Có những cầu thủ sinh ra để đá trận lớn, thích trận đấu lớn, thích áp lực và không khí cuồng nhiệt. Wesley Sneijder tự nhận bản thân như vậy. Trận chung kết World Cup 2010 để lại ấn tượng sâu sắc trong tiền vệ này. "Hai tỷ người xem, sân kín khán giả, thật ngọt ngào", Sneijder kể với De Volkskrant. "Tôi luôn thấy thoải mái. Tôi biết nhiều đồng đội quanh mình cũng thấy vậy". Nhưng Sneijder cũng chứng kiến nhiều người căng thẳng. Anh nói đùa rằng nhiều cầu thủ trốn trong góc, hoặc đi toilet liên tục. Anh không thể giải thích tại sao. "Theo tôi những cầu thủ sáng tạo ít gặp áp lực hơn phần còn lại, ví dụ hậu vệ", Sneijder phỏng đoán. "Nhiều cầu thủ rất giỏi nhưng luôn bị cảm xúc chi phối trước các trận đấu lớn. Trước chung kết World Cup 2010, Van Bommel trông rất căng thẳng".
Tuyển Hà Lan trước khi ra sân đấu Áo ở lượt trận thứ hai vòng bảng Euro 2021 có vẻ đều ổn. Frenkie de Jong lắc lắc hông. Denzel Dumfries chạy tới toàn đội từ phía trợ lý Dwight Lodeweges. Cầu thủ dự bị cười đùa. Cầu thủ đá chính tập trung. Wout Weghorst đi theo hàng, vỗ tay cổ vũ toàn đội. Khi hát quốc ca, tay anh đặt lên vai đồng đội Mathijs de Ligt và Marten de Roon, vừa hát vừa gõ theo nhịp điệu.
Thoạt nhìn, chẳng có vẻ gì lo lắng. Nhưng sức ép là thứ len lỏi bên trong. Kees Jansma, cán bộ truyền thông của tuyển Hà Lan trong nhiều năm, hiểu rõ áp lực đè lên cầu thủ nặng nề thế nào. Ông kể: "Họ cần làm gì đó để giải tỏa, cần được động viên. Ví dụ, thi thoảng họ tự đấm vào không khí hay giậm nhảy ngay trong phòng thay đồ". Kees không nói đích danh ai, vì đấy là chuyện trong không gian riêng tư cần được giữ bí mật.
Khi bước ra trận đấu, bạn tự đặt mình vào trung tâm. Cả thế giới dõi theo. Mọi người đều phán xét. Ai cũng có nỗi sợ thất bại và cảm giác căng thẳng sâu thẳm. Trên tờ NIS hôm 16/6, cựu tuyển thủ Hà Lan Ibrahim Afellay kể lại chuyện về Messi mà anh biết từ hồi đá cho Barca. Messi rất hay nôn trước trận đấu. Cầu thủ hay bậc nhất lịch sử bóng đá cũng phải giải tỏa, chuyện mà rất ít người hình dung. Bản thân Afellay cũng thường thấy tức nghẹn nơi cổ họng vì quá căng thẳng.
Ngồi ngay cạnh Afellay tại studio của NIS hôm đó là Marco van Basten. Ông nói về động lực của sức ép với các cầu thủ: "Khi một cầu thủ căng thẳng, lượng adrenaline được sản sinh mạnh mẽ hơn, khiến họ nỗ lực hơn. Tôi gặp phải tâm trạng đó thường xuyên hồi còn thi đấu". Sau khi giải nghệ, Van Basten làm HLV một thời gian, nhưng sau đó cũng bỏ. Ông không tin bản thân đủ giỏi, và cũng không chịu được áp lực công việc đè nặng lên khía cạnh tinh thần. Chỉ đến khi hoàn toàn không tham gia sâu vào một công việc về bóng đá, Van Basten mới hoàn toàn thoát ra khỏi áp lực. Chuyên gia tâm lý Bouke de Boer xác nhận điều này: "Tôi đã làm việc chung với Van Basten trong một thời gian dài. Ông ấy thật sự đã trải qua nhiều chuyện".
Nhưng tại Euro 2021, Wout Weghorst đang làm rất tốt. Trước Áo, anh đói bóng, bị HLV Frank de Boer thay bằng Donyell Malen. Nhưng Weghorst không thấy quá buồn. Trung phong của Wolfsburg đã đi một chặng đường dài. Khoác áo Hà Lan là một giấc mơ lớn của anh, và Weghorst đã đá chính bốn trận, ghi hai bàn. Tiền đạo 28 tuổi chuẩn bị cho bản thân rất kỹ khi có hẳn ê-kíp hỗ trợ riêng gồm một chuyên gia tâm lý và một chuyên gia dinh dưỡng. Anh còn có một HLV bóng chuyền hỗ trợ cải thiện các pha bóng bổng. Cựu cầu thủ Simon Cziommer phối hợp với anh hàng ngày, bên cạnh Remco Visscher - người chịu trách nhiệm cải thiện hiệu quả thi đấu. Cziommer sẽ hướng dẫn Weghorst vượt qua "những căng thẳng thiếu khôn ngoan", tạm hiểu là cảm xúc tiêu cực làm giảm hiệu quả màn trình diễn trên sân, thay vì thúc đẩy như điều Van Basten nói.
Weghorst tìm cách liên hệ với đội chuyên gia của anh trong thời gian đá giải. Anh gửi các clip về màn trình diễn của bản thân để các chuyên gia phân tích hướng cải thiện. Ví dụ, trong các tình huống bóng bổng, hoặc vấn đề tâm lý. Đôi khi vì quá nóng vội, Weghorst lao lên quá sớm, hụt đường chuyền. Anh cần điềm tĩnh hơn để chọn vị trí chính xác.
Áp lực đôi khi có tác dụng tích cực và không có gì đáng bị xua đuổi. Hans van Breukelen là thủ môn tuyển Hà Lan vô địch châu Âu năm 1988. Trông ông lúc nào cũng căng thẳng. Cựu thủ môn này nói: "Áp lực giúp tôi duy trì sự tập trung, là thứ để tôi nhìn tường tận trận đấu một cách chính xác, tôi có thể hình dung kịch bản các trận đấu sắp tới để chuẩn bị kỹ càng và tự tin. Tôi muốn rời sân trong vai người chiến thắng".
Cách giải quyết đơn giản khi không kiểm soát được áp lực như Van Breukelen là nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia. Cầu thủ Hà Lan thuê chuyên gia tâm lý rất nhiều. Như Bouke de Boer kể, khách hàng của ông có cả Stefan De Vrij, trung vệ đá chính của Hà Lan ở Euro 2021.
Theo Bouke De Boer, có hai loại áp lực thường gặp, loại có thể tự kiểm soát và loại khiến nhiễu loạn hành vi dẫn đến đổ mồ hôi hoặc nôn mửa. Cần có những bài tập đặc thù. Ví dụ tắm nước đá chẳng hạn. "Bạn sẽ không còn cảm thấy đau đớn nữa và quên hết những chuyện đã xảy ra. Căng thẳng, mệt mỏi đều tan biến", De Boer nói.
Vấn đề của De Vrij là anh quá hiền lành. Tính cách đó khiến anh khó thích nghi trong giai đoạn đầu thi đấu tại Italy, nơi anh phải học cả những tiểu xảo. Chuyên gia tâm lý De Boer đã bố trí cho De Vrij tập thêm các bài đấm bốc, thứ giúp De Vrij cân bằng được tính cách bản thân với khó khăn phải đối diện từ bóng đá. Và giờ trung vệ này đã ổn. Tuyển thủ Hà Lan thuộc biên chế Inter kể: "Tôi dần cảm thấy bình thường trước áp lực. Mỗi cầu thủ bóng đá đều trải qua những cảm giác như vậy. Việc tập luyện khiến tôi không còn sợ hãi nữa mà lại háo hức trước những thử thách lớn, chỉ mong sớm đến Euro để thể hiện, mong được đối đầu những cầu thủ giỏi nhất từ các đội tuyển khác".
Willem Janssen, cầu thủ FC Utrecht, thì thừa nhận luôn bị căng thẳng và nhiều nỗi sợ. Trước các trận đấu, anh luôn nôn mửa. Anh luôn cảm thấy áp lực đè nặng và luôn phải bí mật vào toilet để nôn, sau đó giật nước và giữ bí mật mọi chuyện.
Khi chia sẻ câu chuyện của bản thân, Janssen cho rằng cầu thủ trẻ luôn chối bỏ áp lực và nghĩ rằng họ không cần sự trợ giúp. Giờ đây khi dạy các đàn em, Janssen luôn nói rằng thời nay, chuyện đi đến bác sĩ tâm lý đã trở nên phổ biến trong giới cầu thủ. Khi nói chuyện với cầu thủ trẻ, Janssen khuyên họ đi từng bước một. "Thay vì sợ mắc sai lầm, hay tập trung vào những khía cạnh tích cực. Đếm số đường chuyền chính xác của mình chẳng hạn", anh nói.
Việc được phổ cập kỹ càng các kiến thức tâm lý và kiểm soát căng thẳng giúp đội Hà Lan được khen ngợi về mặt tinh thần trong 2 trận đấu đã qua. Tinh thần là điểm yếu cố hữu của Hà Lan tại các giải lớn, thể hiện đặc biệt rõ trên chấm luân lưu. Họ không muốn các thất bại kiểu đó tái diễn ở giải lần này.
Đỗ Hiếu