Lee Ji-han, con trai 24 tuổi của ông Lee Jong-chul, nằm trong số gần 160 người thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp ở quận Itaewon, Seoul hồi tháng 10/2022. Quá đau buồn, ông lên báo cầu xin các chính trị gia Hàn Quốc hành động.
Tuy nhiên, ông và gia đình lại trở thành mục tiêu công kích trên các diễn đàn Hàn Quốc. Lee Ga-young, con gái của ông Lee, cho hay bất kỳ bản tin nào về gia đình trên mạng đều thu hút hàng trăm bình luận, đa số là tiêu cực, chỉ trong vài phút. Ông Lee còn bị chỉnh sửa ảnh tươi cười khi nhận đề nghị bồi thường.
"Những bình luận ấy khiến chúng tôi không nói nên lời", Ga-young bày tỏ.
Hơn 100.000 người tối 29/10/2022 tới phố Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul, tham gia lễ Halloween đầu tiên sau hai năm sống dưới các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19. Nhưng thảm kịch đám đông chết chóc nhất lịch sử Hàn Quốc xảy ra khi quá nhiều người đổ về con hẻm nhỏ và dốc, ngã đè lên nhau và ngạt thở, khiến 158 người thiệt mạng, 196 người bị thương.
Trong căn hộ của gia đình ở thành phố Goyang, ngoại ô Seoul, phòng ngủ của Lee Ji-han vẫn giữ nguyên từ ngày anh rời nhà 29/10/2022. Quần áo của Ji-han vẫn treo trên cánh cửa, cuốn sách đọc dở để trên giường.
"Ngày hôm đó thay đổi cuộc đời chúng tôi mãi mãi", bà Cho Mi-eun, mẹ của Ji-han, tâm sự. Bà vẫn nghe lại tin nhắn thoại cũ để nghe giọng nói của con trai.
"Đêm nào bố của Ji-han cũng ra ngoài đợi con, đôi khi hàng tiếng. Ông ấy bảo ra ngoài hút thuốc nhưng chúng tôi biết ông ấy đang đợi Ji-han", bà nói, nhấn mạnh chồng mình đã nhiều lần định tử tự sau khi con trai qua đời và gia đình bị công kích trên mạng.
Lee Jung-min, người mất con gái 29 tuổi trong thảm kịch giẫm đạp, cho hay các gia đình của nạn nhân Itaewon muốn chính quyền trả lời câu hỏi tại sao không ngăn chặn được thảm họa dù đã có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.
Một số gia đình lập nhóm để "tìm hiểu chuyện thực sự đã xảy ra và buộc những quan chức liên quan phải chịu trách nhiệm", ông nói, tỏ vẻ mệt mỏi.
Nhưng trên mạng Internet, nhiều người cánh hữu cáo buộc họ là các thế lực chống chính quyền hay trục lợi từ tiền bồi thường.
Ông Lee Jung-min cho biết một số nhà lập pháp của đảng cầm quyền đã chỉ trích gia đình các nạn nhân trong phiên họp quốc hội, tạo ra làn sóng công kích các gia đình trên mạng Internet.
Các nhà lập pháp đưa ra những giả thuyết như đám đông ngã đè lên nhau vì các thành viên liên đoàn lao động hợp tác với phe đối lập đổ dầu thực vật xuống đất, trong khi người khác ám chỉ nguyên nhân tử vong do sử dụng ma túy trái phép. Cảnh sát không tìm thấy bằng chứng nào cho cả hai suy đoán này.
Seo Soo-min, giáo sư truyền thông Đại học Sogang, cho rằng môi trường chính trị phân cực cao của Hàn Quốc tạo điều kiện cho những thông tin sai lệch phát triển mạnh.
Hai ngày sau thảm họa, Thủ tướng Han Duk-soo kêu gọi người dân "không đưa ra bình luận thù hận, lan truyền thông tin bịa đặt hoặc chia sẻ hình ảnh phản cảm về tai nạn".
Kim Yu-jin, người mất em gái 24 tuổi trong thảm kịch, cho rằng chính phủ gần như không hành động để ngăn chặn những lời công kích, bất chấp lời cầu xin giúp đỡ liên tục từ phía gia đình nạn nhân.
Kim cho biết gia đình các nạn nhân giờ đây không chỉ đau buồn vì người thân yêu đã mất, mà còn phải chiến đấu vì họ trên mạng. Mỗi ngày, cô đọc vô số bình luận mang tính thù hận về em gái, liên hệ với người đăng để yêu cầu xóa đi.
"Tôi biết đây là nhiệm vụ vô vọng, bởi có quá nhiều bình luận", cô nói. "Nhưng tôi sẽ phải tiếp tục, làm gì còn ai khác đấu tranh vì em tôi?".
Hồng Hạnh (Theo AFP)