Nhà virus học người Bỉ Marc Van Ranst hôm nay cho biết một phụ nữ tại nước này nhiễm nCoV lần đầu hồi tháng 3, sau đó tái nhiễm vào tháng 6, nói thêm rằng nhiều trường hợp tái nhiễm có khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện.
"Chúng tôi không rõ số lượng đó có lớn hay không. Tôi nghĩ có lẽ là không, nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem", Ranst nói, đồng thời lưu ý nCoV mới lây nhiễm trong cộng đồng chưa đầy một năm. "Có lẽ mọi người sẽ cần tiêm nhắc lại vaccine phòng bệnh mỗi năm, hoặc trong vòng hai hay ba năm".
Ranst, người làm việc tại một số ủy ban ứng phó Covid-19 của Bỉ, giải thích rằng trong những trường hợp có triệu chứng tương đối nhẹ như người phụ nữ trên, cơ thể có lẽ chưa tạo ra đủ kháng thể để ngăn việc tái nhiễm, mặc dù khả năng chống lại bệnh tật đã tăng lên.
Viện Y tế Cộng đồng Quốc Gia Hà Lan cũng phát hiện một trường hợp tái nhiễm. Nhà virus học Marion Koopmans, cố vấn của chính phủ Hà Lan, cho biết đây là một người lớn tuổi bị suy giảm hệ miễn dịch, nói thêm rằng tình huống này nằm trong dự đoán.
"Tôi không lo lắng về việc xuất hiện ca tái nhiễm, mà cần theo dõi liệu nó có xảy ra thường xuyên hay không", Koopmans cho hay.
Hai trường hợp tại Bỉ và Hà Lan được báo cáo sau khi các nhà nghiên cứu tại Hong Kong ghi nhận một người 33 tuổi dương tính nCoV lần hai sau hơn 4 tháng, trở thành ca tái nhiễm đầu tiên trên thế giới được xác nhận.
Thông thường, người nhiễm nCoV tái dương tính sau một thời gian khỏi bệnh chỉ là do "tàn dư" virus không còn hoạt động sót lại trong cơ thể. Trong khi đó, tái nhiễm nCoV là lúc người bệnh nhiễm lượng virus hoàn toàn mới. Trường hợp tại Hong Kong tái nhiễm nCoV với chủng virus thứ hai khác biệt đáng kể về gen so với chủng trong lần nhiễm thứ nhất.
Theo phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris, mặc dù đã xuất hiện các báo cáo về tình trạng tái nhiễm, điều quan trọng là phải có tài liệu rõ ràng về những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, David Strain, giảng viên cấp cao về lâm sàng tại Đại học Exeter của Anh bày tỏ lo ngại về tình trạng này.
"Đầu tiên, nó cho thấy việc nhiễm nCoV từ trước đó không giúp cơ thể được bảo vệ. Thứ hai, tình trạng này làm dấy lên khả năng việc tiêm chủng sẽ không mang lại hiệu quả mà mọi người đang kỳ vọng", chuyên gia nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)