"Tương lai GameFi năm 2023", là chủ đề của Game Talks số thứ 2 phát sóng trên báo VnExpress hôm 22/2. Với sự tham gia của ông Nguyễn Hữu An - Đồng sáng lập và CTO Công ty Công nghệ SotaTek 2 và ông Hoàng Mạnh Hà - Giám đốc sản phẩm Công ty Công nghệ TomoChain, nhiều góc nhìn về bối cảnh chung của thị trường game Việt Nam cũng như thế giới, tương lai sự phát triển của GameFi trong năm 2023 đã được đưa ra.
Chu kỳ thoái trào
Nhận định chung của hai diễn giả tại talk cho biết, năm 2021 và nửa đầu 2022 đã ghi nhận sự bùng nổ của xu hướng NFT, GameFi. Công nghệ blockchain được đánh giá đã định nghĩa lại cách chơi game và nền kinh tế trong game, tạo nên trải nghiệm chưa từng có với người chơi. Tuy nhiên, sau cơn sốt, phong trào game blockchain đã không còn thu hút được nhiều người tham gia, cộng đồng các nhà phát triển cũng giảm bớt sự hứng khởi. Bước sang năm 2023, câu hỏi đặt ra là game blockchain có trở thành "bong bóng vỡ" hay sẽ tiếp tục là cuộc cách mạng tiếp theo trong ngành công nghiệp game như kỳ vọng?
Chia sẻ về nội lực của ngành game Việt so với thế giới, ông Nguyễn Hữu An cho rằng dù chưa bao giờ vào bảng xếp hạng hay thống kê lớn ngành game của thế giới, Việt Nam vẫn có nội lực để phát triển game. Người Việt không đứng tên ở các tựa game đình đám song ở Việt Nam có nhiều studio đang gia công và phát triển các game cho ông lớn nước ngoài.
Sự xuất hiện của làn sóng GameFi đã biến Việt Nam từ người đứng sau cánh gà đi lên sân khấu. Việt Nam trở thành điểm sáng trong trào lưu GameFi. Theo ông An, đây là cú hích tích cực từ sau sự kiện Flabby Bird cách đây 9 năm. "Điều này chứng minh cho thế giới thấy chúng tôi có năng lực để làm những thứ sáng tạo", ông An nói.
Năm 2022 bắt đầu với hàng loạt tín hiệu xấu với thị trường GameFi toàn cầu. Đầu tiên là sự thoái trào của phong trào NFT, "bong bóng NFT bắt đầu vỡ" (Giao dịch NFT trên các nền tảng lớn như OpenSea sụt giảm đột ngột cả về số lượng, chất lượng lẫn giá trị). Đây cũng là lúc các dự án GameFi gặp khó khăn đột ngột với dòng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện theo roadmap...
Bối cảnh này khiến ông An đồng tình rằng "mùa đông cryto" gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Theo các thông kê ví dự như trên mạng Ethereum số lượng giao dịch giảm đến 96%, số lượng người dùng, số lượng vốn hóa thị trường của các game nói riêng và ứng dụng blockchain sụt giảm. Điều này gây thiệt hại cho đội nhóm phát triển và người dùng, tác động tiêu cực về nguồn thu và niềm tin thị trường.
Thời điểm này, phản ứng của đội nhóm khác nhau. Có đội nhóm dừng dự án hoặc phát triển cầm chứng. "Đây đều là các dự án chưa có sự chuẩn bị tốt, chỉ cố đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất có thể nên khi thị trường sụp đổ họ không còn nguồn lực phát triển tiếp", lãnh đạo SotaTek 2 nói.
Ở góc độ tích cực, ông Hoàng Mạnh Hà phân tích, GameFi gồm 2 yếu tố chính là game và tài chính. Đây là lúc các đội làm game tập trung vào xây dựng các game có tính giải trí cao và mô hình kinh tế trong game để chờ thị trường hồi phục. "Duy trì cộng đồng cũng là việc cần thiết, người chơi trung thành là những người đóng góp trực tiếp cho game, mang lại cho game sức sống, doanh thu và tiềm năng tăng trưởng sắp tới. Các công ty nên tập trung vào những người chơi vẫn đang hàng ngày sử dụng sản phẩm", vị CEO nói.
Dẫn ví dụ từ tựa game đình đám "made in Vietnam" - Axie Infinty, ông Hà cho biết đội phát triển game này cũng từng trải qua "mùa đông cryto" vào năm 2018 khi cộng đồng người dùng sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng khi làn sóng GameFi trở lại năm 2021, Axie Infinty đã có sự trở lại mạnh nhất và hiện là unicorn. "Đó là thách thức và cũng là cơ hội để các dự án tận dụng thế mạnh của mình. Với các dự án có lộ trình phát triển sản phẩm hoàn chỉnh, có sự chuẩn bị về nhân lực, con người, thị trường thì sự hồi phục sẽ càng mạnh mẽ", ông Hà cho hay.
Đồng tình với quan điểm của ông Hà, đại diện SotaTek 2 kể lại câu chuyện từ thực tế doanh nghiệp mình. Theo đó, khi GameFi phát triển, đơn vị cũng phát hành một tựa game mới. Thời điểm hết "trend", lượng người suy giảm, công ty đã nhanh chóng chuyển đổi tựa game về mô hình truyền thống và phát triển như một sản phẩm trong hệ sinh thái công ty. Nhờ đó, thu hút một lượng người dùng đang tương tác và chưa biết gì về cryto. Tương lai nếu tiền số trở thành hình thức thanh toán phổ biến, nhà phát triển có thể lồng ghép yếu tố cryto, NFT vào.
Vẫn còn dư địa
Thị trường GameFi trong tương lai sẽ đi về đâu là câu hỏi được độc giả quan tâm. Ông An cho biết "cảm thấy thị trường GameFi vẫn còn rất hứa hẹn". Nhiều ông lớn của ngành game thế giới vẫn đang có kế hoạch sản xuất game NFT. Lúc này các studio nhìn nhận đánh giá lại sản phẩm, đón đầu những công nghệ xu hướng mới, đưa vào trong sản phẩm của mình những yếu tố có giá trị thật cho người dùng.
Ông Hà lại có quan điểm trái ngược khi cho rằng đây là khoảng thời gian thử nghiệm nhiều hơn những yếu tố liên quan đến GameFi, nền kinh tế trong game thay vì chuyển hướng về game truyền thống. Theo thống kê từ nền tảng thông kê các ứng dụng phi tập trung Dappradar trong 2022, hơn 50% các hoạt động giao dịch liên quan đến game.
"Tôi nghĩ đây là mảnh đất hứa hẹn, nơi mà NFT cũng như là việc xây dựng một nền kinh tế có thể sử dụng yếu tố thế mạnh của blockchain. Vậy tại sao chúng ta không ứng dụng công nghệ blockchain, cryto vào những tựa game hiện tại, những tựa game đang thu hút đông đảo người chơi để mang lại sự minh bạch và có mô hình sở hữu mới cho người dùng với các vật phẩm trong game. Đây là hướng đi có thể khám phá thêm trong tương lai", ông Hà nói thêm.
Với các nhà sản xuất game, ông An đưa ra lời khuyên cần tối ưu hóa chi phí vận hành, cố sống sót khi thị trường đi xuống. Thời điểm này các sản phẩm xấu bị đào thải. Đội nhóm tốt, sản phẩm tâm huyết, có giá trị sẽ được giữ lại và hy vọng là khi thị trường phục hồi công sức sẽ được đền đáp.
"Thực ra GameFi là thuật ngữ gần đây trong làn sóng mới này mới được tạo ra. Nhưng theo tôi thì yếu tố finance trong game thì đã tồn tại từ rất lâu rồi. Bên cạnh việc chơi game, những người chơi game trao đổi mua bán vật phẩm với nhau bằng tiền trong game hoặc tiền thật. Đây chính là yếu tố Fi trong game", ông An nói.
Tập trung vào giải trí thay vì tài chính
Về tương lai, lãnh đạo SotaTek 2 đánh giá hướng phát triển mới cho ngành game nói chung là AI. "Sớm hay muộn AI sẽ thành trào lưu tiếp theo. Có thể là một nhân vật có trí thông minh nhân tạo có thể tương tác với trẻ em. Hoặc là các nhân vật phụ trong game thay vì một kịch bản được lập trình sẵn thì có trí thông minh, khiến thế giới game linh hoạt và giống đời thực hơn", ông An nhận định.
Ông Hà đồng tình với nhận định trên: "AI cũng là một trào lưu khó có thể cưỡng lại được, có thể ứng dụng trong game". Từ trước đến nay các tựa game đều được dàn dựng có một cốt truyện đóng khung bởi nhà phát triển game. Có sự tham gia của AI thì kịch bản này có thể được mở rộng vô hạn, mang lại sự hứng khởi cho người chơi, thay đổi tư duy trong quá trình tương tác với game, từ đó phát triển hướng đi mới. Đây sẽ là yếu tố khiến toàn bộ các nhà phát hành game phải định nghĩa lại cách phát triển game của mình.
Trả lời câu hỏi: Với làn sóng phát triển công nghệ trên thế giới thì ở Việt Nam có những tiềm lực nào để phát triển ngành?, ông An khẳng định trong làn sóng GameFi vừa qua, Việt Nam đã dẫn dắt xu thế. Rất nhiều tựa game đã xuất phát từ Việt Nam, kéo theo trong nước có rất nhiều tựa game và sản phẩm phái sinh từ game. Trong làn sóng GameFi trước, nhiều đội nhóm đã chuyển từ gia công chuyển sang làm sản phẩm của mình. "Có thể thành công có thể thất bại nhưng họ đã biết cách đưa một sảm phẩm ra thị trường như thế nào", ông An nói.
"Việt Nam đang rất cởi mở với nhiều công nghệ mới. Có thể chúng ta chưa thể tạo ra được những xu thế như AI hay blockchain nhưng Việt Nam là một trong số những đất nước thích ứng rất nhanh. Đấy là lợi thế để khi trào lưu tiếp theo xuất hiện, Việt Nam có thể duy trì được vị thế dẫn dắt hoặc ở trong top đầu".
Còn theo ông Hà, việc Việt Nam dễ thích ứng với công nghệ mới vừa là ưu điểm nhưng cũng là bất lợi với giới làm game do có sự thích nghi nhanh nhưng tiếp cận chưa đủ sâu để làm ra một tựa game có sự thay đổi, nổi bật so với các tựa game khác trên thị trường.
"Chúng ta có thể phát triển địa hạt mới nhưng cần có lộ trình phát triển lâu dài để có thể cải tiến hơn về trải nghiệm người dùng. Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác thêm những yếu tố mới cộng với những thế mạnh hiện tại để phát triển những tựa game thu hút được người chơi toàn thế giới, mang lại doanh thu lớn", ông Hà đưa lời khuyên.
Về tính ngắn hạn, ông An cho rằng các đội nhóm, nhất là hướng tới game blockchain nên đề cao tính giải trí, giá trị cốt lõi của game hơn là khả năng kiếm tiền. Khi gameplay có chiều sâu thì mới thu hút được người dùng sẵn sàng bỏ tiền, nhà phát hành có lợi nhuận để duy trì game thì người chơi mới có thể kiếm tiền. Ba yếu tố cân bằng với nhau thì game mới phát triển bền vững.
Xu hướng tiếp theo của GameFi sẽ không phát triển thành nhánh riêng mà chỉ là công cụ thông thường để phát triển game, hòa mình vào ngành công nghiệp game nói chung.
Ông Hà cũng cho rằng một tựa game phải là ứng dụng mang tính giải trí, còn yếu tố tài chính chỉ là phụ. Hiện nay nhiều bên phát triển GameFi đặt nặng yếu tố tài chính, tokenomic trong game hay các game play to earn phát triển mạnh thời gian qua. Những yếu tố này khiến các game mất cân bằng. Người chơi đến với game chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, không phải là nội dung cốt lõi. Khi thị trường biến động thì họ rời đi nhanh, không mang lại giá trị bền vững cho game hay thị trường. "Đây là thời gian để các công ty game nhìn nhận lại sản phẩm của mình, tối ưu hóa hơn các trải nghiệm của người dùng", ông Hà nói.
Yên Chi
Ngày hội Game Việt Nam là sự kiện do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), báoVnExpressvà Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Từ tháng 2 đến tháng 4, chuỗi sự kiện diễn ra với đa dạng hoạt động như tọa đàm Game Talks, đấu trường Game Arena, không gian trưng bày Game Workshop, Diễn đàn về xu hướng ngành game Việt và Giải thưởng Game Việt Nam 2023.