Khoảng 5.000 huy chương được sản xuất để phục vụ sự kiện thể thao lớn nhất trong năm ở Nhật Bản. Mỗi chiếc có trọng lượng từ 450 đến 556 gram được nguyên liệu tái chế. Hàng triệu smartphone cũ và các đồ điện tử hư hỏng khác được sử dụng nhằm tách lấy vàng, bạc và đồng.
Giám đốc Hiệp hội thiết kế huy hiệu Nhật Bản Junichi Kawanishi là "cha đẻ" của những tấm huy chương Olympic Tokyo.
Giá trị của HC vàng năm nay khoảng 810 USD, trong khi HC bạc là 462 USD, cao hơn những sự kiện thể thao lớn gần đây. Tại Olympic mùa đông PyeongChang 2018, HC vàng có giá trị 660 USD, HC bạc là 313 USD, còn tại Olympic Rio 2016, HC vàng là 564 USD và 326 USD cho HC bạc.
Kể từ sau Olympic 1912 tại Stockholm (Thụy Điển), HC vàng không còn được làm hoàn toàn bằng vàng, mà chủ yếu từ bạc. Theo yêu cầu của Ủy ban Olympic quốc tế, HC vàng cần chứa ít nhất 6 gram vàng và khoảng 92,5% bạc nguyên chất.
Hầu hết huy chương Olympic có giá trị từ 300 đến 800 USD dựa theo chất liệu. Tuy nhiên, chúng có thể bán với giá gấp nhiều lần. Năm 2012, cựu tay đấm quyền Anh người Ukraine Wladimir Klitschko từng đấu giá tấm HC vàng anh giành được tại Olympic Atlanta 1996 với giá một triệu USD. Số tiền này được chuyển vào quỹ từ thiện của Wladimir và anh trai. Tuy nhiên, người mua sau đó đã trả lại huy chương cho võ sĩ này để bày tỏ sự tôn trọng.
Năm 2019, VĐV trượt tuyết người Alexei Grishin từng bán HC vàng của anh tại Olympic mùa đông Vancouver 2010 với giá 55.000 USD để giúp chi trả viện phí cho một người bạn. Grishin cũng bán đấu giá HC đồng tại Olympic mùa đông Salt Lake City 2002 với giá 22.778 USD.
Giá trị của huy chương Olympic vượt xa chi phí tạo ra nó. Các quốc gia sẵn sàng thưởng lớn cho những VĐV mang vinh quang về cho tổ quốc. Tại Olympic Rio 2016, Singapore từng thưởng Joseph Schooling một triệu SGD (khoảng 744.000 USD) cho tấm HC vàng ở nội dung bơi 100m bướm.
Vĩnh San (theo National Post)