Chị Thời có vẻ ngoài trẻ hơn so với tuổi 41, hay cười, nhưng đôi mắt ẩn chứa tâm tư sau nửa đời trải qua nhiều biến cố. Cú sốc lớn nhất vào giữa tháng 9 khi chung cư mini ngõ 70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), nơi mẹ con chị cư ngụ 8 năm, gặp hỏa hoạn khiến 56 người tử vong.
Mẹ con chị là những người đầu tiên nhảy khỏi tòa nhà cháy từ tầng chín xuống sân thượng tầng sáu nhà hàng xóm. Dù cơ hội sống mờ mịt, chị nghĩ "phải thử". Những ngày đứng phơi quần áo, chị hay nhìn xuống sân thượng nhà bên, dự liệu cách thoát hiểm nếu gặp bất trắc. Khi nan sắt chuồng cọp bung một góc, chị cậy thêm ra. Đôi lần, chị thử chui đầu ra ngoài theo lỗ hổng ấy.
"Lúc nhảy xuống, mình vẫn nhớ đang cầm mấy chỉ vàng của mẹ, phải sống mà trả vì đó là khoản an hưởng tuổi già của bà. Nếu mình chết, con trai bơ vơ không biết làm thế nào", chị nói, ví mình "nhiều món nợ trần gian quá".
Sinh ra ở làng quê, chị Thời đi học rồi tự kiếm việc làm, lấy chồng. Khi hôn nhân tan vỡ, chị nhận nuôi con, quen dần với việc sửa vòi nước, thay bóng đèn. Được đồng nghiệp khen tích cực, không bao giờ biết buồn, chị giải thích: "Có khi cuộc sống buộc mình phải lựa chọn kiên cường, chứ là phụ nữ ai chẳng muốn được yêu chiều".
Thoát chết, nhưng chị Thời bị chấn thương cột sống, lồng ngực, xương chậu, cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Con trai là Trần Đại Phong bị dập gót chân, tổn thương xương chậu..., điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Mẹ con chị mỗi người trải qua hai lần phẫu thuật xử lý các chấn thương lẫn vết mổ nhiễm trùng.
Những ngày đầu điều trị trong bệnh viện, chị sống chung với những cơn đau lan rộng từ thắt lưng, ngồi dậy cũng là thử thách. Bác sĩ nói chị có ý chí sống cao, hồi phục nhanh dù thuộc nhóm nặng, từng tiên lượng liệt do tổn thương tủy sống.
Gần hai tháng sau vụ cháy, mẹ con chị Thời vẫn vật lộn với chấn thương, tập vận động hồi phục sức khỏe. Chị xin thôi việc kế toán, thuê phòng trọ cách trường gần nửa cây số để con trai hoàn thành năm cuối phổ thông. Sinh hoạt của hai người nhờ hết vào bà ngoại hơn 70 tuổi từ Thường Tín lên chăm.
Cánh tay phải đầy băng gạc che đi vệt sẹo dài sau hai lần mổ cố định ba đoạn xương gãy, chị Thời đau nhức ngày giao mùa. Nhờ chiếc đai cố định đốt sống lưng, chị ngồi vững, đi lại được một đoạn.
Cũng như mẹ, Trần Đại Phong trải qua hai lần phẫu thuật vì dập gót chân và nhiễm trùng trong ba tuần nằm viện. Đôi lúc nằm mơ, Phong thấy người nhẹ hẫng như đang rơi tự do sau cú nhảy từ tầng chín. Đôi chân bất giác co lại, rồi tỉnh giấc. "Sức khỏe mới hồi phục được khoảng 60%, nhưng em chưa bao giờ hối tiếc. Vì nếu không nhảy là chết", cậu nói về quyết định quan trọng nhất tuổi 17.
Những ngày nằm điều trị, bạn học lớp 12H đều đặn nhắn tin kèm ảnh chụp bài giảng, cuộc gọi video khiến Phong thèm đi học. Cậu năn nỉ bác sĩ cho ra viện sớm, dù mẹ có lúc tính bảo lưu một năm học. Đầu tháng 10, cậu được về nhà sau các cuộc kiểm tra cho thấy chỉ số ổn định.
Đôi chân gần một tháng ít vận động có dấu hiệu teo cơ. Phong mỗi ngày kẹp chặt đôi nạng, tập đi vài chục bước quanh phòng trọ mới rộng 30 m2. Những ngày cuối thu trời nắng hanh, có hôm chuyển lạnh khiến vùng chậu tê buốt, chân mỏi nhừ. Cậu lẳng chiếc nạng vào góc phòng, vùi mặt xuống gối, muốn bỏ cuộc.
Nhưng thấy mẹ ở gian phòng kế bên mỗi lần ngồi dậy khó nhọc, tập cử động cánh tay gãy mà không kêu một lời, Phong lại lần tìm đôi nạng nghiến răng tập đi. Thời gian từ 5 nâng dần lên 10 phút, rồi lâu hơn một chút.
Đại Phong trở lại trường học giữa tháng 10 trên chiếc xe lăn và đôi nạng. Khi xe được bà ngoại đẩy qua cổng trường, nam sinh bất ngờ thấy bạn học chạy ra phụ cầm nạng, đẩy xe vào lớp học tầng một, trong khi lớp vốn ở tầng hai.
Trước ngày Phong đi học trở lại, Ban Giám hiệu trường THPT Hồ Tùng Mậu đã quyết định đổi phòng lớp 12H từ tầng hai xuống dưới để học trò tiện di chuyển.
Bàn Phong ngồi gần cửa ra vào, có thêm hai chiếc gối kê cho đỡ mỏi. Nhưng buổi học đầu tiên của cậu chỉ kéo dài được hai tiết, bởi vùng xương chậu chấn thương khó chống đỡ trọng lượng cơ thể khi ngồi lâu. Có ngày đau mỏi, nam sinh được thầy cô cho phép nằm dài ra ghế nghe giảng. Từng muốn trở thành lập trình viên, song sau biến cố Phong đang suy tính lại.
Thời lượng những buổi học sau đó kéo dài thêm cho đến khi tan trường. Hai bạn thân người đẩy xe lăn, người cầm nạng đưa cậu về nhà trọ. "Hóa ra thầy cô, bạn bè lại thương quý mình nhiều đến thế", Phong nói, kể thêm từng tuyệt vọng, sợ không giữ được chân trái khi phải mổ lại vì nhiễm trùng.
Ngày mẹ con nằm cấp cứu ở hai bệnh viện, mở mắt ra, ngoài những bóng áo blouse trắng, người đầu tiên Phong nhìn thấy là cô chủ nhiệm lẫn thầy cô trong trường. Tất cả đỏ hoe mắt nhìn học trò vừa qua cơn thập tử nhất sinh.
"Gia đình Phong chỉ có hai mẹ con nên gần gũi nhất với em là thầy cô và bạn bè. Cô giáo chủ nhiệm, bạn học luôn đồng hành sau ngày em vào viện đến khi trở lại trường. Nhà trường cũng tính toán hỗ trợ vật chất sao cho hiệu quả nhất với hai mẹ con", cô Tô Thị Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Hồ Tùng Mậu, chia sẻ.
Sau hỏa hoạn, thầy cô, phụ huynh, các lớp học lẫn học sinh cũ của trường góp được gần 124 triệu đồng hỗ trợ Phong. Đầu tháng 11, nhà trường trao trực tiếp tiền khi hai mẹ con tạm ổn định. Nhà trường miễn toàn bộ học phí cho Phong từ tháng 10 cho đến khi em tốt nghiệp. Lo học trò chưa kịp hồi phục, Ban Giám hiệu tính phương án tham vấn bác sĩ về quy trình giám định y khoa, tìm hiểu dần quy chế xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Hôm 5/11, mẹ con chị Thời nhận thêm khoản tiền mặt trong số 132 tỷ đồng ủng hộ khi Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Xuân phân bổ. Chị dành ra khoản tiền chữa bệnh lâu dài, số còn lại để tìm mua căn nhà mới.
"Kể cả mất vài năm để hồi phục thì mình vẫn muốn cố gắng. Cuộc đời còn dài, may mắn hai mẹ con vẫn được nương tựa nhau", chị Thời nói, muốn nhìn thấy con trưởng thành. Chị không đặt áp lực con phải thành đạt, chỉ mong đủ sức vượt qua những biến cố trong đời, như cái tên Đại Phong đặt cho con.
Hoàng Phương