-
17h15
Người dân chèo thuyền trên đường phố Yên Bái
Chiều nay, nước lũ trên đường phố TP Yên Bái đã dâng cao 70-80 cm, ngập quá đầu gối người lớn. Khu vực đường Hồ Xuân Hương ngập hơn 2 m vì gần suối. Mưa tại TP Yên Bái vẫn xối xả.
Bà Vũ Thị Bôi, 78 tuổi, sống tại đường Điện Biên, cho biết nước lũ dâng nhanh, từ sáng mới bắt đầu ngập nhưng giờ đã gần mép cửa nhà bà. Từ năm 2008, thành phố mới lại ngập cao như hôm nay.
Sống cùng hai cháu nội, bà Bôi cho biết từ đầu giờ chiều các cháu đã giúp bà kê hết giường, tủ lên cao, mua sẵn bánh mì, sau đó phải đi làm. "Các cháu dặn tôi nước vào đến cửa thì mặc kệ đồ đạc, lên tầng 2, không phải lăn tăn tiếc của gì", bà nói.
-
17h10
Tạm dừng nhiều hoạt động ở cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết đầu giờ chiều 9/9, nhà chức trách đã tạm dừng xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai) - Hà Khẩu (Trung Quốc) do mưa lũ, nước sông dâng cao và nhà liên ngành phía Trung Quốc mất điện. Việc này dựa trên đề nghị của cơ quan Ngoại vụ Hà Khẩu (Trung Quốc).
Trước đó từ đầu giờ sáng 9/9 đến khi dừng hoạt động xuất - nhập khẩu, phía Việt Nam đã xuất được hơn 143 xe hàng, hiện tồn khoảng 40 xe tại cửa khẩu Kim Thành.
Lũ trên sông Hồng tại TP Lào Cai đang lên chậm, gây ngập úng nhiều điểm trên đường Hồng Hà, An Dương Vương. Nhiều gia đình bị nước tràn vào gây ngập 25-50 cm, có hộ trên nửa mét. Dự báo đỉnh lũ lớn nhất khả năng lên tới 86,8 m, thời gian xuất hiện đỉnh khoảng 18-19h ngày 9/9, gần xấp xỉ bằng đỉnh lũ lịch sử cách đây 53 năm.
Trước đó ngày 20/8/1971, lũ trên sông Hồng tại TP Lào Cai lên đến 86,85 m, mức cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc tính từ năm 1903 đến nay.
Theo dự báo, từ tối nay đến ngày 11/9, ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ nối với áp thấp suy yếu từ bão Yagi, tỉnh Lào Cai tiếp tục mưa 150-250 mm, có nơi trên 30 mm, tập trung tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa...
-
16h45
Tổng Bí thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của bão Yagi
Chiều 9/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư đến đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của bão Yagi. Ông gửi lời cảm thông và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, đặc biệt là những người có thân nhân mất trong bão lũ.
"Tôi ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, Lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, nhất là những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc tình dân tộc, nghĩa đồng bào - sức mạnh to lớn đưa nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi khó khăn, thử thách", ông viết.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, mục tiêu cao nhất hiện nay là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, khẩn trương ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng của cơn bão, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động bình thường của đời sống xã hội. Các cơ quan phải thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân đã anh dũng hy sinh, bị thương khi tham gia cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân trong bão lũ.
Vì vậy, ông đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão Yagi với 5 mục tiêu như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo. Trước mắt, các đơn vị ưu tiên cứu người, đảm bảo không người dân nào bị đói ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở; tiếp cận vùng bị cô lập; di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm; đảm bảo người bệnh có thuốc và được điều trị, trẻ em sớm được tới trường. Lực lượng chức năng phải tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh, trật tự, các hành vi trục lợi liên quan đến hỗ trợ đền bù thiệt hại.
"Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tiếp tục phát huy mạnh mẽ tình dân tộc, nghĩa đồng bào, hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viết.
-
16h20
Nhiều khu dân cư ở Bắc Giang bị cô lập
Mực nước sông Lục Nam tại huyện Lục Nam lúc 13h là 6,67 m, trên báo động ba 0,37 m. Huyện này có 8 thôn bị chia cắt, cô lập do ngập. 89 hộ dân bị ảnh hưởng do nước ngập phải di dời; hơn 2.400 ha lúa, 26,7 ha ngô, hơn 149 ha rau màu, 146 ha cây ăn quả và hơn 2.400 ha rừng trồng bị ngập, đổ gãy. Lũ cuốn trôi và làm chết 12.500 con gia cầm, 0,36 ha nuôi cá.
-
16h20
Hai bố con bị vùi lấp sau sạt lở ở Yên Bái
Chiều 9/9, ông Triệu Văn Lý, Chủ tịch xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, cho biết khoảng 15h30 đất đá từ quả đồi cao hơn 20 m đã sạt xuống khu dân cư vùi lấp 5 ngôi nhà và hai bố con.
Lãnh đạo xã Tân Phượng nói trước đó các hộ dân ở khu vực này đã được di dời do nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Hai bố con ở lại nên gặp nạn.
-
16h15
Lúc xuất bến, xe khách gặp nạn ở Cao Bằng chở 15 người
Đại diện nhà xe Việt Trang (đóng huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) cho hay chiếc xe của gia đình bị nạn trên quốc lộ 34 ở xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình là loại 29 chỗ chứ không phải 16 chỗ như thông báo của đại diện Sở Giao thông Vận tải.
Hãng xe thông tin khoảng 13h30 ngày 8/9, xe khách do tài xế Nguyễn Đình Danh cầm lái, xuất bến từ Bảo Lâm. Lúc xuất phát, xe có khoảng 15 hành khách. Chủ xe không rõ dọc đường tài xế có bắt thêm khách hoặc có ai xuống xe hay không.
Khoảng 17h30 cùng ngày, tài xế báo về đã đến xã Ca Thành song phía trước bị sạt lở tắc đường, không thể di chuyển, buộc phải nằm lại. "Tôi còn cẩn thận dặn tài xế tìm chỗ rộng rãi, không nguy hiểm mà đỗ", nữ chủ xe kể.
Kể từ thời điểm đó, nhà xe mất hẳn liên lạc với tài xế. "Không rõ mất sóng điện thoại hay lái xe cũng bị lũ cuốn cùng xe rồi vì người nhà cũng chưa thể tiếp cận hiện trường", bà này nói.
Nhà xe Việt Trang có 4 xe khách, chuyên chạy tuyến Bảo Lâm về TP Cao Bằng và ngược lại.
-
15h50
4 người ở Si Mai Cai, Lào Cai tử vong do sạt lở núi
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ huyện Si Ma Cai cho biết sáng 9/9, tại xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai xảy ra sạt lở núi vùi lấp 3 ngôi nhà.
Hậu quả, gia đình 5 thành viên ở thôn Hòa Bình bị đất đá vùi lấp, 4 người tử vong (vợ chồng, hai con), riêng cháu bé 3 tuổi con út được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài trong tình trạng gãy chân, đang cấp cứu tại bệnh viện. Hai gia đình hàng xóm gần đó khi thấy đất đá ập đến đã kịp chạy ra ngoài, may mắn thoát nạn.
Hai hôm nay, huyện Si Ma Cai liên tiếp xảy ra mưa giông, có nơi mưa rất to, phổ biến 150-200 mm, có nơi trên 200 mm. Nhiều tuyến đường bị tắc do sạt lở đất đá, cây cối, các xã Lùng Thẩn, Quan Hồ Thẩn, Thào Chư Phìn, Nàn Sán, thị trấn Si Ma Cai... bị cô lập do nước dâng cao, một số trường và điểm trường đất sạt lở làm nứt tường, hư hỏng.
-
15h45
Đường phố Yên Bái biến thành sông
-
15h30
Nâng cấp độ rủi ro sạt lở Yên Bái, Lào Cai lên cao nhất
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lượng mưa từ 14h hôm qua đến 14h hôm nay ở Tân Phượng (Yên Bái) gần 530 mm, Nấm Dẩn (Hà Giang) 495 mm, Bản Khoang, Tả Giàng Phìng (Lào Cai) gần 340 mm, Yên Đổ (Thái Nguyên) hơn 360 mm.
Trong 3-6 giờ tới, miền núi phía bắc tiếp tục mưa phổ biến 30-80 mm, có nơi trên 120 mm, khu vực đồng bằng và trung du mưa 20-50 mm, có nơi trên 80 mm. Lúc 13h, lũ trên sông Thao tại Yên Bái trên báo động ba 1,98 m và đang lên. Mực nước này tương đương năm 2008.
Do lượng mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi độ ẩm đất ở ngưỡng bão hòa. Cơ quan khí tượng nâng mức độ rủi ro thiên tai sạt lở đất, lũ quét, sụt lún ở Yên Bái và Lào Cai lên cấp ba - cấp cao nhất trong thang cấp độ. Các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang cấp hai.
-
15h20
Hơn 500 ngôi nhà ở Bắc Kạn bị tốc mái, sạt lở, ngập nước
Văn phòng Ban chỉ huy về Phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn cho biết toàn tỉnh có 524 ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở, ngập nước do ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trong đó, huyện nhiều nhất là Na Rì với 133 nhà; các huyện như Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới, Ba Bể, TP Bắc Kạn, Chợ Đồn, Ba Bể... từ 6 đến 95 nhà.
Tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, nước lũ dâng cao gây ngập cánh đồng lúa rộng hơn 100 ha, nguy cơ mất trắng. Nhiều nhà dân vùng trũng nước tràn vào, địa bàn mất điện cục bộ.
Tổng số hộ dân ở xã Nam Cường phải di dời khẩn cấp là 92. Hiện công an, quân đội, dân quân tự vệ và người dân đã giúp nhau chuyển đồ đạc, tài sản lên nơi khô ráo. Hiện việc di dời cơ bản hoàn thành, tuy nhiên nếu mực nước sông tiếp tục dâng thì 70 hộ nữa phải đi tránh trú.
Đến nay, chính quyền đã bố trí chỗ ở, địa điểm để các hộ dân bị ngập nhà ở tạm, một số người thì tá túc tại nhà người thân.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Kạn, trên sông Cầu, sông Năng lũ đã vượt báo động cấp ba. Dự báo trong thời gian tới, trời tiếp tục mưa to, mực nước trên các triền sông, suối tiếp tục tăng lên. Nguy cơ ngập lụt trên diện rộng.