Đến 13/3, hơn 160 đại học đã đưa ra thông tin tuyển sinh dự kiến năm học 2024-2025, nhưng chưa nhiều trường công bố học phí.
Ở khối Kinh tế, một số trường dự kiến tăng học phí khoảng 10-15% so với năm ngoái. Tùy chương trình đào tạo, các trường thu từ 16 đến 70 triệu đồng một năm (10 tháng). Từ những năm sau, học phí có thể tiếp tục tăng, tỷ lệ không quá 10-12,5% so với năm trước đó.
Với các chương trình liên kết quốc tế, mức thu cao hơn, tùy thời gian học và đối tác cấp bằng.
Học phí năm học 2024-2025 của một số trường Kinh tế như sau:
Học viện Ngân hàng
Học viện Ngân hàng năm nay tuyển hơn 3.500 sinh viên ở trụ sở Hà Nội. Trường mở hai ngành mới là Marketing và Kiểm toán, cùng 5 chương trình mới ở các ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đầu tư và Marketing số, Kiểm toán.
Trường cho biết học phí năm học 2024-2025 dự kiến khoảng 25-37 triệu đồng. Trong đó, các chương trình đào tạo chuẩn thuộc nhóm ngành Kinh doanh quản lý và pháp luật thu mức 25 triệu đồng; khối ngành Công nghệ thông tin là 26,5 và khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội là 26 triệu đồng. So với năm học trước, mức này cao hơn khoảng 4-5 triệu đồng.
Mức 37 triệu đồng áp dụng với các chương trình chất lượng cao. Với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động 340-380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết.
Học viện Tài chính
Học viện Tài chính năm nay tuyển 4.500 sinh viên, trong đó 3.100 cho chương trình chuẩn, 1.280 cho chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế, còn lại là chương trình liên kết với đại học nước ngoài, mỗi bên cấp một bằng cử nhân.
Trường dự kiến học phí năm tới là 25 triệu đồng với chương trình chuẩn, tăng 1-2 triệu so với năm ngoái. Chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế thu 50 triệu.
Với chương trình liên kết cùng Đại học Greenwich, Anh, học phí 4 năm học trong nước là 280 triệu đồng. Nếu học ba năm trong nước và một năm tại Anh, tổng học phí là 700 triệu (210 triệu trong nước, 490 triệu ở Anh). Còn chương trình liên kết với Đại học Toulon có mức học phí 171-180 triệu đồng cho ba năm, cao nhất ở chuyên ngành Kế toán, Kiểm soát, Kiểm toán.
Đại học Kinh tế quốc dân
Năm nay, trường tuyển 6.500 sinh viên cho 60 chương trình đào tạo, tương tự năm ngoái.
Học phí chương trình chuẩn là từ 16 đến 22 triệu đồng, tùy từng ngành, trong khi mức năm ngoái của hệ này khoảng 15-20 triệu.
Đại học Kinh tế quốc dân chưa công bố mức thu các chương trình định hướng ứng dụng hay các chương trình bằng tiếng Anh.
Đại học Thương mại
Trường tuyển 4.950 sinh viên cho 38 chương trình đào tạo. Trong đó, 8 chương trình thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm Quản trị kinh doanh, Marketing thương mại, Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Logistics và xuất nhập khẩu, Thương mại quốc tế, Tài chính - Ngân hàng thương mại, Quản trị nhân lực doanh nghiệp, Quản trị khách sạn. Trường cũng mở thêm hai chương trình chuẩn là Công nghệ tài chính ngân hàng và Kinh doanh số.
Học phí chương trình đào tạo chuẩn từ 24 đến 26 triệu đồng cho năm học tới. Các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế thu 35 triệu đồng.
Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM
Trường tuyển 2.600 sinh viên, trong đó tuyển mới ngành Quản lý công. Học phí trường Đại học Kinh tế - Luật năm 2024-2025 dự kiến khoảng 27,5 triệu đồng cho chương trình bằng tiếng Việt và 57,6 triệu đồng với chương trình tiếng Anh.
Đại học Kinh tế TP HCM
Trường năm nay tuyển 7.900 sinh viên, mở hai ngành mới là Công nghệ nghệ thuật, Điều khiển thông minh và tự động hóa. Với mỗi ngành học, sinh viên có thể lựa chọn chương trình bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, hoặc một phần bằng tiếng Anh.
Học phí của Đại học Kinh tế TP HCM với chương trình tiếng Việt dao động 975.000 đến hơn 1 triệu đồng một tín chỉ, tương đương khoảng 30 triệu đồng một năm (30 tín chỉ). Với các tín chỉ thực hành hoặc học bằng tiếng Anh, mức thu gấp 1,2-1,4 lần.
Với chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, mức thu mỗi tín chỉ là 1,1 và 1,7 triệu đồng, lần lượt với chương trình dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Riêng học phí học tại phân hiệu Vĩnh Long là 625.000 đồng mỗi tín chỉ, bằng 65% tại TP HCM.
Đại học Ngân hàng TP HCM
Trường tuyển 4.329 sinh viên, tăng gần 700 so với năm ngoái do mở mới ngành Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro (thuộc ngành Kế toán).
Đại học Ngân hàng TP HCM dự kiến thu học phí 10,5 triệu đồng mỗi học kỳ với chương trình đại trà, tăng 3,5 triệu đồng so với năm ngoái. Với chương trình đào tạo một phần bằng tiếng Anh hay chương trình đặc biệt, học phí là gần 20,3 triệu đồng mỗi kỳ, tăng 2,2 triệu đồng.
Với chương trình song bằng và chương trình liên kết quốc tế do đại học đối tác cấp bằng, mức thu khoảng 216 triệu đồng toàn khóa, gồm 8 học kỳ, tăng gần 4 triệu đồng.
Một số trường Kinh tế khác như Đại học Ngoại thường, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội chưa công bố học phí năm học tới.
Theo quy định của Chính phủ về học phí công lập, mức trần (mức cao nhất được thu) ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2024-2025 là 13,1-27,6 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành. Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên.
Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các trường được tự xác định học phí.
Dương Tâm - Lệ Nguyễn