PGS.TS Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo, sáng 29/5 cho biết 6 ngành có học phí cao nhất là Báo chí, Tâm lý học, Quốc tế học, Quản trị khách sạn, Quan hệ công chúng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Năm ngành có mức thu 25 triệu đồng một năm là Khoa học quản lý, Đông phương học, Quản lý thông tin, Quản trị văn phòng, Văn học. Với 17 ngành còn lại, gồm 9 ngành khoa học cơ bản, trường thu học phí 15 triệu đồng.
Năm 2022, học phí các chương trình chuẩn phổ biến ở mức 12-16 triệu đồng một năm. Một số ngành cao hơn là Tâm lý học (30 triệu), Văn học, Việt Nam học, Xã hội học (20 triệu).
Năm học 2024-2025, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tuyển 2.300 sinh viên cho 28 ngành đào tạo, bằng 6 phương thức.
Phương thức mới so với năm ngoái là xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL iBT, HSK và HSKK, JLPT, TOPIK II) kết hợp điểm thi tốt nghiệp. Để đăng ký, thí sinh phải có IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương, tổng điểm thi tốt nghiệp hai môn còn lại trong tổ hợp (bắt buộc có môn Văn) tối thiểu là 14.
Các phương thức còn lại gồm tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét chứng chỉ quốc tế; điểm thi đánh giá năng lực; điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.
Năm 2023, điểm chuẩn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội khoảng 20-28,78, cao nhất là ngành Quan hệ công chúng ở tổ hợp khối C00 (Văn, Sử, Địa).
Bốn ngành lấy trên 28 điểm là Báo chí, Đông phương học, Hàn Quốc học và Tâm lý.
Bình Minh