Shuo, 22 tuổi, đã mua rất nhiều vé máy bay trong những tuần gần đây với mong muốn nhanh chóng trở về quê nhà tránh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại Mỹ nhưng về cơ bản đã được khống chế ở Trung Quốc. Nhưng tất cả các chuyến bay Shuo đặt, trừ chuyến sắp tới chưa rõ số phận, đều bị hủy.
Như nhiều du học sinh Trung Quốc khác tại Mỹ, Shuo đã phải đấu tranh với các hãng hàng không để nhận được số tiền bồi hoàn cho những chuyến bay bị hủy.
"Tôi đã được hoàn tiền ba chuyến bay nhưng phải mất từ 4 đến 6 tuần chờ đợi và hoàn toàn mù mờ về thông tin số tiền của mình. Hãng hàng không cho tới tận hôm nay chưa lần nào liên lạc với tôi thông báo về việc hủy chuyến", Shuo kể.
Học xác suất thống kê tại Đại học California ở thành phố Davis, Shuo chỉ là một trong hàng loạt du học sinh Trung Quốc tại Mỹ đang bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đặt vé - hủy chuyến.
Theo lời Shuo, có người đã mua tới 9 vé máy bay và họ cảm giác rằng số tiền bồi hoàn bị giữ lại chỉ nhằm mục đích giúp hãng hàng không duy trì hoạt động. Một số hãng hàng không Mỹ vẫn tiếp tục bán vé cho các tuyến đã bị đóng trong tháng 4 và tháng 5 do lệnh cấm đi lại và hạn chế bay ở Trung Quốc.
Shuo cho biết nhiều bạn bè của anh đã vật lộn đặt vé từ tháng 4 nhưng cuối cùng đều bị hủy. "Tôi biết các hãng hàng không hiện không bay những tuyến đó nhưng họ vẫn bán vé. Vậy nên, bạn vẫn phải đặt cược thôi", Shuo nói. "Bạn còn lựa chọn nào khác cơ chứ".
Theo số liệu từ Viện Giáo dục Quốc tế, năm học 2018-2019 có khoảng 370.000 sinh viên Trung Quốc tại Mỹ. Dù vậy, con số đã giảm đáng kể trong niên khóa 2019-2020.
"Bạn đôi khi từ bỏ hy vọng nhận được tiền bồi hoàn bởi trang web của United Airlines luôn thông báo yêu cầu hoàn tiền 'chưa được xử lý'. Thật không công bằng!", Shuo chia sẻ. "Trước khi nhận được tiền hoàn lại, tôi không có lựa chọn nào ngoài mua thêm vé khác... Chuyến bay của bạn lại bị hủy, bạn thì muốn về nhà, bạn có thể làm gì nữa? Nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh như tôi".
Một tiếp viên United Airlines ở San Francisco cho hay anh đã chứng kiến việc các hãng hàng không bán vé "cho những chuyến bay không bao giờ cất cánh" kể từ khi Mỹ áp lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh.
"Tôi nghĩ đấy là một hành động sai trái của các hãng hàng không", anh nói. "Tôi cảm thấy rất tệ cho những hành khách bị mắc kẹt ở nước ngoài và phải liên tục trả tiền cho những tấm vé mà chỉ dám hy vọng một trong số chúng không bị hủy. Không chỉ United Airlines làm như vậy, cả Delta hay American Airlines cũng thế".
Nam tiếp viên cho biết mọi chuyện bắt đầu sau khi Mỹ hoãn các chuyến bay tới Trung Quốc, ban đầu là tới ngày 24/4. "Một người bạn từng liên lạc với tôi kể về việc anh ấy đã mua vé từ đầu tháng tư cho chuyến bay tới Thượng Hải dự kiến khởi hành ngày 19/5. Anh ấy sợ rằng chuyến bay sẽ bị hủy trong khi bản thân không nhận được tiền hoàn trả để đặt vé cho chuyến bay khác", người này kể.
Sau khi kiểm tra, nam tiếp viên này nhận thấy trên lịch trình bay mà công ty cập nhật với phi hành đoàn không có chuyến bay nào tới Trung Quốc vào ngày đó. Anh cũng nhận ra rằng không phi công hay tiếp viên nào được chỉ định cho một chuyến bay như vậy.
"Tôi tiếp tục kiểm tra hệ thống đặt vé nội bộ và thực sự sốc khi thấy chuyến bay từ San Francisco tới Thượng Hải ngày 19/5 vẫn ở đó. Điều này có nghĩa là khách hàng vẫn có thể đặt chuyến bay đó dù nó không có trong lịch trình bay của nhân viên", anh cho hay. Những sự việc diễn ra mang tới ấn tượng rằng United Airlines dường như đang cố tình bán vé cho những "chuyến bay ma".
Anh đoán rằng các các hãng hàng không vẫn bán chuyến bay tới những địa điểm bị phong tỏa vì đặt cược rằng lệnh hạn chế đi lại sẽ được dỡ bỏ trước thời điểm máy bay cất cánh.
"Về mặt kỹ thuật, không có quy định nào cấm họ làm việc đó", anh nói thêm. "Vậy nên, đây là tình huống lợi cả đôi đường cho các hãng hàng không. Nhưng tôi nghĩ họ nên minh bạch hơn và thông báo rõ với hành khách rằng lịch trình chuyến bay có thể thay đổi vì Covid-19. Họ không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào khi bạn đặt vé. Hầu hết mọi người đều nghĩ nếu hãng hàng không đã bán vé thì kiểu gì chuyến bay cũng cất cánh, nhưng thực tế, có những chuyến bay sẽ không bao giờ cất cánh".
Về phần mình, Shuo chỉ hết lo lắng khi đã thực sự đặt chân lên chuyến bay trở về quê hương vào cuối tháng này.
"Tôi nghe được tin rằng United có thể sẽ không mở đường bay tới sau tháng 5", Shuo cho hay. "Tôi không biết liệu chuyến bay của mình có cất cánh không nhưng tôi phải thử. Tôi hiểu tình cảnh của các hãng hàng không hiện nay... Nhưng chúng tôi không muốn từ bỏ hy vọng, thế nên chúng tôi chi tiền đặt vé cho tương lai".
Ba ngày sau cuộc phỏng vấn với SCMP, chuyến bay của Shuo vào ngày 26/5 cũng đã bị hủy. Hãng hàng không vẫn không liên lạc lại với Shuo, anh chỉ biết được thông tin nhờ tự kiểm tra trên website. Chuyến bay tiếp theo có thể vào ngày 28/5. Tuy nhiên, Shuo vẫn chưa đủ can đảm để đặt vé lại.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)