Quản trị kinh doanh là ngành phổ biến, được đào tạo ở hàng loạt trường, như Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP HCM, Ngân hàng, Thương mại... (nhóm trường chuyên sâu về kinh tế); hay Công nghiệp, Thủy lợi, Giao thông vận tải (nhóm trường kỹ thuật)...
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong ba năm gần đây, nhóm Kinh doanh và Quản lý luôn chiếm khoảng 25% tổng số thí sinh vào đại học. Trong đó, riêng Quản trị kinh doanh là 10%.
Do nhiều trường đào tạo, điểm chuẩn của ngành này cũng trải rộng. Chẳng hạn Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân lấy điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đều trên 27,5/30 điểm, ở nhiều trường như Đại học Lao động - Xã hội, Học viện Phụ nữ hoặc Đại học Huế, mức điểm khoảng 19-23.
TS Trần Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Quản trị kinh doanh, trường Đại học Thương mại (TMU), cho biết ngành này cung cấp kiến thức, kỹ năng để sinh viên ra trường có thể giải quyết các hoạt động kinh doanh thực tiễn; thành thạo những phần mềm quản lý cơ bản trong doanh nghiệp; làm việc nhóm, giao tiếp, ra quyết định, đàm phán...
Thời gian đào tạo ngành Quản trị kinh doanh thường kéo dài 4 năm với 120-130 tín chỉ. Một số môn học tiêu biểu là Quản trị công ty, Quản trị tài chính, Quản trị công nghệ, Văn hóa kinh doanh, Quản trị rủi ro...
Điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và học phí ngành Quản trị kinh doanh (đã làm tròn) ở một số trường đại học:
TT | Trường đại học | Hệ/Chuyên ngành Quản trị kinh doanh |
Điểm chuẩn 2023 | Học phí năm học 2024-2025 |
1 | Thương mại | Quản trị kinh doanh | 26,5 | 24-26 |
Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh | 26,3 | |||
2 | Bách khoa Hà Nội | 25,83 | 24-30 | |
3 | Công nghiệp Hà Nội | 24,21 | Trung bình 24,6 | |
4 | Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội | 34,54 (thang 40) | 44-50 | |
5 | Kinh tế quốc dân | 27,25 | 16-22 | |
6 | Mở Hà Nội | 23,62 | 19,8 | |
7 | Học viện Nông nghiệp Việt Nam | 22,5 | 13,5 | |
8 | Giao thông vận tải | 24,77 | 11,7 | |
9 | Học viện Phụ nữ Việt Nam | Hệ đại trà | 23 (A00, A01, D01) 24 (C00) |
11,2-13,8 |
Hệ chất lượng cao | ||||
Hệ liên kết quốc tế | 26,8 | |||
10 | Kinh tế - Luật TP, Đại học Quốc gia HCM | Hệ tiếng Việt | 26,09 | 27,5 |
Hệ tiếng Anh | 25,15 | 57,6 | ||
11 | Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM | 23,5 | 50 | |
12 | Ngoại thương | Trụ sở Hà Nội | 27,7 (A00) 27,2 (còn lại) |
22-25 |
Cơ sở TP HCM | 27,6 (A00) 27,1 (còn lại) |
|||
13 | Luật TP HCM | Hệ đại trà | 24,16 | 35,3 |
Hệ chất lượng cao | 70,5 | |||
14 | Sài Gòn | Hệ chuẩn | 22,85 (D01) 23,85 (A01) |
Từ 15 |
Hệ chất lượng cao | 27,5 | |||
15 | Kinh tế - Tài chính TP HCM | 18 | 72-80 | |
16 | Mở TP HCM | Hệ đại trà | 24 | 26 |
Hệ chất lượng cao | 22,6 | 45 | ||
17 | Cần Thơ | Hệ đại trà | 24,35 | 16-20 |
Hệ chất lượng cao | 23,2 | 33 |
Về việc làm, thạc sĩ Trần Anh Tùng, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), cho biết người học có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, như nhân viên kinh doanh, giám sát kinh doanh, marketing, trợ lý nhà quản trị; làm chủ doanh nghiệp; giảng viên, nghiên cứu viên...
Theo báo cáo về thị trường tuyển dụng năm 2022 và 2023 của TOP CV, Kinh doanh/Bán hàng là vị trí việc làm có tỷ lệ thiếu nhân sự cao nhất (57,8%), kế đó là Marketing (21,6%). Đây đều là các công việc liên quan lĩnh vực Quản trị kinh doanh.
Về thu nhập, ông Tùng cho biết theo khảo sát của khoa, sinh viên mới tốt nghiệp có thể kiếm 7-10 triệu đồng một tháng.
"Với những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao, người lao động đáp ứng các kỹ năng số có thể kiếm trên 12 triệu", ông nói.
Đây cũng là nhận định của TS Hoàng Hà. Bà cho rằng thu nhập của tân cử nhân thường ở mức 10-15 triệu đồng một tháng, sau ba năm lên 20 triệu. Nếu tốt nghiệp từ các chương trình có yếu tố quốc tế, học bằng tiếng Anh, họ có thể nhận 20-30 triệu đồng mỗi tháng với ba năm kinh nghiệm.
Thạc sĩ Đoàn Thị Thanh Thúy, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Mở TP HCM, lại cho rằng lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp thấp hơn, khoảng 5-7 triệu, phải sau hai năm mới có thể đạt 20 triệu đồng.
Thanh Hằng - Kỷ Hương