Thời sự
Thứ hai, 9/9/2024, 15:25 (GMT+7)

Hiện trường cầu sập khiến 13 người mất tích

Phú ThọNhịp cầu thép Phong Châu hoen gỉ, lan can đi bộ đứt gãy, nhiều mảng bêtông đứt gãy nằm dưới sông Hồng chảy xiết, cơ quan chức năng đang tìm kiếm nạn nhân.

Hiện trường cầu sau khi bị sập hai nhịp. Ảnh: Nguyễn Chương

Trước đó, lúc 10h ngày 9/9, cầu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C nối huyện Lâm Thao và Tam Nông của Phú Thọ bị sập, trôi hai nhịp thép. Do nằm trên tuyến đường huyết mạch (nối Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu), khi xảy ra sự cố trên cầu khá đông xe.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết bước đầu cơ quan chức năng xác định có khoảng 10 ôtô, hai xe máy và khoảng 13 người dân mất tích, 4 người được cứu sống. Con số này đang được cập nhật.

Cầu Phong Châu sau vụ sập. Video: Minh Bằng
 
 

Cầu Phong Châu sau vụ sập. Video: Minh Bằng

Một phần nhịp cầu còn lại phía huyện Lâm Thao sau vụ sập.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ huy động lực lượng, nhiều tàu, xuồng đến hiện trường vụ sập cầu để tìm kiếm các nạn nhân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch huyện Tam Nông, cho biết thời tiết phức tạp, các cơ quan chưa thể xác định cụ thể thương vong.

Cầu sập hai nhịp chia cắt hai bờ sông: bên trái hình là nhịp cầu phía huyện Lâm Thao, bên phải ở huyện Tam Nông. Ảnh: Nguyễn Chương

Một phần nhịp cầu bị sập nằm ven bờ sông Hồng phía huyện Tam Nông.

Cầu sập dài gần 380 m, kết cấu giàn thép, có 8 nhịp, rộng 9,5 m, trong đó phần đường xe chạy là 7 m, lề đi bộ mỗi bên một mét. Công trình khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1995.

Lan can đi bộ trên nhịp cầu bị đứt gãy sau vụ sập. Hiện nước sông Hồng ở khu vực cầu sập chảy rất xiết.

Năm 2013, cầu từng hư hỏng nặng, phải sửa chữa. Cách đây hai năm, cử tri Phú Thọ kiến nghị đầu tư nâng cấp hoặc xây cầu mới thay thế.

Công tác cứu hộ cứu nạn đang gấp rút triển khai. Nhiều thiết bị chuyên dụng được đưa tới đây phục vụ tìm kiếm nạn nhân.

Bước đầu Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ xác định bão Yagi gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết làm thay đổi địa hình dưới khu vực cầu, kéo đổ trụ T7, sập hai nhịp 6 và 7.

Một người thân khóc ngất khi người thân bị mất tích.

Sau khi sự cố xảy ra Thủ tướng đã chỉ đạo sớm khắc phục thiệt hại. Quân đội, công an chủ trì cùng Bộ Giao thông Vận tải và địa phương tìm kiếm người bị nạn. Lực lượng chức năng đã chốt chặn hai đầu, không cho xe chạy để đảm bảo an toàn.

Chị An (ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn) cung cấp loại xe, biển số, tên tuổi người thân mất tích khi tới hiện trường trình báo.

Xe cứu thương và y, bác sĩ túc trực ở hiện trường.

Vị trí cầu Phong Châu. Đồ họa: Đăng Hiếu

Phạm Chiểu - Phạm Dự

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.