Ngày 7/2, Viện Kỹ thuật Hóa học phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học - Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) sản xuất 1.000 lít nước sát khuẩn.
PGS Trương Quốc Phong, Phó viện trưởng Công nghệ Sinh học - Thực phẩm, cho biết trường có đủ nhân lực, vật lực để sản xuất nước sát khuẩn số lượng lớn theo tiêu chuẩn của WHO, phục vụ cho 35.000 sinh viên toàn trường. Nguyên liệu chủ yếu là cồn, glycerin, H2O2.
Công suất lớn nhất nhóm giảng viên, tình nguyện viên có thể đạt là 1.000 lít một ngày. Tuy nhiên, do sinh viên chưa quay lại trường, việc tích trữ quá nhiều nước sát khuẩn chứa cồn không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy nên Viện chưa làm ồ ạt.
Quá trình sản xuất, các giảng viên gặp khó khăn khi mua cồn 96 độ. Trước kia, cồn chỉ 20.000 đồng một lít nhưng do nhu cầu tăng cao, hiện tăng lên 30.000-32.000 đồng một lít, PGS Vũ Đình Hoàng, Trưởng bộ môn Hóa dược, Viện Kỹ thuật Hóa học, cho biết. Trường hợp cồn quá đắt, các thầy cô sẽ sử dụng nguyên liệu khác tương đương, vẫn đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của WHO.
Nước sát khuẩn sẽ được đặt tại hành lang, giảng đường, khu ký túc xá và nhà ăn sinh viên. Toàn bộ ngân sách cho quy trình sản xuất nước sát khuẩn do Đại học Bách khoa Hà Nội chi trả. Trường dự định duy trì việc điều chế đến khi Chính phủ thông báo dịch viêm phổi do nCoV được kiểm soát ổn định.
Hiện, 1.000 lít nước sát khuẩn đã điều chế sẽ phục vụ cho khoảng 200 sinh viên trong ký túc xá, các giảng viên đến trường làm việc. Sắp tới, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đăng tải thông tin chi tiết về nguyên liệu, liều lượng, cách pha chế dung dịch sát khuẩn để sinh viên, người dân có thể làm tại nhà.
Cũng trong ngày 7/2, Đại học Bách khoa Hà Nội gia hạn cho sinh viên nghỉ thêm một tuần đến 16/2 để phòng virus corona. Lãnh đạo trường cho biết, việc nghỉ thêm ảnh hưởng đến kế hoạch năm học vì đã sử dụng hết một tuần dự trữ (tuần 44) để nghỉ từ 3/2 đến hết 9/2. Nếu nghỉ tiếp, năm học phải kết thúc sau ngày 29/6, nhưng "hoàn toàn có thể điều chỉnh để đảm bảo an toàn".
Thanh Hằng