Tương lai, các chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thiếu đối với bậc đại học. Chúng có thể là trợ giảng, người cố vấn, bạn học ảo - thực hiện hầu hết các công việc của một giảng viên.
Phần mềm học tập tương thích
Các trường đại học đang tìm cách để cung cấp nhiều dịch vụ với mức giá rẻ và hướng tới đối tượng đa dạng hơn. Tuy nhiên, việc tăng số lượng và đa dạng đầu vào cũng đòi hỏi quá trình hỗ trợ, tư vấn sinh viên cần phải tăng lên. Điều này tốn rất nhiều giờ làm việc và chi phí và hệ thống AI đang là một giải pháp hiệu quả.
Jill Watson - trợ lý ảo do Ashok Goel - giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Công nghệ Georgia phát triển là một trợ giảng xuất sắc. Cô đáp ứng hàng nghìn câu hỏi cùng lúc, luôn trả lời đầy đủ với tốc độ nhanh. Jill hiếm khi mắc lỗi và vô cùng kiên trì. Khi chương trình này đi vào hoạt động, các sinh viên không hề biết rằng mình đang nói chuyện với AI.
Hobsons - một công ty cung cấp phần mềm tư vấn đào tạo đại học vừa ra mắt giải pháp tích hợp toàn diện, cung cấp cho các trường công cụ quản lý và phân tích dự báo, nhằm theo dõi quá trình học tập của sinh viên.
Tại một trường đại học, Hobsons đã xác định được 26 sinh viên có thể sẽ không trở lại trường vào năm học tiếp theo dựa trên nền tảng và kết quả cá nhân của họ.
Những sản phẩm công nghệ như Hobsons hay Watson hỗ trợ sinh viên một cách đều đặn và hiệu quả hơn trong suốt quá trình học tập, giúp họ đạt được mục tiêu cuối cùng.
John Beherns - Phó giám đốc phòng thí nghiệm máy tính và dữ liệu tiên tiến tại Pearson mường tượng các gia sư ảo sẽ sớm giảng dạy cho sinh viên. Phần mềm phân loại bài tập về nhà cho từng cá nhân cũng đang được Pearson sản xuất. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết để AI có thể tham gia hiệu quả vào giáo dục, cụ thể như tương tác xã hội, cảm thông, chia sẻ, kết nối trong một lớp học… những điều mà không phải cỗ máy nào cũng có thể đáp ứng.
Một vài vị tỷ phú công nghệ đã cố gắng đưa công nghệ tiên tiến vào các lớp học. Tuy nhiên, bằng chứng về sự đột phá nhờ công nghệ cho giáo dục còn khá hạn chế. Ví dụ, phần mềm học tập thích nghi do Quỹ Bill&Melinda Gates tài trợ đã cung cấp chương trình giảng dạy phù hợp tại 14 cơ sở giáo dục đại học, tiếp cận 19.500 sinh viên ở các lớp học với tỷ lệ học sinh bỏ học cao, nhằm cải thiện kết quả học của nhóm này. Tuy nhiên, kết quả của chương trình cho thấy, công nghệ học tập thích ứng trên chưa giúp cải thiện điểm số hoặc tỷ lệ hoàn thành khóa học của sinh viên.
Bài toán chi phí
Trong khi hiệu quả của công nghệ trên chất lượng học còn chưa được đánh giá rõ ràng thì bài toán chi phí giáo dục đã được giải quyết nhờ AI.
Người Mỹ rất coi trọng tấm bằng đại học. Một cử nhân đại học không thể đi dã ngoại phải chịu món nợ khoảng 250.000 USD. Trong 40 năm qua, chi phí học đại học tăng hơn ba lần tại quốc gia này.
Nhận nhiều sinh viên hơn với các nhu cầu đào tạo khác nhau có nghĩa là chi phí cho lao động của các trường sẽ tăng cao hơn. Chẳng hạn, tiền lương, tiền công và các lợi ích chiếm 50% chi phí hàng năm của Harvard. Nếu trường thay thế được các công việc giảng dạy, thuê ít giáo sư và trợ giảng hơn và vẫn phục vụ cùng một số lượng sinh viên (thậm chí là nhiều hơn) với mức ngân sách nhỏ hơn, bài toán chi phí sẽ được giải quyết.
Tuy nhiên, băn khoăn của hầu hết các nhà công nghệ là chưa thể cung cấp một khía cạnh quan trọng trong đào tạo - truyền cảm hứng. Đó là nghịch lý trong giáo dục sử dụng trí tuệ nhân tạo. "Giáo dục sẽ rẻ hơn, nhưng khi yếu tố con người giảm đi, giáo dục có thực sự tốt hơn không?" đó vẫn là một câu hỏi lớn.
Quỳnh Anh (theo Quartz)
Ứng dụng AI là một trong những xu hướng được dự báo sẽ làm thay đổi nền giáo dục, bên cạnh nền tảng đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (VR&AR)…
Tại Việt Nam, nhiều đơn vị giáo dục cũng đang theo đuổi những xu hướng công nghệ mới nhất như học tập trực tuyến, ứng dụng AI cá nhân hóa học tập… Đại diện Đại học trực tuyến FUNiX nhận định, công nghệ sẽ tạo ra cuộc cách mạng 4.0 trong giáo dục, với môi trường học tập hoàn toàn khác biệt so với trường học truyền thống.