Xung đột ở Ukraine đã khiến các khách hàng Liên minh châu Âu (EU) giảm mua năng lượng Nga trong lúc G7 và EU đang cố gắng áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt của nước này.
"Quyết định một phía như vậy tất nhiên là vi phạm các hợp đồng hiện có, dẫn đến việc ngừng cung cấp", Alexey Miller, giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, hôm nay phát biểu trên truyền hình.
Trước đó, CEO Gazprom cảnh báo các hộ gia đình châu Âu vẫn có thể "lạnh cóng" trong mùa đông tới, dù khu vực đã tích trữ đáng kể khí đốt.
Theo ông, trong thời gian tiêu thụ đạt đỉnh, châu Âu được dự báo thiếu 800 triệu m3 khí đốt mỗi ngày, tương đương khoảng 1/3 tổng nhu cầu. Các cơ sở ngầm lưu trữ khí đốt của châu Âu đang đạt khoảng 91% công suất. Trong kịch bản xấu nhất, tỷ lệ này sẽ chỉ còn 5% vào tháng 3.
"Chắc chắn là châu Âu sẽ vượt qua mùa đông năm nay nhưng điều gì sẽ xảy ra khi họ cần bơm khí đốt vào cơ sở lưu trữ trước mùa đông năm 2023 và 2024?", Miller đặt câu hỏi. "Rõ ràng, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không diễn ra trong thời gian ngắn".
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đe dọa cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu quyết định áp giá trần khí đốt được thông qua, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng họ sẽ bị "đóng băng", giống như chiếc đuôi sói trong một câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Nga.
Theo giới chuyên gia, việc cắt giảm nguồn cung từ Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai sau Arab Saudi và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu, khiến giá năng lượng thậm chí còn leo thang hơn nữa.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)