Ông Phạm Văn Lương - Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam - nhận định phát triển du lịch bền vững trở thành xu hướng thiết yếu tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là bối cảnh biến đổi khí hậu và sự gia tăng du lịch đại chúng.
Tổ chức Du lịch thế giới (UN-Tourism) đưa ra khuyến nghị chung cho các quốc gia trong mục tiêu phát triển du lịch bền vững như: cần sự tham gia của tất cả bên liên quan; áp dụng nguyên tắc bền vững và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy du lịch tích cực với thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm nhựa; khuyến khích đầu tư dự án bền vững, giáo dục và nâng cao nhận thức của du khách về tác động của họ đến môi trường, cộng đồng địa phương.
Từ đó, Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) phát triển ba bộ tiêu chí đánh giá du lịch bền vững gồm:
Tiêu chí ngành áp dụng với doanh nghiệp du lịch như khách sạn, công ty lữ hành.
Tiêu chí điểm đến dành cho nhà hoạch định chính sách,quản lý điểm đến.
Tiêu chí MICE cho các địa điểm tổ chức sự kiện và nhà tổ chức sự kiện.
Các tiêu chí trên tập trung vào bốn trụ cột chính: quản lý bền vững, tác động kinh tế xã hội, tác động văn hóa và tác động môi trường.
Ở nước ta, Chính phủ chú trọng vấn đề này, đưa ra loạt chính sách có lợi như: Luật Du lịch năm 2017, chiến lược "Phát triển du lịch đến năm 2030", chương trình "Du lịch xanh quốc gia đến 2025".
Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam chỉ ra những năm gần đây, Đồng Tháp quan tâm phát triển du lịch với nhiều điểm đến, sản phẩm hấp dẫn như: vườn Quốc Gia Tràm Chim, thành phố hoa Sa Đéc hay điểm nghỉ dưỡng nông nghiệp, farmstay... gắn với thương hiệu, hình ảnh hoa sen đặc trưng của tỉnh.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều chính quyền và người dân Đồng Tháp quan tâm, mong mỏi hiện nay không chỉ phát triển tỉnh thành điểm đến hấp dẫn, mà còn phải xanh, bền vững, phù hợp với định hướng, chiến lược chung của toàn ngành lẫn nhu cầu, xu hướng du lịch chung thế giới", ông Phạm Văn Lương cho hay.
Với vai trò khách mời, đại diện doanh nghiệp tham dự buổi tập huấn, ông Lương kỳ vọng các chuyên gia, đại biểu trao đổi, làm rõ bốn vấn đề:
Đầu tiên, du lịch Đồng Tháp đang ở đâu trong tiến trình phát triển du lịch bền vững?
Thứ hai, mô hình du lịch nào cần được phát triển để đạt mục tiêu phát triển bền vững?
Thứ ba, các kinh nghiệm quốc tế nào Đồng Tháp có thể học tập, áp dụng?
Cuối cùng, trách nhiệm và hành động của các bên liên quan trong phát triển du lịch bền vững thời gian tới là gì?
Sau buổi tập huấn kéo dài 3,5 tiếng, thắc mắc của ông Phạm Văn Lương cùng cộng đồng doanh nghiệp phần nào được chuyên gia giải đáp.
Cũng trong khuôn khổ buổi tập huấn, ông Lương tiết lộ phấn khởi khi tiếp tục đồng hành Đồng Tháp trong dự án "Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam" (ST4SD). Được sự ủy quyền của Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, các tỉnh Hà Giang và Quảng Nam, Helvetas sẽ hỗ trợ kỹ thuật qua ba điểm sau:
Đầu tiên là hỗ trợ triển khai các chính sách phát triển du lịch bền vững thông qua đối thoại và hợp tác công tư.
Tiếp đó hỗ trợ xây dựng, áp dụng các mô hình và quản lý điểm đến du lịch bền vững, hỗ trợ lựa chọn, triển khai loạt sáng kiến của tỉnh.
Cuối cùng là hỗ trợ nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Qua dự án ST4SD, phía Helvetas mong góp một phần nhỏ bé thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở Đồng Tháp, một ngày không xa đưa tỉnh này trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu của ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.
"Lần nữa, chúng tôi xin cảm ơn lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cùng ban ngành các cấp liên quan cho phép chúng tôi tài trợ, đồng hành tỉnh và Ban IV tổ chức lớp tập huấn này. Hy vọng đây là khởi đầu tốt đẹp cho các hoạt động hợp tác khác trong tương lai", ông Phạm Văn Lương nói thêm.
Helvetas là tổ chức phi chính phủ lớn nhất Thụy Sĩ, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển. Đơn vị ra mắt Việt Nam từ năm 1994, có đại diện ở hơn 30 quốc gia.
Ngày 8/11, ban tổ chức tiếp tục triển khai buổi tập huấn nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ đề "Nông nghiệp bền vững". Hoạt động nằm trong khuôn khổ "Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL 2024" ((Mekong Startup Forum - MSF), tổ chức trực tiếp tại hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp, kết hợp trực tuyến qua Zoom.
Đông Vệ