 1.