Sau gần một thập kỷ sinh sống và coi Khartoum là nhà, giám đốc kinh doanh 40 tuổi người Pakistan Rana Usman phải tìm cách vượt qua những con phố đầy rẫy nguy hiểm ở thủ đô Sudan, từ vùng ngoại ô phía bắc tới khu vực phía nam, nơi đại sứ quán Pakistan cam kết sẽ đưa anh và gia đình đến nơi an toàn.
"Mẹ, vợ và cả đại gia đình tôi đều không biết làm thế nào để tới được đại sứ quán Pakistan. Giao tranh liên tục diễn ra. Chúng tôi nghe thấy tiếng không kích và đạn nổ suốt ngày. Khói bốc lên cuồn cuộn. Đạn lạc bay vào nhà. Chúng tôi không có cách nào rời khỏi nhà", Usman kể lại hôm 25/4.
Sáng 23/4, khi giao tranh diễn ra dữ dội giữa quân đội Sudan và nhóm dân quân Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), anh họ của Usman tìm được một chiếc xe tải cùng tài xế sẵn sàng chở cả gia đình đến nơi sơ tán. Usman phải lấy hết can đảm để ngồi lên chiếc xe đó và thực hiện hành trình xuyên qua các con phố giữa cảnh "tên bay đạn lạc".
"Trách nhiệm của tôi là đưa khoảng 30-35 người tới đại sứ quán. Tôi bị căng thẳng tới mức cả người đông cứng. Nhưng anh họ tôi nói rằng không còn cách nào khác và tôi phải can đảm. Giờ tôi không còn lựa chọn nào khác. Ở lại Khartoum là điều không thể", Usman nói.
Sau khi đến đại sứ quán an toàn, gia đình Usman cùng với một đoàn bảy chiếc xe buýt và hơn 400 người Pakistan lên đường rời thủ đô Khartoum vài giờ sau đó. Họ vượt qua quãng đường dài 800 km tới thành phố Port Sudan ở đông bắc Sudan, giáp Biển Đỏ. Sau 20 tiếng trên đường, họ tới Port Sudan vào sáng 24/4.
Kể từ khi giao tranh nổ ra từ ngày 15/4, hơn 400 người đã chết và nhiều khu dân cư đã trở thành vùng chiến sự. Hàng triệu người bị mắc kẹt trong nhà ở thủ đô Khartoum trong tình cảnh thiếu lương thực và nước uống.
Quân đội Sudan và RSF đã nhất trí một số thỏa thuận ngừng bắn trong tuần qua nhưng không tuân thủ hoàn toàn.
Trước xung đột, khoảng 1.500 người Pakistan sinh sống ở Sudan. Khi giao tranh bước sang ngày thứ 11, hơn 700 người Pakistan đã được sơ tán tới Port Sudan, trong đó khoảng 200 người đến vào ngày 25/4, theo Bộ Ngoại giao Pakistan.
"Sau lệnh ngừng bắn ngày 21/4, chúng tôi đã vội vã đưa công dân rời Khartoum để đến Pakistan", Mumtaz Zahra Baloch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan, nói.
Muhammed Ahsan Sami, kỹ sư hóa học Pakistan 39 tuổi sống ở Khartoum từ năm 2017, cũng có mặt trong đoàn xe buýt tới Port Sudan ngày 24/4.
Sami cho biết đoàn xe đã bị lực lượng RSF và quân đội Sudan chặn nhiều lần tại các trạm kiểm soát dọc đường đi. Tuy nhiên, các lực lượng này đã không cản trở hoặc đe dọa hành khách.
Sami sơ tán khỏi Khartoum cùng vợ, con trai và con gái. Anh nói rằng đại sứ quán Pakistan ở Khartoum đã hỗ trợ rất tốt cho quá trình sơ tán, nhưng hành trình rất khó khăn và tất cả chỉ biết im lặng cầu nguyện cho sự an toàn của họ.
"Đại sứ quán yêu cầu chúng tôi mang theo một ít nước và hoa quả. Họ không thu đồng nào từ chúng tôi. Nhưng mọi người rất sợ hãi. Chúng tôi đã cầu nguyện trong suốt hành trình, cố gắng an ủi và hỗ trợ những người đi cùng", anh nói.
Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari ngày 25/4 cho biết nước này đã phối hợp với các quốc gia khác để đảm bảo sơ tán công dân an toàn.
"Nhóm của Đại sứ Meer Bahrose Regi ở Khartoum và Port Sudan đã làm việc suốt ngày đêm để giúp đỡ những người còn ở Sudan cho tới khi họ được sơ tán tới Pakistan. Chúng tôi cũng hợp tác với các nước thân thiện trong khu vực, đặc biệt là Arab Saudi, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này", Ngoại trưởng Zardari nói.
Sami tới giờ vẫn thấy sợ hãi khi nhớ lại hành trình từ Khartoum tới Port Sudan.
"Tôi cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình trong suốt quá trình rời đi, nhưng khi chiếc xe buýt cuối cùng lăn bánh, tôi không thể gắng gượng thêm và bắt đầu khóc. Đó là một trải nghiệm khá đau thương với chúng tôi", anh nói.
"Các con tôi lớn lên ở thành phố và giờ chúng tôi không thể mang theo món đồ chơi nào cho chúng. Chúng tôi đã gây dựng cuộc sống ở đây. Và giờ chúng tôi phải bỏ lại tất cả và không chắc liệu có thể trở lại hay không. Điều này thật đau lòng", Sami nói thêm.
Usman cho hay người dân địa phương rất hiếu khách. Nhiều người lạ đã tới giúp khi gia đình họ tới Port Sudan.
"Con gái tôi để lại lời nhắn cần tìm chỗ ở tạm thời trên Facebook. Một chàng trai trẻ đã tìm gặp con bé và sau đó nói chuyện với tôi. Cậu ấy đón chúng tôi tới căn hộ của mình và đề nghị chúng tôi ở đó miễn phí. Mọi người ở đây cũng liên tục nói rằng họ thấy vui mừng khi thấy chúng tôi an toàn", Usman cho biết.
Phải rời thủ đô Sudan, Usman mang trong mình cảm xúc lẫn lộn. "Tôi làm việc cho ông chủ người Pakistan ở đây. Tôi có rất nhiều thành viên trong đại gia đình sinh sống tại thành phố này. Với chúng tôi, Khartoum chính là nhà. Chúng tôi sẽ chỉ tới Pakistan một thời gian và sẽ cố gắng trở lại sớm nhất có thể. Bởi đây là nhà, là nơi chúng tôi cảm thấy yên bình".
Nhưng ước mơ của Usman có thể còn xa vời, khi hai phe phái đối địch trong xung đột Sudan vẫn chưa có dấu hiệu chấp nhận đàm phán. Lệnh ngừng bắn để dân thường sơ tán cũng sắp hết hạn và giao tranh được dự báo sẽ bùng phát dữ dội hơn.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.
Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.
Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích.
RSF, lực lượng bán quân sự được thành lập năm 2013 thuộc quyền quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan dưới thời tổng thống al-Bashir, đã ủng hộ quân đội trong cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, cuộc đảo chính này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, buộc quân đội Sudan chấp nhận chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, thông qua mô hình Hội đồng Chủ quyền với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok. Quân đội Sudan tiếp tục đảo chính phế truất Hamdok vào tháng 10/2021 và tướng Abdel-Fattah Burhan, tư lệnh quân đội, trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự.
Khi Burhan muốn sáp nhập RSF vào quân đội, chỉ huy lực lượng này là tướng Mohammed Hamdan Dagalo phản đối, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa hai người đàn ông quyền lực nhất Sudan. Mâu thuẫn bùng phát thành đụng độ vũ trang từ ngày 15/4, khi hai bên cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)