Ngày 28/5/2018, Mancini ra mắt trên cương vị HLV trưởng tuyển Italy trong trận giao hữu với Saudi Arabia trên sân Kybunpark, Thụy Sĩ. Italy hôm đó chơi 4-3-3 với những cái tên không thường thấy trong thành phần đội tuyển các năm sau. Mario Balotelli lên tuyển vài lần rồi mất hút. Domenico Criscito đã 34 tuổi, là một lão tướng sắp về hưu. Davide Zappacosta chưa bao giờ được đánh giá cao, dù từng chơi cho Chelsea ở Ngoại hạng Anh. Matteo Politano, Alessio Romagnoli đồng loạt mất vị trí ngay trước Euro 2021 vì nhiều lý do khác nhau.
Dàn cầu thủ Mancini sử dụng hôm đó không có vẻ gì sẽ trở thành một tuyển Italy như bây giờ. Đó là tập thể vừa mất vé dự World Cup 2018 sau khi thua chung cuộc Thụy Điển ở playoff - kết quả bị xem như một nỗi đau và thậm chí nhục nhã với niềm tự hào Italy. Vậy mà Mancini lên thay, và nói những thứ mà lúc đó khiến ông bị cho là đã mất trí, hoặc đơn giản là khoác lác.
Nào là "Chúng ta sẽ vô địch châu Âu và rồi vô địch thế giới". Nào là "Chúng ta sẽ chiến thắng bằng giá trị tự thân, kiểm soát bóng để luôn tấn công, lao lên phía trước để giành lại nó. Dám trả giá cho các sai lầm. Tận hưởng niềm vui và mang đến niềm vui cho những người đồng bào".
Từ khóa mà Mancini nhắc đi nhắc lại nhiều lần hôm đó là "niềm vui". Đặt bên cạnh nước mắt Gianluigi Buffon vẫn chưa khô sau khi thua Thụy Điển đến mức phải từ giã ĐTQG dù thâm tâm vẫn muốn cống hiến thêm nhiều năm nữa, từ khoá đó có vẻ trái ngược. Dư luận Italy lúc ấy không hiểu Mancini định làm gì để biến khái niệm có vẻ mơ hồ và xa xỉ lúc ấy thành hiện thực.
Nhưng Euro 2021 hiện tại chứng tỏ những gì Mancini nói là có cơ sở. Và phải trải qua 1.140 ngày từ trận thắng Saudi Arabia 2-1 ở Thuỵ Sĩ hôm đó, bóng đá Italy mới kiểm chứng được lời nhà cầm quân sinh năm 1964.
Chơi bóng với niềm vui và sự hứng khởi, Lorenzo Insigne đã xác minh nó sau khi đánh bại Bỉ ở tứ kết: "Tôi thấy phấn chấn khi được đá bóng bên cạnh những người anh em thân thiết". Chơi bóng với đôi chân được giải phóng, cái đầu thoải mái, không sợ bị chì chiết nếu mắc sai lầm, Italy đã chứng tỏ với cả thế giới những gì họ có thể làm được. Chỉ sau ba trận vòng bảng mà họ chơi trên sân nhà Olympico, Rome, tập thể của Mancini nã 10 bàn vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ và Xứ Wales, thiết lập kỷ lục bất bại và trắng lưới mới cho riêng Italy thời Mancini - ở đội bóng mà truyền thống của họ là phòng ngự.
Nhưng vào cái lúc cả thế giới chắc mẩm rằng "Italy phiên bản mới đây rồi", thì Mancini và các cầu thủ của ông lại "bật chế độ" biến đội tuyển thành chính họ thời quá khứ. Sự lỳ lợm ghê người nâng dần cấp độ, từ trận đấu bất ngờ trở nên khó khăn trước Áo ở vòng 1/8, cả một hiệp nín thở trước sức ép Bỉ ở tứ kết, và đặc biệt sự vùng dậy mạnh mẽ của Tây Ban Nha ở bán kết.
Đỉnh cao của sự lỳ lợm, lạnh lùng theo phong cách truyền thống Italy ấy là quả đá phạt đền kiểu nhảy chân sáo của Jorginho trong loạt luân lưu. Cú đá ấy kết liễu một Tây Ban Nha chơi hay hơn hẳn trong 120 phút, đưa Italy vào chung kết.
"Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, bình tĩnh, bình tĩnh. Tôi cố hít một hơi thật sâu và cố quên những gì diễn ra xung quanh mình", Jorginho tiết lộ. Quên hết những phút khó khăn đã qua của trận đấu. Quên đi số phận của những tiền bối từng chôn vùi danh tiếng vì đá hỏng luân lưu như Donadoni, Serena, Baresi, Massaro, Baggio, Albertini, Di Biagio... "Tôi làm công việc được đào tạo để làm. Tôi chỉ muốn sút một cú cơ bản", Jorginho kết lại.
Sự lỳ lợm lạnh người ấy gợi lại khoảnh khắc Francesco Totti quay sang Paolo Maldini để tiết lộ về quyết định sút phạt đền kiểu Panenka trước Hà Lan tại bán kết Euro 2000. "Tôi sẽ đá một cú xúc thìa", Totti nói. "Một cú xúc thìa trước Van der Sar ở bán kết, cậu có đùa không, Francesco? Này Francesco, đừng mạo hiểm thế chứ", Maldini đáp. Nhưng mặc cho các đồng đội gọi với, thuyết phục, số 20 của Italy đi thẳng về chấm 11m và thực hiện cú đá đúng như những gì anh nói.
Điều tương tự cũng xảy ra với Andrea Pirlo ở vòng 1/8 Euro 2012, trước người Anh. Pirlo thực hiện thành công một cú xúc thìa, giải phóng gánh nặng tâm lý ngàn cân trên vai đồng đội, đẩy ngược nó lên người Anh ngay sau khi Riccardo Montolivo vừa đá hỏng, và Italy đang bị dẫn trong loạt luân lưu. Nhờ cú đá đó, Italy ngược dòng, chiến thắng.
Một Italy kiểu cũ cũng không thể thiếu sự ma mãnh như cách Giorgio Chiellini đã thể hiện trong khoảnh khắc tung đồng xu trước loạt luân lưu với Tây Ban Nha. "Đồ dối trá", Chiellini bỗng nhiên hét to lên bằng tiếng Tây Ban Nha. Không rõ anh có ý gì khi nói thế, nhưng rồi Chiellini tiếp tục túm lấy cổ Jordi Alba như thể muốn nói "Đá hay đấy, hay đấy nhưng cố gắng thêm ở lần sau nhé". Các trọng tài bật cười quay sang nhìn Alba khi Chiellini nói thế. Ánh mắt đó như hút cạn sự tự tin của cầu thủ hiền lành đang đảm nhiệm trọng trách đội trưởng phía Tây Ban Nha, trong khi Chiellini vẫn cứ tưng tửng như "ma làm".
Kiểu ranh mãnh như thế không được dạy trong bất cứ trường lớp bóng đá Italy nào, nhưng nó ăn sâu vào máu những hậu vệ kiểu Chiellini - người từng sẵn sàng thúc một cái cùi chỏ mạnh đến bật máu vào mặt Zlatan Ibrahimovic rồi lao đến trọng tài thanh minh như thể anh bị oan. Chiellini là hậu vệ thế nào, ai cũng biết, nhưng bản chất của anh chỉ bộc lộ một cách kín đáo trong trận đấu mà Leonardo Bonucci mô tả là "khó khăn nhất đời tôi". Tây Ban Nha, trong trận bán kết hôm đó, không cho Italy tận hưởng niềm vui với triết lý Mancini, mà còn dạy cho họ một bài học về kiểm soát bóng đến mức cực đoan là như thế nào, và không phải lúc nào cũng có thể thoải mái trong những trận sống còn.
Sự cách tân và nét truyền thống của Italy đan xen rõ nhất trong hình hài Federico Chiesa. Đó là mẫu cầu thủ rõ ràng phù hợp với triết lý bóng đá đẹp của Mancini nhưng khi cần lại rất lì lợm, đặc biệt trong thế trận Italy bị ép sân hoặc chủ động chơi phòng ngự phản công. Chiesa đã đẩy Tây Ban Nha vào cửa tử bằng một cú cứa lòng. Ở hiệp phụ trận vòng 1/8, anh làm điều tương tự trước Áo. Tại Juventus, Chiesa cũng nhiều lần thể hiện đẳng cấp và sự lạnh lùng, như khi ghi bàn trong cả hai trận knock-out với Porto ở Champions League, tỏa sáng ở chung kết Cup Italy với Atalanta để mang về danh hiệu duy nhất cho Juventus và đàn anh Cristiano Ronaldo mùa này.
Khi cần vui, Mancini dùng Domenico Berardi, đặc biệt ở các trận vòng bảng. Nhưng khi muốn Italy chơi theo kiểu cũ, Chiesa là lựa chọn. Phong cách mới mẻ kiểu Mancini có thể dễ đi vào lòng người hơn, nhưng để chiến thắng, Italy cần cả hai. Khi Italy đẩy lùi hầu hết các đợt hãm thành của Tây Ban Nha những phút cuối hiệp hai rồi hai hiệp phụ, trung vệ huyền thoại Beppe Bergomi bình luận trên Sky Sports: "Chúng ta không bao giờ quên cách phòng ngự". Jorginho thì tự hào: "Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc", trong khi đội phó Bonucci văn vẻ hơn: "Tây Ban Nha áp đảo, nhưng trái tim người Italy không bao giờ ngừng đập", anh nói. "Chúng tiếp tục nhịp đập của mình. Luôn luôn là như vậy".
Sự đoàn kết kiểu gia đình của người Italy đã ăn sâu vào đội tuyển của họ. Tính cách Italy kiểu cũ vẫn ở đó, bên trong mỗi cầu thủ ở giải này, và dường như chỉ đợi hoàn cảnh thích hợp để được kích hoạt. Cuộc cách mạng của Mancini đã mang đến cho Itlay một hình hài mới, nhưng từ sâu thẳm, có những thứ không thể đổi thay.
Đỗ Hiếu