Cây mán đỉa có nhiều trong các khu rừng tự nhiên khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Từ xưa cây vốn chỉ được xem là loại cây có giá trị kinh tế thấp, giá trị dược liệu quý chưa được quan tâm. Tuy nhiên nghiên cứu về tác dụng dược lý và thành phần hóa học của cây, các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Huế phát hiện đây là cây quý, có khả năng hỗ trợ trị bệnh cho con người.
Qua phân lập 12 hợp chất có trong cây, nhóm nghiên cứu đã xác định hàm lượng của 5 hoạt chất có hoạt tính chống oxy hóa cao, bảo vệ gan và ức chế các tế bào ung thư.
Cây có thể sinh trưởng trên đất có hàm lượng mùn, ưa sáng. Tuy nhiên, loài cây này chỉ mọc trong rừng tự nhiên lại khó tái sinh. Qua hai năm nghiên cứu, PGS Võ Thị Mai Hương cùng các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Huế đã điều tra, xác định được khu vực phân bố, đặc điểm sinh trưởng phát triển của cây mán đỉa và tìm cách nhân giống thành công.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, hạt mán đỉa khô không có khả năng này mầm, trong khi hạt tươi tỷ lệ hạt nảy mầm rất cao (94,8%). Thời gian hạt nảy mầm từ 6 - 7 ngày, có thể bảo quản hạt bằng phương pháp lạnh - tươi trong thời gian không quá 3 tuần hoặc bảo quản trong cát ẩm không quá một tuần.
Ngoài việc xây dựng quy trình nhân giống tự nhiên, bước đầu nhóm nghiên cứu nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào mán đỉa và lựa chọn được môi trường tối ưu cho sinh trưởng của chồi cây.
Hiện mô hình thử nghiệm được trồng với 500 cây mán đỉa trên diện tích 0,5 ha ở tại xã Hương Lộc, Nam Đông, Thừa Thiên Huế có tỷ lệ cây sống đạt 87%. Cây thích nghi và tăng trưởng tốt.
PGS Võ Thị Mai Hương, Chủ nhiệm đề tài cho biết, cây mán đỉa tự nhiên có hoạt tính cao nhưng khi nhân giống cần có thời gian để nghiên cứu để so sánh.
"Nếu cây trồng có hoạt tính như cây tự nhiên trong rừng thì thực sự là nguồn dược liệu quý. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp để sử dụng hoạt chất từ cây sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh về gan", PGS Hương nói và cho biết đề tài nghiên cứu vừa được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu.
Cây mán đỉa tên khoa học là Archidendron clypearia thuộc họ Trinh nữ. Đây là loài phân bố trong các rừng đầm lầy, rừng thường xanh trên đất sét và các rừng hỗn giao rụng lá vùng núi từ các tỉnh phía bắc cho tới Ðồng Nai, Minh Hải, Kiên Giang.
Ở Thừa Thiên - Huế cây xuất hiện nhiều tại khu vực A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc.
Người dân thường dùng lá để nhuộm đen hoặc nấu nước tắm trị ghẻ. Ở Lào, người dân dùng lá phơi khô và tán bột dùng để điều trị vết thương.