GS. TS Chử Đức Trình
GS Chử Đức Trình hiện là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông tốt nghiệp ngành vật lý trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1998. Ông nhận bằng thạc sĩ kỹ thuật điện tử tại Khoa Công nghệ năm 2002, sau đó nhận bằng tiến sĩ cùng chuyên ngành tại Trường Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan. Hiện ông đảm nhiệm vị trí giáo sư, tiến sĩ tại Khoa Điện tử - Viễn thông, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Vi cơ điện tử và Vi hệ thống.
Hướng nghiên cứu chính của ông ở lĩnh vực hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), cảm biến lực, cảm biến gia tốc, cảm biến áp điện trở, cảm biến điện dung, các hệ thống vi kẹp thông minh, cảm biến tế bào sống, hệ thống phòng thí nghiệm trên một chip (lab-on-a-chip), hệ thống điều khiển và robot thông minh. Ông sở hữu 3 bằng sáng chế, là tác giả, đồng tác giả của trên 150 bài báo tạp chí, báo cáo hội nghị trong nước và quốc tế.
Bên cạnh nghiên cứu chuyên sâu, ông tham gia tổ chức và dự nhiều hội nghị khoa học chuyên ngành như IEEE Sensors, IWNA, ATC, thành viên biên tập một số tạp chí chuyên ngành.
Tiến sĩ Võ Sỹ Nam
TS Nam hiện là Giám đốc khoa học và Đồng sáng lập công ty GeneStory, Giám đốc chương trình nghiên cứu genome người Việt, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup, giảng viên liên kết Đại học VinUni.
Anh đang cùng cộng sự tập trung vào các dự án phân tích và chú giải dữ liệu y sinh học quy mô lớn cũng như phát triển các mô hình dự đoán nguy cơ bệnh và tác dụng phụ của thuốc nhằm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh. Một trong số các công trình anh cùng đội ngũ đã thực hiện là dự án giải mã 1000 hệ gene người Việt, đã được hoàn tất vào 12/2021. Dự án đã tạo ra hơn 1000 terabyte dữ liệu và đang được quản lý, phân tích và chia sẻ tại cổng dữ liệu MASH (https://genome.vinbigdata.org/).
Trước khi về nước gia nhập VinBigdata và GeneStory, TS Nam đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tin sinh học tại các đơn vị nghiên cứu lớn ở Mỹ. Anh lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Memphis, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Ung thư MD Anderson, Đại học Texas và sau đó làm chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Dữ liệu, Đại học Chicago, Mỹ. Anh đã công bố nghiên cứu trên nhiều tạp chí khoa học uy tín trong lĩnh vực như Immunity (Cell), Cell Reports, Bioinformatics, Human Genome Variation (Nature).
Mục tiêu của anh là góp phần xây dựng các cơ sở dữ liệu y sinh học quy mô lớn đồng thời phát triển các phương pháp và công cụ phân tích dữ liệu hướng đến ứng dụng y học chính xác tại Việt Nam.
Ông Vũ Anh Tú - CTO tập đoàn FPT
Ông Vũ Anh Tú đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công nghệ tập đoàn FPT. Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, ông Vũ Anh Tú là kiến trúc sư trưởng của nhiều dự án công nghệ của Tập đoàn FPT. Ông là người tiên phong xây dựng, ứng dụng các công nghệ tiên tiến làm nền tảng phát triển kinh doanh, đưa FPT trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc cung cấp dịch vụ Internet trên mạng cáp quang; phát triển thiết bị giải mã truyền hình IPTV cho hàng triệu người dùng.
Bắt kịp những xu hướng mới của thế giới, ông đưa ra chiến lược công nghệ của FPT tập trung vào 4 mảng cốt lõi AI, Blockchain, Cloud và Bigdata. Trong đó, AI được chú trọng đầu tư và được ông đưa vào hệ sinh thái sản phẩm Made by FPT, nhằm mang lại hiệu quả đột phá cho doanh nghiệp. Ông cũng là người tích cực thúc đẩy xây dựng cộng đồng AI trong nội bộ FPT và bên ngoài.
Các dự án phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và dự án chuyển đổi số với khách hàng lớn của tập đoàn đều mang dấu ấn của Giám đốc Công nghệ FPT.
Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê
TS Lê là Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI); giảng viên trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chị tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ công nghệ thông tin tại trường Đại học Tokyo, Nhật Bản lần lượt các năm 2007 và 2010. Chị nhận bằng tiến sĩ ngành Tin học tại Viện Tin học quốc gia Nhật Bản năm 2019. Từ chối cơ hội trở thành giảng viên chính thức của một đại học lớn ở Osaka, TS Lê trở về Việt Nam đem khát vọng sử dụng AI để giải quyết những bài toán cấp thiết trong nước.
Nữ tiến sĩ có hơn 60 kết quả nghiên cứu đã được công bố tại các hội thảo, tạp chí uy tín trên thế giới. Chị tham gia hội đồng kỹ thuật của nhiều hội thảo uy tín như ICC, WCNC, Globecom... Hướng nghiên cứu chính của chị tập trung vào các giao thức trong mạng truyền thông, đặc biệt là các mạng thế hệ mới như mạng điện toán biên, mạng Internet vạn vật. Chị cũng tập trung nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu nhằm giải quyết các bài toán cấp thiết của Việt Nam.
TS Phi Lê từng đoạt huy chương bạc tại Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 41, tổ chức tại Hàn Quốc năm 2000. Lịch sử IMO ghi nhận Việt Nam có 11 gương mặt nữ đoạt huy chương qua các kỳ thi này. Chị cũng đạt nhiều danh hiệu như sinh viên xuất sắc nhất viện Tin học Nhật Bản, năm học 2018, Giải thưởng tại cuộc thi sáng tạo ý tưởng cho mạng SINET Nhật Bản, năm 2018, nhiều bài báo xuất sắc tại các hội nghị quốc tế ISSINP, SoICT, ICT-DM.
Ông Vũ Thanh Thắng - Chủ tịch Viện công nghệ AI tập đoàn Bkav
Ông Vũ Thanh Thắng nhận bằng thạc sĩ công nghệ thông tin tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông cũng có chứng chỉ phát triển SoC tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, chứng chỉ sản xuất điện tử Đài Loan.
Trước khi trở thành Chủ tịch Viện công nghệ AI hồi đầu năm nay, ông Thắng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Bkav, như Giám đốc công ty nhà thông minh Bkav SmartHome (2005-2010); Phó chủ tịch phụ trách phần cứng công ty Bkav (2010-2018), Phó chủ tịch phụ trách R&D công ty Bkav, Viện trưởng viện công nghệ AI (2018-2021).
Ông Thắng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện tử và nhà thông minh, 13 năm lĩnh vực thiết kế smartphone. Trên cương vị kỹ sư trưởng, ông chủ trì nhiều dự án phát triển các phần mềm và phần cứng, tạo sản phẩm như hệ thống nhà thông minh Bkav SmartHome; điện thoại BPhone. Đặc biệt, dự án hệ thống camera tích hợp trí tuệ nhân tạo đầu tiên là bước đột phá công nghệ giúp tối ưu chi phí. Ông cũng có nhiều năm phát triển nền tảng công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; các hệ thống phần mềm quản lý camera và phân tích hình ảnh AI như VMS, VA, GIS, AI View Cloud...
Tại AI Awards 2022 - giải thưởng do VnExpress, 5 thành viên Hội đồng chuyên môn sẽ đảm nhiệm vai trò "cầm cân nảy mực", lựa chọn các sản phẩm, giải pháp ứng dụng AI nổi bật trong sản xuất doanh nghiệp và cuộc sống. Cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam AI4VN 2022 với chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai".
Tham gia chương trình, mỗi dự án được giải sẽ nhận thưởng 150 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng tiền mặt và gói truyền thông trị giá 120 triệu đồng trên VnExpress. Đặc biệt các dự án tiềm năng có cơ hội kết nối với doanh nghiệp nhằm hoàn thiện giải pháp, sản phẩm, đưa ra thị trường thông qua vòng AI Tech Matching, tổng chi phí đầu tư lên tới 60.000 AUD (gần một tỷ VNĐ) đến từ nhà tài trợ Aus4innovation.
AI Awards 2022 tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký đến hết ngày 18/8, sau đó các bài thi sẽ được sơ loại bước vào vòng bình chọn tại https://vnexpress.net/khoa-hoc/ai4vn-2022. Điểm chung kết sẽ là 60% từ ban giám khảo và 40% từ kết quả bình chọn.
Lễ trao giải sẽ diễn ra trong chương trình AI Summit, dự kiến tổ chức vào 22-23/9/2022 tại khách sạn Grand Plaza Hà Nội.
Tham khảo thể lệ và gửi hồ sơ tại đây.
Như Quỳnh