Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 2.965.363 ca nhiễm nCoV, trong đó 206.265 ca tử vong, tăng lần lượt 77.469 và 3.897 trường hợp so với một ngày trước. 863.464 người đã bình phục.
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với 963.379 người nhiễm và 54.810 ca tử vong, tăng lần lượt 29.446 và 1.361.
Mỹ đã tiến hành khoảng 1,2 triệu xét nghiệm từ 6 đến 22/4, gấp 6 lần so với một tháng trước. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng con số này vẫn chưa đủ.
Các bang như Alaska, Georgia, Oklahoma và một số bang khác đã bắt đầu mở cửa lại cửa hàng bán lẻ, công viên, bãi biển từ hôm 24/4. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci cảnh báo Mỹ phải "xem xét cẩn thận" cách quay về tình trạng bình thường và "suy nghĩ nghiêm túc" về các biện pháp mở cửa lại.
Tổng thống Donald Trump hồi giữa tuần trước tuyên bố các hướng dẫn cách biệt cộng đồng có thể kéo dài tới sau 1/5 nếu ông cảm thấy đất nước chưa an toàn, nói thêm rằng tình hình dịch bệnh tồi tệ sẽ kết thúc vào đầu mùa hè.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 2.870 người dương tính với nCoV, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 226.629, trong đó 23.190 người chết, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới về số ca nhiễm và thứ ba thế giới về số người chết. Thêm 288 ca tử vong mới, giảm so với 378 ca một ngày trước và là mức tăng thấp nhất trong vòng một tháng qua ở nước này.
Theo giới chức y tế, Covid-19 ở Tây Ban Nha đã đạt đỉnh vào 3/4, thời điểm họ báo cáo 950 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh số ca tử vong do nCoV có chiều hướng giảm. Từ 2/5 người dân sẽ được phép tập thể dục ngoài trời nếu số ca nhiễm nCoV vẫn tiếp tục giảm. Người dân sẽ có một giờ hoạt động ngoài trời dưới sự giám sát, trong khoảng thời gian từ 9h - 21h, phạm vi một km từ nhà họ.
Một người lớn có thể đi với tối đa với 3 trẻ em nhưng không được tới các khu vui chơi ngoài trời và phải tuân thủ nguyên tắc cách biệt cộng đồng, cách nhau ít nhất hai mét.
Italy ghi nhận 2.324 ca nhiễm và 260 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 197.675 và 26.644, xếp thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ hai toàn cầu về số ca tử vong.
Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5. Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu về cả số ca nhiễm và số người chết, xác nhận thêm 612 trường hợp nhiễm virus và 242 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 162.100 và 22.856.
Pháp sẽ cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.
Đức, vùng dịch lớn thứ năm thế giới về số ca nhiễm và thứ 6 về số ca tử vong, báo cáo 157.495 ca nhiễm và 5.944 ca tử vong, tăng lần lượt 982 và 67 trường hợp. Đức được đánh giá phản ứng nhanh với Covid-19 và bước đầu kiểm soát dịch thành công. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.
Hôm 25/4, khoảng 1.000 người biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa ở Berlin, bất chấp lệnh cấm tụ tập nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Anh phát hiện thêm 4.463 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 152.840. Nước này ghi nhận 20.732 ca tử vong, tăng 413 trường hợp.
Anh đang là vùng dịch lớn thứ sáu thế giới và đứng thứ năm về số ca tử vong sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão.
Thủ tướng Boris Johnson đã bình phục và dự kiến quay lại làm việc vào ngày 27/4. Ông sẽ tiếp tục điều hành chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa và số người người chết vì nCoV ở nước này tiếp tục tăng.
Cách đối phó của chính phủ Anh với Covid-19 hứng nhiều chỉ trích do xét nghiệm hạn chế và thiếu hụt thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế. Ngoại trưởng Dominic Raab, người thay Johnson điều hành chính phủ khi ông điều trị Covid-19, hiện phải đối mặt với câu hỏi liệu Anh sẽ nới phong tỏa như thế nào để không gây ra làn sóng bùng phát dịch lần hai.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 90.481 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 60 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 13 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.710.
Chính phủ Iran vẫn chưa cho phép trường học mở cửa trở lại cũng như tiếp tục cấm các hoạt động đông người như tụ họp văn hóa, tôn giáo và thể thao. Tuy nhiên, các trung tâm mua sắm, chợ và công viên nối lại hoạt động trong tuần này và cũng dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên thành phố.
Ấn Độ báo cáo 1.607 ca nhiễm mới và 57 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong toàn quốc lên lần lượt là 27.890 và 882.
Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 3/5. Người nghèo Ấn Độ được cho là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thất nghiệp và cũng không có phương tiện giao thông công cộng để trở về quê nhà.
Bộ Y tế Ấn Độ cho hay họ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.
Tại Đông Nam Á, Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 13.624 ca nhiễm, tăng 931 ca, đa phần là lao động nước ngoài trong các ký túc xá. Số người chết vì Covid-19 vẫn giữ nguyên là 12.
Giới chuyên gia nhận định Singapore cần duy trì đà giảm số ca nhiễm nCoV trong cộng đồng ít nhất tới tuần đầu tiên của tháng 5. Nhưng ngay cả khi đó, những cụm dịch trong các khu ký túc xá có thể vẫn là thách thức. Họ cảnh báo thêm rằng xu hướng giảm số ca nhiễm nCoV mới gần đây trong số lao động nhập cư không có gì đáng mừng, bởi việc xét nghiệm tại các ký túc xá đang giảm dần.
Quốc đảo 5,7 triệu dân là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Á. Chính quyền đang nỗ lực bố trí thêm không gian đặt giường bệnh cho các ca nhiễm tại những hội trường triển lãm lớn và cơ sở tạm thời khác.
Indonesia thông báo thêm 275 ca nhiễm mới nCoV, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 8.882. Nước này hiện ghi nhận 743 người chết do nCoV, tăng 23 người trong 24 giờ qua.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho hay Indonesia đã hoãn thực hiện dự án di dời thủ đô trị giá 33 tỷ USD để tập trung nguồn lực đối phó Covid-19. Thủ đô Jakarta hôm 24/4 thông báo sẽ kéo dài cách biệt cộng đồng đến 22/5.
Philippines, vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á, ghi nhận thêm 285 ca nhiễm và 7 ca tử vong do nCoV, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 7.579 và 501. 862 trường hợp đã bình phục.
Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 25/4 tuyên bố gia hạn phong tỏa ở thủ đô Manila cho đến ngày 15/5 để ngăn Covid-19, nhưng sẽ giảm bớt các hạn chế ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn.
Malaysia ghi nhận 5.780 ca nhiễm và 98 ca tử vong sau khi báo cáo thêm 88 ca nhiễm và không có ca tử vong nào trong 24 giờ qua. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.
Thái Lan báo cáo thêm 15 ca nhiễm nCoV, nâng tổng ca nhiễm cả nước lên 2.922. Số người chết do nCoV ở Thái Lan đang dừng ở mức 51, không ghi nhận ca tử vong mới sau một ngày.
Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, CNN)