Chỉ trong 5 năm qua, thế giới phải đối mặt với nhiều dịch bệnh như Ebola, Zika, MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) và giờ đây là một chủng virus corona mới tên 2019-nCoV. Nhưng khác với nhiều đợt bùng phát dịch trước đây, khi vắcxin bảo vệ mất nhiều năm để phát triển, nghiên cứu tìm ra vắcxin nhằm ngăn chặn dịch viêm phổi Vũ Hán diễn ra chỉ vài giờ sau khi virus được nhận dạng.
Nhà chức trách Trung Quốc nhanh chóng công bố mã di truyền của virus nCoV. Thông tin này giúp các nhà khoa học xác định virus có thể đến từ đâu, nó có khả năng đột biến như thế nào khi dịch bệnh phát triển và cách bảo vệ con người. Với những thành tựu công nghệ và vai trò lớn hơn của chính phủ các nước trong việc đầu tư phòng chống dịch bệnh, nhiều cơ sở nghiên cứu có thể bắt tay vào điều chế vắcxin ngừa virus.
Tại phòng thí nghiệm Inovio ở San Diego (Mỹ), các nhà khoa học đang sử dụng công nghệ ADN tương đối mới để phát triển vắcxin mang tên INO-4800 và lên kế hoạch thử nghiệm ở người vào đầu hè năm nay.
"Ngay khi Trung Quốc cung cấp trình tự ADN của nCoV, chúng tôi có thể nhập dữ liệu vào máy tính ở phòng thí nghiệm và thiết kế vắcxin trong vòng 3 giờ. Vắcxin ADN của chúng tôi mới ở chỗ sử dụng trình tự ADN của virus để nhằm vào một số vùng cụ thể của mầm bệnh được cho là sẽ thúc đẩy phản ứng mạnh nhất từ cơ thể. Sau đó, chúng tôi dùng chính tế bào của bệnh nhân để tạo một nhà máy vắcxin, củng cố cơ chế phản ứng tự nhiên của cơ thể", Kate Broderick, phó giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển ở Inovio, giải thích.
Theo Inovio, nếu những thử nghiệm ban đầu ở người thành công, họ sẽ tiến hành thử nghiệm trên quy mô rộng hơn như vùng dịch ở Trung Quốc vào cuối năm nay. Nhóm nghiên cứu không thể dự đoán lúc đó dịch viêm phổi Vũ Hán đã kết thúc hay chưa. Nhưng nếu Inovio có thể thực hiện theo đúng kế hoạch, đây sẽ là loại vắc xin mới được phát triển và thử nghiệm nhanh nhất trong tình huống dịch bệnh bùng phát.
Kinh phí cho công tác nghiên cứu ở những phòng thí nghiệm này đến từ Liên minh Chuẩn bị Ứng phó Đại dịch (CEPI), bao gồm các chính phủ và nhiều tổ chức trên khắp thế giới. CEPI được thành lập sau đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi nhằm cung cấp kinh phí thúc đẩy phát triển vắcxin ngừa dịch bệnh mới.
"Sứ mệnh của CEPI là đảm bảo các đợt bùng phát dịch không còn là mối đe dọa đối với nhân loại và phát triển vắcxin cho những bệnh truyền nhiễm mới", tiến sĩ Melanie Saville, giám đốc nghiên cứu và phát triển vắcxin ở CEPI, nhấn mạnh. Ngoài Inovio, CEPI cũng đang cấp kinh phí cho hai chương trình khác để phát triển vắcxin ngừa virus nCoV.
Đại học Queensland, Australia, đang nghiên cứu một loại vắcxin "kẹp phân tử" cho phép chống lại nhiều chủng virus. Công ty Moderna Inc ở Massachusetts cũng đang hợp tác với Viện bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ để nghiên cứu vắcxin đối phó virus nCoV.
Dù giới nghiên cứu đang nỗ lực cho ra đời vắcxin ngừa dịch viêm phổi Vũ Hán, quá trình phát triển mới chỉ ở giai đoạn đầu. Các thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi nhiều thời gian và không có gì đảm bảo mẫu vắcxin mới nào sẽ an toàn và hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh ở Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ quyết định thử nghiệm vắcxin nào trên người đầu tiên trong thời gian tới.
An Khang (Theo BBC)