Trước khi Adler lên một con tàu của hải quân Na Uy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với cô rằng xung đột có thể xảy ra nếu Nga thực sự tấn công cơ sở hạ tầng cung cấp nguồn năng lượng quan trọng cho châu Âu.
Phương Tây cáo buộc Điện Kremlin đứng đằng sau các cuộc tấn công nhằm vào hai đường ống Nord Stream trên biển Baltic nhằm gửi thông điệp cảnh cáo họ không hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột. Moskva đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, nói rằng cho phương Tây dàn xếp sự việc để quy kết trách nhiệm cho mình.
Các công tố viên Thụy Điển ngày 18/11 cho biết họ đã phát hiện dấu vết thuốc nổ còn sót lại ở khu vực các đường ống Nord Stream bị rò rỉ, xác nhận đã có hành động phá hoại.
4 vị trí rò rỉ trên hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu được phát hiện cuối tháng 9, sau những vụ nổ lớn. Hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch.
Adler cùng một phóng viên Thụy Điển là nhóm báo chí duy nhất được tiếp cận khu vực xảy ra vụ nổ ở các đường ống. Cô đã chia sẻ hành trình của mình trong một bài viết đăng trên BBC ngày 18/11.
"Chúng tôi đi hơn hai ngày trên con tàu Jarl, tàu bảo vệ bờ biển của hải quân Na Uy", Adler kể. "Từ những ô cửa sổ khổng lồ trên đài chỉ huy, chúng tôi có thể nhìn thấy những dàn khoan dầu khí lấp lánh dưới ánh nắng. Nó giống như một thành phố kim loại trên mặt biển".
Khi đến gần hiện trường xảy ra các vụ nổ ở phía đông đảo Bornholm của Đan Mạch và phía nam đất liền Thụy Điển, Adler phát hiện một trinh sát cơ Đan Mạch bay vòng trên đầu, gần đó là hai tàu chiến của Thụy Điển và Đan Mạch. Đột nhiên, cô nhìn thấy một tàu tiếp liệu ngoài khơi Nga thả neo gần đó.
Lúc này, tàu Jarl đang ở ngay phía trên hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. "Chúng tôi lo lắng tự hỏi liệu sau ngần ấy tuần cố gắng đàm phán với các bên liên quan để có thể tiếp cận hiện trường, chúng tôi có bị một trong những tàu chiến đó yêu cầu rời đi hay không", Adler cho hay.
Nhóm của Adler sau đó nhận ra chiếc tàu Nga mà họ nhìn thấy nằm trong đội điều tra riêng biệt của Moskva về các vụ nổ đường ống. Trong khi nhiều quan chức phương Tây cho rằng đây là cách để Nga giám sát hoạt động điều tra của Đan Mạch và Thụy Điển, Stockholm lo ngại Moskva có thể sử dụng điều này như một cái cớ nhằm tăng hiện diện quân sự gần bờ biển Thụy Điển, quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập NATO.
Tại hiện trường, Trond Larsen, chuyên gia Na Uy về tàu không người lái dưới đáy biển, bắt đầu điều khiển thiết bị sonar của mình từ tàu Jarl để kiểm tra các đường ống bị rò rỉ dưới đáy biển.
"Hãy nhìn xem, Katya", Trond chỉ vào chiếc máy tính xách tay đang truyền hình ảnh trực tiếp từ hai chiếc tàu không người lái chụp lại dưới nước. "Một phần của đường ống đã bị bắn thẳng lên 4, 5 hoặc có thể là 6 mét tại điểm phát nổ".
Các chuyên gia tình báo cho hay ba vụ nổ lớn, tương đương vụ nổ xe bom, đã phá hủy một phần đường ống. Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh ai là bên đã gây ra sự việc.
"Chúng ta có thể thấy lớp bê tông bọc ngoài đường ống đã bị thổi bay thế nào, để lộ ra phần ống thép bị phá hủy. Những ống thép dày 45 mm bị xé toạc và văng ra ngoài. Tốc độ, sức công phá của vụ nổ phải rất lớn", anh giải thích.
Hình ảnh sonar của Trond cho thấy các đoạn của đường ống bọc bê tông dày đã bị văng xa, rơi rải rác khắp vùng đáy biển trong khu vực nổ.
Adler nhận ra rằng các vụ nổ đã cho thấy tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng năng lượng châu Âu dưới đáy biển và việc bảo vệ chúng khó khăn như thế nào.
Châu Âu có một mạng lưới đường ống năng lượng phức tạp, nhiều phần được đặt ở biển Baltic và Biển Bắc. Vùng biển của họ cũng là nơi chứa hàng nghìn km đường dây điện ngầm và cáp Internet, giúp duy trì liên lạc và trao đổi thông tin thông suốt. Hệ thống này rất dễ bị tấn công và nếu chúng bị hư hại, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, giới chuyên gia đánh giá.
Châu Âu đang nỗ lực chạy đua để khắc phục điểm yếu của mình, trong đó Na Uy, một thành viên NATO, là một mắt xích quan trọng. Hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Anh và Liên minh châu Âu (EU), Na Uy đang tăng cường nỗ lực tuần tra, giám sát trên bầu trời lẫn bên dưới lòng biển để đề phòng các hoạt động phá hoại cũng như gián điệp.
Vào ban đêm, Jarl, giống như các tàu quân sự khác của Na Uy đang tuần tra khu vực, hoạt động trong âm thầm. Đèn tắt trên đài chỉ huy. Thủy thủ đoàn muốn giữ bí mật thông tin về hành trình của họ. Đôi khi, họ tắt Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) để có thể di chuyển mà không bị phát hiện.
"Thành thật mà nói, tôi không mong đợi phải làm công việc tuần tra để đảm bảo an ninh cho các cơ sở năng lượng", Alexander, 20 tuổi, lính nghĩa vụ trên tàu Jarl, nói. "Tình hình khá căng thẳng. Vài người trong gia đình không thoải mái lắm với công việc của tôi. Nhưng không có mối đe dọa nào đối với tôi cả. Tôi cảm thấy an toàn. Tôi cảm thấy công việc của chúng tôi bây giờ khá quan trọng".
Hải quân Na Uy vẫn giữ liên lạc thường xuyên với những công ty tư nhân điều hành các giàn khoan dầu khí.
Trước vụ rò rỉ đường ống Nord Stream, hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy thường chỉ sử dụng xuồng cao tốc cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn hay kiểm tra tàu cá. Hiện tại, họ thường xuyên triển khai chúng tới điều tra ngày càng nhiều báo cáo từ các công ty dầu khí đang hoạt động trên Biển Bắc về việc nhìn thấy máy bay không người lái.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store mô tả tình hình an ninh hiện nay vô cùng căng thẳng và họ chưa từng phải đối mặt với điều gì như vậy suốt nhiều thập kỷ. Các công ty dầu khí chắc chắn cũng đang "đứng ngồi không yên".
Tại Na Uy, nhà chức trách đã cấm công dân Nga điều khiển máy bay không người lái sau khi một số người Nga bị bắt với cáo buộc thu thập thông tin tình báo về cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Moskva phủ nhận các cáo buộc về hành vi gián điệp, cho rằng Na Uy đang "phản ứng thái quá".
Na Uy đã thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ xuất khẩu dầu khí trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Nhưng họ cũng đang bắt đầu cảm nhận được sức nóng chính trị.
Hàng triệu gia đình trên khắp châu Âu đang lo lắng về mùa đông sắp tới. Chính phủ Đức và Anh giờ đây muốn xác nhận liệu họ thực sự có thể dựa vào nguồn cung cấp năng lượng của Na Uy hay không.
Hai nước này, cùng với Pháp, đang hỗ trợ hải quân Na Uy trong nỗ lực bảo vệ các cơ sở hạ tầng năng lượng trên biển.
Nhưng châu Âu từ lâu được cho là đã mất cảnh giác đến mức bị đẩy vào thế khó trong khủng hoảng năng lượng, dù điều này hoàn toàn có thể tránh được.
Năm 2017, ông Rishi Sunak, đương kim Thủ tướng Anh, lúc bấy giờ vẫn là một nghị sĩ không mấy nổi bật, đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng dưới biển sẽ là "mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh quốc gia". Ông kêu gọi Anh thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo hải quân có đủ trang bị để thực hiện nhiệm vụ này.
Nhưng từ đó đến nay, Anh không thực hiện động thái đề phòng đáng chú ý nào. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gần đây mới thông báo rằng tàu giám sát biển đa chức năng đầu tiên của nước này sẽ đi vào hoạt động từ năm tới.
Pháp mới chỉ đưa ra chiến lược tác chiến dưới đáy biển hồi tháng hai, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Dù vậy, Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định liên minh đã thảo luận về vấn đề an toàn dưới đáy biển từ lâu. Khi được hỏi liệu một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu dưới đáy biển có bị coi là hành động khiêu chiến không, ông xác nhận, thêm rằng hành động đó có thể "kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của NATO". Song NATO trên thực tế vẫn cố gắng hết sức tránh một cuộc xung đột quân sự trực diện với Nga vì những lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân.
Tổng tư lệnh Hải quân Hoàng gia Na Uy Rune Andersen cho biết Oslo rất coi trọng trách nhiệm của mình với tư cách là nhà cung cấp năng lượng lớn của châu Âu.
"An ninh năng lượng là chìa khóa ổn định cho châu Âu", ông nói. "Đó là lý do hải quân của chúng tôi phải tăng cường hiện diện trên biển, để khiến mọi người cảm thấy an toàn hơn và cũng vì mục đích răn đe".
Vũ Hoàng (Theo BBC)