Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 1.150 bệnh viện công cấp huyện, tỉnh và trung ương cùng hơn 180 bệnh viện tư. Hầu hết có khoa xét nghiệm.
Ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học hiện được đào tạo ở các trường Y công lập và một số trường tư như Đại học Phenikaa, Công nghệ TP HCM (Hutech), Quốc tế Hồng Bàng...
Các trường cho biết đây là một trong những ngành cận lâm sàng, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh. Xét nghiệm Y học bao gồm các lĩnh vực chính: Hóa sinh, Huyết học, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh.
Chương trình học
Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm Y học được đào tạo trong 4 năm, với các phần kiến thức đại cương, các môn cơ sở ngành và chuyên ngành.
Trong đó, môn chuyên ngành xoay quanh lĩnh vực Hóa sinh, Huyết học, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh, Sinh học phân tử. Tuy nhiên, số lượng môn học, tín chỉ giữa các trường khác nhau.
Như tại Đại học Y Hà Nội, sinh viên học gần 170 tín chỉ trong 4 năm. Chương trình của trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, là 141 tín chỉ, còn Đại học Y tế công cộng là 135 tín chỉ.
Ở trường Y tế công cộng, chương trình còn có khối kiến thức bổ trợ. Người học tự chọn 8/18 tín chỉ, thuộc các học phần như Xét nghiệm tế bào nâng cao, Hóa sinh - miễn dịch nâng cao, xét nghiệm huyết học nâng cao, sức khỏe môi trường, xét nghiệm môi trường...
Theo TS Đặng Thế Hưng, Giám đốc Trung tâm Xét nghiệm của trường, chương trình học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học gần như là 50% lý thuyết và 50% thực hành. Sinh viên học lý thuyết đến đâu sẽ được thực hành tới đó.
"Từ năm thứ 3, sinh viên đi trải nghiệm công việc thực tiễn rất nhiều để đảm bảo sau khi ra trường, họ có thể làm việc tại các cơ sở y tế", ông Hưng nói.
Các trường cho biết mục tiêu đào tạo là sinh viên có y đức, kiến thức khoa học cơ bản, chuyên ngành và làm chủ được các kỹ thuật chuyên môn. Ngoài ra, họ có khả năng tự học, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, giao tiếp...
Đại học Y Hà Nội nêu rõ tố chất để học ngành này là trung thực, cẩn thận, tỉ mỉ, có tinh thần trách nhiệm bởi kết quả xét nghiệm hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị.
Học phí năm học 2024 - 2025
Đại học Y Hà Nội: 41,8 triệu đồng.
Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội: 27,6 triệu đồng.
Trường Đại học Y tế công cộng: gần 32 triệu đồng.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 41,8 triệu đồng.
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ: 38,6 triệu đồng.
Cơ hội việc làm
Theo các trường, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc:
- Kỹ thuật viên xét nghiệm của bệnh viên, trung tâm y tế...
- Chuyên viên tại các trung tâm nghiên cứu, các dự án.
- Chuyên viên tại các công ty thiết bị y tế.
- Học cao hơn và giảng dạy.
Mức lương
Theo TS Hưng, mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường khoảng 8 triệu đồng, đạt 10-15 triệu đồng trở lên sau 1-2 năm kinh nghiệm.
Một kỹ thuật viên xét nghiệm tại một bệnh viện tư ở Hà Nội cho biết lương khởi điểm của anh khoảng 7-9 triệu đồng, sau đó tăng dần theo năng lực và vị trí. Ngoài ra, kỹ thuật viên xét nghiệm có thêm phụ cấp trực và tiền lương tăng thêm, tùy theo doanh thu và chính sách của từng cơ sở y tế.
Bình Minh - Dương Tâm