213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 10.559.472 ca nhiễm và 512.951 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 169.693 và 5.581 trong 24 giờ qua. 5.781.840 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 2.720.040 ca nhiễm và 130.005 ca tử vong, tăng lần lượt 44.905 và 1.253 ca trong 24 giờ.
Số ca nhiễm tại bang California và Texas hôm 29/6 tăng kỷ lục, trong khi Los Angeles, thành phố lớn thứ hai của Mỹ và là tâm dịch mới, báo cáo mức tăng một ngày "đáng báo động", với hơn 100.000 ca nhiễm. Tình hình dịch bệnh phức tạp buộc nhiều địa phương phải hoãn hoặc đảo ngược kế hoạch nới lỏng phong tỏa.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết sự gia tăng số ca nhiễm nCoV tại Mỹ gần đây bắt nguồn từ việc phần lớn người Mỹ phớt lờ hướng dẫn y tế cộng đồng, như giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang. "Tôi sẽ không bất ngờ nếu Mỹ tăng 100.000 ca nhiễm một ngày", ông cảnh báo.
Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 33.846 ca nhiễm và 1.280 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.402.041 và 59.594.
Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 29/6 cảnh báo Brazil vẫn đối mặt "thách thức lớn" trong việc kiềm chế Covid-19 và nên làm nhiều hơn để phối hợp các nỗ lực phòng dịch. "Một lần nữa, chúng tôi khuyến khích Brazil tiếp tục chống lại đại dịch, phối hợp nỗ lực giữa liên bang và các địa phương theo cách có hệ thống hơn", Ryan nói.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị các chuyên gia y tế chỉ trích mạnh mẽ vì cách xử lý khủng hoảng. Ông gọi đại dịch là "cúm vặt" và không tỏ ra bận tâm tới số người chết ngày càng gia tăng. Bộ Y tế Brazil vừa phân phối khoảng 4,3 triệu liều thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, dù nó chưa được chứng minh chống Covid-19 hiệu quả, nhưng được Bolsonaro thúc đẩy.
Tình hình đại dịch tại Mỹ Latinh vẫn nghiêm trọng. Chile đang là vùng dịch lớn thứ tám thế giới với 279.393 ca nhiễm và 5.575 ca tử vong, tăng lần lượt 3.394 và 113 so với hôm trước. Trong khi đó, Mexico đứng thứ 11 với 220.657 ca nhiễm và 27.121 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 3.805 và 473 ca.
Giám đốc WHO tại châu Mỹ Carissa Etienne hôm qua cảnh báo tổng số người chết vì Covid-19 ở Mỹ Latinh có thể lên tới 438.000 nếu các biện pháp phòng dịch không được duy trì.
Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 154 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 9.320. Số ca nhiễm tăng 6.693, lên 647.849, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca nhiễm mới dưới 7.000.
Số trường hợp bình phục tại nước này cũng đang tăng lên đều đặn, giúp số ca đang điều trị giảm xuống, chiếm 1/3 tổng số ca nhiễm. Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết mặc dù số ca nhiễm mới trên cả nước đang giảm dần, chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường xét nghiệm.
Anh báo cáo thêm 689 ca nhiễm và 155 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 312.654 và 43.730 Tình hình dịch bệnh tại Anh đã bớt nghiêm trọng trong những tuần gần đây, trong khi Thủ tướng Boris Johnson dần rút lại những lệnh hạn chế trên toàn quốc nhằm vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, đợt bùng phát mới tại thành phố Leicester buộc chính quyền phải áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với địa phương này, bao gồm quyết định đóng cửa các trường học.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 301 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 296.351 và 28.355. Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ 21/6, cho phép người từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không phải cách ly hai tuần. Một nghiên cứu của Đại học Barcelona cho thấy nCoV có thể xuất hiện tại Tây Ban Nha từ tháng 3/2019, nhưng phát hiện này vẫn đang chờ được thẩm định.
Italy ghi nhận thêm 142 ca nhiễm và 23 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 240.578 và 34.767.
Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar được mở cửa, phương tiện giao thông công cộng đã hoạt động trở lại, người dân được tự do di chuyển khắp đất nước. Theo một nghiên cứu công bố hôm qua, hơn 40% người nhiễm nCoV tại thị trấn Vo ở Italy không có triệu chứng, dường như là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh chóng.
Đức báo cáo thêm 7 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 195.399, trong khi số ca tử vong không thay đổi, vẫn là 9.041.
Đức được cho là từng kiểm soát thành công Covid-19, với tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với hầu hết nước lớn khác ở châu Âu, dù các biện pháp phong tỏa của họ khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đợt bùng phát gần đây tại một lò mổ ở bang Bắc Rhine-Westphalia buộc chính quyền phải phong tỏa khoảng 600.000 người, đồng thời làm dấy lên lo ngại Đức vẫn dễ bị tổn thương trước đại dịch, bất chấp thành công ban đầu.
Tại Trung Đông, Iran ghi nhận thêm 2.457 ca nhiễm, nâng tổng số lên 227.662, trong đó 10.817 người chết, tăng 147 ca so với hôm trước.
Iran hôm 29/6 ghi nhận 162 người chết vì nCoV trong 24 giờ, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu hôm 19/2. Sima Sadat Lari, phát ngôn viên Bộ Y tế nước này, cho biết Covid-19 tại các tỉnh hoặc thành phố ở biên giới vẫn chưa đạt đỉnh. "Do đó, chúng tôi vẫn trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất", Sadat nói.
Arab Saudi ghi nhận thêm 4.387 ca nhiễm và 50 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 190.823 và 1.649. Nước này chấm dứt lệnh giới nghiêm toàn quốc vì nCoV từ 21/6. Tuy nhiên, chính phủ Arab Saudi năm nay chỉ "cho phép 1.000 người hoặc ít hơn" tới hành hương tại thánh địa Mecca và chỉ người dân nước này mới có cơ hội.
Ấn Độ là vùng dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ tư thế giới với 582.482 ca nhiễm, và 17.322 ca tử vong, tăng lần lượt 14.946 và 418. Một số thành phố Ấn Độ chuẩn bị kéo dài các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn nCoV lây lan, trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn cao.
Thủ tướng Narendra Modi hôm qua cho biết kể từ khi chính phủ nới lỏng hạn chế, "sự tắc trách" trong xã hội ngày càng tăng, nói thêm rằng người dân đang phớt lờ cách biệt cộng đồng và các hướng dẫn y tế khác. Trường học, rạp chiếu phim, phòng gym và quán bar ở Ấn Độ vẫn phải đóng cửa.
Trung Quốc hôm nay cho biết có thêm ba ca nhiễm nCoV trong ngày 30/6, thấp hơn nhiều so với 19 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 83.534. Không có trường hợp tử vong mới nào được ghi nhận và số người chết vẫn là 4.634. Cả ba ca nhiễm mới đều ở Bắc Kinh.
Thủ đô Bắc Kinh đã tiến hành xét nghiệm nCoV hàng loạt ngay sau khi thành phố phát hiện ca nhiễm mới đầu tiên trong đợt bùng phát mới, liên quan đến chợ Tân Phát Địa. Tuần trước, chính quyền tuyên bố ổ dịch này về cơ bản đã được kiểm soát. WHO cho biết họ sẽ cử một nhóm đến Trung Quốc vào tuần tới để tiếp tục điều tra về nguồn gốc nCoV.
Tại Đông Nam Á, Indonesia đã trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 56.385 ca nhiễm, tăng 1.293 trường hợp so với hôm qua, trong đó 2.876 người chết, tăng 71 ca. Diễn biến này khiến các trường học phải tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 13/7, nhà hàng quán bar dừng hoạt động.
Singapore là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, với 43.907 ca nhiễm, tăng 246, trong đó 26 người chết. Singapore đang tiến hành nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn, trong khi cuộc tổng tuyển cử vẫn được tổ chức sớm vào ngày 10/7. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông quyết định tiến hành bầu cử ngay bây giờ bởi không chắc Covid-19 có thể chấm dứt vào năm sau hay không.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
WHO hôm 30/6 cho biết họ sẽ "xem xét kỹ lưỡng" nghiên cứu của Trung Quốc về loại cúm lợn mới có tên G4, được cho rằng có khả năng gây đại dịch. "Điều này chứng minh chúng ta không thể mất cảnh giác với bệnh cúm, đồng thời cần đề phòng và tiếp tục theo dõi ngay cả trong đại dịch Covid-19", phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier nói.
Ánh Ngọc (Theo AFP, Reuters)