Quyết định được Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 14/2.
Chủ tịch Chung giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố xây dựng kế hoạch đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo chia năm học thành bốn kỳ, tương ứng với bốn kỳ nghỉ, trong đó nghỉ hè khoảng 35 ngày, nghỉ Tết 30 ngày, hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ hai tuần. Việc phân thành bốn kỳ nghỉ sẽ kích thích tiêu dùng, phân bố lại giao thông thành phố, kích cầu du lịch.
Để đảm bảo vệ sinh trường lớp, ông Chung yêu cầu hai ngày cuối tuần này các trường học tiếp tục khử trùng lần thứ ba. Trường hợp hết ngày 23/2 học sinh đi học trở lại thì nhà trường cần được khử trùng lần thứ tư, sau đó sẽ khử khuẩn hàng ngày sau cuối mỗi buổi học.
Đến 15h ngày 14/2, thành phố chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCoV-19. Hiện hơn 1.620 trường hợp được cách ly tại nhà và 61 người cách ly tại bệnh viện, chủ yếu là trở về từ Trung Quốc, tiếp xúc gần với người Trung Quốc hoặc người đi về từ vùng dịch có biểu hiện nghi mắc bệnh. Trong số 61 người, 58 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.
Trước đó học sinh Hà Nội nghỉ Tết Canh Tý 8 ngày, từ 22 đến 29/1. Sau hai ngày 30-31/1 đi học bình thường, các em lại được nghỉ tiếp hai tuần, từ 3 đến 16/2 để phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai cũng tiếp tục cho học sinh nghỉ tuần thứ ba. Đây là lần đầu tiên học sinh được nghỉ học kéo dài vì dịch truyền nhiễm. Trước đó hơn 22 triệu học sinh cả nước nghỉ Tết Canh Tý 7-16 ngày, nghỉ phòng dịch 14 ngày, từ 3/2 đến hết 16/2.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định đã có kịch bản ứng phó với dịch, trong đó lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học, đặc biệt là thời điểm kết thúc. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi giãn khung kế hoạch năm học 2019-2020 và triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).
Võ Hải - Thanh Hằng