Indonesia đến hôm nay ghi nhận 686 ca nhiễm, trong đó 55 người chết, cao nhất Đông Nam Á. Các chuyên gia y tế nhận định quốc đảo này phải đối mặt với nguy cơ bùng phát Covid-19 bởi phản ứng chậm chạp của chính phủ, thậm chí quy mô dịch bệnh ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới có thể bị che giấu.
Một nghiên cứu của Trung tâm Mô hình Chính xác về các bệnh Truyền nhiễm, trụ sở ở London, đầu tuần này ước tính chỉ 2% các trường hợp nhiễm nCoV ở Indonesia được báo cáo. Như vậy, số ca nhiễm thực sự ở nước này có thể lên tới 34.300, nhiều hơn cả Iran.
Các nhà phân tích dự tính kịch bản tồi tệ nhất, rằng số ca nhiễm có thể lên tới 5 triệu ở Jakarta vào cuối tháng 4. "Chúng tôi đã mất kiểm soát dịch, nó đã lan rộng khắp mọi nơi", nhà kinh tế học về y tế cộng đồng Ascobat Gani nói. "Có lẽ chúng tôi sẽ giống như Vũ Hán hay Italy. Tôi nghĩ, chúng tôi cũng đang ở trong phạm vi của tình trạng đó", ông nói.
Song giới chức chính phủ Indonesia không nghĩ các tác động của nCoV sẽ nghiêm trọng. "Chúng tôi sẽ không như Italy và Trung Quốc", Achmad Yurianto, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Indonesia, nhận định. "Điều quan trọng là chúng ta phải lưu ý người dân giữ khoảng cách với nhau".
Hệ thống y tế ở Indonesia bị cho là kém hơn so với những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi nCoV. Đất nước khoảng 270 triệu dân có 321.544 giường bệnh, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này. Điều này đồng nghĩa khoảng 12 giường bệnh/10.000 người. Ở Hàn Quốc, con số này là 115 giường/10.000 người, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Năm 2017, WHO thống kê Indonesia có 4 bác sĩ/10.000 dân. Italy gấp 10 lần con số này, Hàn Quốc gấp 6 lần. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Yurianto cho rằng, với các biện pháp định hướng xã hội thích hợp, không cần phải bổ sung giường bệnh hay nhân viên y tế, cũng có thể ứng phó dịch bệnh.
Budi Waryanto, một chuyên gia dịch tễ học của Đại học Indonesia, nói với Reuters rằng các bệnh viện hiện chưa sẵn sàng hỗ trợ các ca bệnh tiềm năng. Dù mới chỉ có hàng trăm người phải nhập viện vì nCoV, các bác sĩ Indonesia nói rằng hệ thống y tế hiện đã căng thẳng. Một bác sĩ nói cô phải mặc áo mưa vì thiếu thiết bị bảo hộ.
Theo Hiệp hội bác sĩ Indonesia, 8 bác sĩ và một y tá đã tử vong vì nCoV ở nước này. Trong khi tại Italy, nơi có hơn 6.000 ca tử vong do nCoV, ghi nhận 23 bác sĩ thiệt mạng.
Nhân viên một bệnh viện ở ngoại ô Jakarta dọa không đến làm việc hôm 24/3 vì thiếu thiết bị bảo hộ, một bác sĩ giấu tên nói. "Chúng tôi phải tự trang bị khẩu trang, quần áo cá nhân không đạt chuẩn chất lượng. Bạn bè tôi, từng người một bị nhiễm virus", anh nói, không cầm được nước mắt.
Chính phủ Indonesia cho hay tuần này, họ đã cung cấp 175.000 bộ đồ bảo hộ mới cho các nhân viên y tế trên cả nước. Một bệnh viện khẩn cấp đã được mở tại Jakarta, với khả năng tiếp nhận 24.000 bệnh nhân. Các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ được cấp tiền và 500.000 bộ xét nghiệm nCoV nhanh.
Chính quyền trung ương khó điều phối các biện pháp ứng phó nCoV trên một quốc đảo rộng lớn, với khoảng 19.000 đảo nhỏ, trải dài 5.100 km. Việc thiếu các giường chăm sóc đặc biệt (ICU) ở Indonesia cũng khiến các chuyên gia lo lắng, đặc biệt, nước này đang bước vào cao điểm mùa sốt xuất huyết.
Một nghiên cứu trên tạp chí Critical Care Medicine hồi tháng 1 cho thấy, Indonesia có 2,7 ICU/100.000 dân, thấp nhất ở châu Á.
Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 420.000 người nhiễm, gần 19.000 người chết và hơn 100.000 người hồi phục.
Tại Đông Nam Á, Myanmar và Lào là hai quốc gia mới nhất ghi nhận các ca nhiễm nCoV hôm 24/3. Malaysia là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực, với hơn 1.700 ca, 17 ca tử vong. Số ca nhiễm ở Thái Lan là hơn 900 ca, 4 người chết, Singapore 558 ca, 2 người chết, Philippines 552 ca, 35 người tử vong.
Mai Lâm (Theo Reuters/Worldometers)