VnExpress đăng nguyên văn bài viết của nhà cầm quân từng đưa đội tuyển Hà Lan vào chung kết World Cup 2010.
Hà Lan đánh bại Bắc Macedonia với quyết định chuyển sơ đồ chiến thuật từ 5-3-2 ở hiệp một sang 4-3-3 ở hiệp hai. Tôi thậm chí từng thấy người ta nói trong các cuộc tranh luận rằng 5-3-2 là hệ thống của tương lai. Với tôi điều đó thật ngớ ngẩn. Việc thi đấu với sơ đồ năm hậu vệ đã xuất hiện cách đây hơn nửa thế kỷ. Italy những năm 1960 - với chiến thuật Catenaccio - là đội tuyển đầu tiên xuất trận với hệ thống này, trước khi Đức vô địch thế giới năm 1990 với 5-3-2.
Do đó, nó là hệ thống cũ chứ không mới. Năm 1990, Đức dùng năm hậu vệ đích thực bao gồm Andreas Brehme và Thomas Berthold chơi cánh. Nếu muốn thi đấu tấn công hơn, bạn thật sự chỉ còn ba trung vệ ở sân nhà. Khi đó, mọi quyết định xử lý của bạn phải chính xác, bởi với ba hậu vệ đấu hai tiền đạo đối phương trong một khoảng không rộng lớn, bạn rất dễ bị tổn thương mỗi khi mất bóng, hoặc khi bạn không gây áp lực nhanh và mạnh với đối phương.
Trên lý thuyết, dùng 3-5-2 nghĩa là bạn chỉ có một cầu thủ quán xuyến mỗi bên cánh. Đó là người đảm trách cả tấn công lẫn phòng ngự. Do đó, khi đối phương thi triển 4-3-3 với ít nhất hai cầu thủ ở mỗi cánh và thậm chí trong vài trường hợp sẽ có ba người, đương nhiên đội chơi 3-5-2 sẽ thất thế hơn. Khi không cầm bóng, bạn yếu hơn rõ rệt ở hai biên.
Một nhược điểm nữa của hệ thống ba trung vệ là bạn thường chỉ có một tiền đạo tham gia phòng ngự. Nó có thể gây mất liên lạc giữa các tuyến. Thêm vào đó các trung vệ cũng phải hỗ trợ phòng thủ ở hai cánh khi mất bóng, và cầu thủ chạy cánh chưa kịp lùi về. Bạn luôn phải có cầu thủ bên phần sân nhà.
Khoảng cách giữa các vị trí cũng không thể hoàn hảo nếu bạn muốn gây áp lực lên đối phương khi không cầm bóng. Sẽ rất rắc rối nếu đối thủ phòng thủ khối thấp. Khi gây áp lực lên đối phương, hai cánh phải dâng cao, đồng nghĩa với các tiền vệ tuyến nghiêng phải bọc lót vào khoảng trống hai cánh bị bỏ lại. Khoảng trống giữa các trị trí, do đó, sẽ bị quá xa.
Nếu hậu vệ đối phương có trình độ tốt, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai bóng. Hàng thủ sẽ chỉ còn cách đẩy bóng lên tuyến tiền vệ hoặc mở ra hai cánh. Các đội có trình độ cao giữ vị trí rất tốt, nên sẽ là rắc rối nếu đội đá 3-5-2 không chọn đúng vị trí và đúng thời điểm, phối hợp thật nhanh. Thậm chí Bắc Macedonia vốn không có nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới cũng đã gây khó dễ cho Hà Lan trong hiệp một.
Tại Euro 2021, các đội đá 3-5-2 là Thụy Sỹ, Phần Lan, Bắc Macedonia, Áo, Scotland, Ba Lan và Hungary. Các đội luôn áp đảo đối phương là Bỉ và Đức dùng 3-4-3, một biến thể hơi khác của sơ đồ này. Trong khi đó, Italy, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Croatia dùng sơ đồ gốc 4-3-3, nhưng khi tấn công họ cũng sử dụng ba trung vệ.
Dĩ nhiên, sơ đồ nào cũng có nhược điểm và nói như thế không phải vì tôi cho rằng không thể chiến thắng với hệ thống này. Điều quan trọng nhất vẫn là phải có cầu thủ với phẩm chất phù hợp với cách chơi đó, và người HLV điều phối mọi vấn đề thật sự chỉn chu.
Juventus từng rất thành công với lối chơi này. Nhưng để chọn một đội mà tôi ngưỡng mộ thì đó là Atalanta. Đội bóng vùng Bergamo chơi 3-4-3 là chính, và dù ngân sách khiêm tốn, họ vẫn là đội bóng ghi nhiều bàn nhất ở Serie A để thường xuyên góp mặt tại Champions League những mùa giải qua.
Sau cùng xin nhấn mạnh một lần nữa: quyết định chọn chiến thuật phụ thuộc vào cách đánh giá chất lượng cầu thủ của HLV. Sẽ thật vô nghĩa nếu bắt cầu thủ chơi với phong cách không phù hợp hoặc khiến họ không được hỗ trợ tối đa. Cầu thủ mới là người đá bóng trên sân. Khi tất cả vừa vặn, toàn đội sẽ tiến bộ nhanh và ngày càng mạnh hơn theo thời gian.
Nếu Hà Lan làm được điều này, tôi tin họ sẽ tiến xa, bất kể họ dùng sơ đồ nào.
Đỗ Hiếu dịch