Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), hôm 20/11 cho rằng "biện pháp đảm bảo tốt nhất cho an ninh của Israel là thành lập nhà nước Palestine". Theo ông, Israel không nên chiếm đóng Dải Gaza sau khi xung đột hiện tại kết thúc và quyền kiểm soát vùng đất này nên được bàn giao cho Chính quyền Palestine.
Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 25/10 cũng đề cập tới ý tưởng xây dựng một nhà nước Palestine tồn tại bên cạnh Israel. "Khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, cần có tầm nhìn về những gì tiếp theo. Và theo quan điểm của chúng tôi, đó phải là giải pháp hai nhà nước", ông nói.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã thảo luận về giải pháp hai nhà nước trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây. Hội đồng châu Âu tháng trước tái khẳng định cam kết đối với "nền hòa bình lâu dài và bền vững" dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Giáo hoàng Francis trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Italy cho rằng áp dụng mô hình hai nhà nước là "giải pháp khôn ngoan" để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Giải pháp hai nhà nước là ý tưởng thiết lập hai nhà nước có lãnh thổ tách biệt, trong đó một cho người Israel và một cho người Palestine. Khái niệm này xuất hiện trước khi nhà nước Israel thành lập năm 1948, thời điểm kết thúc quyền ủy trị của người Anh đối với Palestine. Tuy nhiên, bạo lực và chiến tranh bùng phát trong những thập kỷ sau đó đã cản trở nỗ lực này.
Trong hiệp định Oslo do Mỹ làm trung gian đàm phán ký kết năm 1993, Israel chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện của người Palestine, trong khi PLO công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel. Hai bên nhất trí rằng Chính quyền Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý Bờ Tây và Dải Gaza, mang hy vọng về lộ trình hiện thực hóa mô hình hai nhà nước.
Tuy nhiên, năm 2000, tổng thống Mỹ Bill Clinton không thể đạt thỏa thuận với thủ tướng Israel Ehud Barak và lãnh đạo Palestine Yasser Arafat tại Trại David ở Mỹ về việc thực thi hiệp định Oslo. Phong trào nổi dậy (intifada) của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel cũng khiến tiến trình hòa bình khu vực đình trệ trong nhiều năm.
"Không có thêm bước tiến nào kể từ đó và tình hình chỉ ngày một xấu đi", Gilbert Achcar, giáo sư nghiên cứu về phát triển và quan hệ quốc tế tại Đại học SOAS ở London, Anh, nói.
Ý tưởng thiết lập nhà nước Palestine bao gồm Dải Gaza và phần lớn Bờ Tây với một số khu vực lãnh thổ được hoán đổi để bù đắp cho các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây.
Hầu hết người ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho rằng Israel nên đưa biên giới của họ về vị trí trước cuộc chiến 6 ngày năm 1967, theo Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở Mỹ. Sau cuộc chiến đó, Israel đã đưa quân kiểm soát Đông Jerusalem và toàn bộ Dải Gaza.
Trải qua những biến động của lịch sử, người Palestine và Israel hiện sống trong biên giới của vùng lãnh thổ có thể trở thành nhà nước tương lai. Nhiều gia đình Palestine đang tìm cách trở lại những khu vực lãnh thổ bị mất trong cuộc chiến tranh năm 1948, hay còn gọi là thảm họa Nakba, khi lực lượng Israel trục xuất hàng trăm nghìn người Palestine khỏi nơi sinh sống của họ.
Jerusalem là một trở ngại lớn khác. Người Palestine xem Đông Jerusalem, nơi Israel đã sáp nhập, như thủ đô tương lai của nhà nước Palestine. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2017 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, quản lý những khu vực do người Palestine kiểm soát ở Bờ Tây, cáo buộc Israel "phá hoại" giải pháp hai nhà nước.
"Bất cứ ai nghĩ rằng hòa bình có thể có ở Trung Đông trong khi người Palestine không được hưởng quyền lợi đầy đủ và hợp pháp là ảo tưởng", ông Abbas nói tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, trước khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát.
Thủ tướng Netanyahu trong chiến dịch bầu cử năm 2015 nói rằng sẽ không có nhà nước Palestine độc lập khi ông còn tại vị. Kể từ đó, ông theo đuổi ý tưởng này.
"Tôi chắc chắn sẵn sàng cho họ tất cả quyền lực mà họ cần để tự trị, nhưng không thể có quyền lực để đe dọa chúng tôi", ông Netanyahu nói đầu năm nay.
Năm 2017, Hamas, nhóm vũ trang kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007, cho biết đã chuẩn bị để chấp nhận một nhà nước Palestine theo biên giới năm 1967. Tuy nhiên, lãnh đạo nhóm lúc đó Khaled Meshaal nói Hamas sẽ không công nhận nhà nước Israel.
Trước cuộc xung đột hiện tại, việc xây dựng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là một trong những trở ngại lớn nhất đối với hòa bình của người dân Palestine.
Giáo sư Achcar nói hiệp định Oslo không có điều khoản nào để ngăn người Israel xây dựng các khu định cư trên vùng đất được cho là của người Palestine. "Để người Palestine chấp nhận những giải pháp như hai nhà nước, người Israel cần phải rút toàn bộ các khu định cư như vậy", ông nói.
Yossi Mekelberg, phó giáo sư tại Viện Chatham ở Anh, lưu ý việc Israel rút 8.000 người định cư ở Dải Gaza năm 2005 đã gây chia rẽ và tranh cãi rất lớn trong xã hội nước này.
Mark LeVine, giáo sư sử học kiêm chủ tịch chương trình nghiên cứu Trung Đông tại Đại học California ở Mỹ, nói rằng giải pháp hai nhà nước giống như "chia tài sản sau một cuộc ly hôn", nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Tình hình sẽ giống như "ly hôn thời đại dịch, khi bạn chia tay nhưng phải sống trong cùng một căn nhà", Levine nói.
Giáo sư này đã hình dung về một mô hình hai quốc gia "cùng tồn tại song song" nhưng không có sự phân định rạch ròi về biên giới lãnh thổ và chủ quyền. "Israel có thể vẫn là nhà nước Do Thái, Palestine là nhà nước Palestine, song người Do Thái và Palestine có thể sống ở bất kỳ đâu", ông nói.
Một số học giả Israel, Palestine và các nước khác ủng hộ ý tưởng về một liên minh như giải pháp thay thế hai nhà nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác không xem đây là giải pháp khả thi.
Mekelberg cho rằng khái niệm "hai nhà nước" có thể khả thi nhưng "sẽ rất khác so với giải pháp của năm 1993", vì giới lãnh đạo hai bên "đều không còn tin vào khả năng hòa bình" cho cuộc xung đột.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)