Những năm 1960, trò chơi điện tử trở thành công cụ giải trí, mua vui của người dân nhiều quốc gia trên thế giới và sau đó trải qua vài thời kỳ cải tiến. Hơn ba thập kỷ sau, những chiếc máy console đầu tiên mới nhập vào Việt Nam. Khi mới xuất hiện, game như "giấc mơ kỳ ảo", đưa con người vào thế giới siêu thực, hóa thân thành những anh hùng có năng lực kỳ diệu, thực hiện những thứ chưa bao giờ dám nghĩ đến trước đây như "giải cứu thế giới".
Qua thời gian, game làm say đắm nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần, một phần văn hóa đại chúng của thời hiện đại.
Không có tài liệu chính xác về thời điểm game xuất hiện tại Việt Nam, song sau năm 1994 nhiều người bắt đầu biết đến những chiếc máy console.
Thời điểm này, máy chơi game của Nintendo có tên Famicom và bản nâng cấp tên NES trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Tại Trung Quốc, máy chơi game Famicon và NES bị làm nhái và xuất khẩu ồ ạt về Việt Nam. Khác với kiểu thiết kế hai nút của các máy chính hãng Nhật Bản, hàng nhái có nhiều hơn hai nút. Từ đó, khái niệm "điện tử bốn nút" bắt đầu thịnh hành trong nước.
"Điện tử bốn nút" gắn với nhiều trò chơi "huyền thoại" của tuổi thơ nhiều người, như: Contra, Super Mario Bros, Battle City, Tank, Duck Hunt... Trong đó, game Contra đã khai sinh khái niệm "phá đảo", từ vẫn được giới trẻ sử dụng phổ biến ngày nay. Trong game này, sau khi chiến thắng "trùm cuối", màn hình sẽ chuyển sang đoạn phim với cảnh người chơi ngồi trên máy bay rời khỏi hòn đảo đang sắp sửa nổ tan.
Các trò chơi điện tử này trở thành một phần ký ức, tiếp cận với 8x, 9x đời đầu theo nhiều cách khác nhau. Nguyễn Hoàng Phong (30 tuổi, TP HCM) vẫn giữ hai chiếc máy chơi game cầm tay thuở nhỏ. Hai chiếc máy kèm đĩa game lậu là quà của chú ruột nhân sinh nhật 10 tuổi. "Vì ở quê, gia đình khó khăn nên món quà này vượt sức tưởng tượng của tôi khi đó", Phong nói.
Hai máy bốn nút kết nối vào đầu DVD giúp Phong chơi hơn 300 tựa game. Trước đó, anh chưa từng biết trò chơi điện tử là gì. Những âm thanh, hình ảnh đầy màu sắc và những trò chơi độc lạ mở ra một đam mê mới với cậu bé lớp 4. Anh thường chơi sau thời gian học. Việc chọn game cũng mất thời gian vì anh cho rằng "chưa bao giờ có nhiều sự lựa chọn đến vậy". "Tôi và em họ thường chơi bắn máy bay, bắn xe tăng. Trò Contra cũng gây nghiện nhưng hơi quá sức với hai đứa trẻ nên chưa bao giờ tôi chơi qua màn 5, chưa biết phá đảo là gì. Bọn trẻ bạn tôi trong xóm kéo đến, mỗi ngày phải chục lượt chơi ké. Được một tháng thì chiếc CD trầy nát, phải năn nỉ chú mua cho đĩa mới", Phong kể lại.
Lúc này khi đang làm nhân viên văn phòng tại một công ty, Phong vẫn giữ thói quen chơi game mỗi buổi tối để giải trí. Nhưng, anh nói trải nghiệm của tuổi thơ vẫn đáng nhớ và không thể tìm lại được.
Sau thế hệ điện tử bốn nút làm mưa làm gió, Nintendo tiếp tục cho ra đời dòng máy mới có tên SNES, phổ biến tại Việt Nam với tên gọi "điện tử đĩa vuông" bởi dùng hộp mực ROM hình vuông có tên gọi Game Park. Chỉ ít năm thịnh hành, dòng máy này dần bị thay thế bởi các mẫu console PlayStation do Sony sản xuất.
Thị trường trò chơi điện tử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 21 cũng phổ biến loại cầm tay Brick Game (máy xếp hình). Với giá thành rẻ và nhỏ gọn, thiết bị từng rất được ưa chuộng.
Thú cưng kỹ thuật số Tamagotchi hay còn được gọi là nuôi thú ảo, sau khi làm mưa làm gió ở thị trường châu Á cũng được giới thiệu tại Việt Nam. Trẻ em Việt thường mang những "thú cưng" này đến trường vì trong hai phiên bản đầu tiên, thú cưng có thể chết trong vòng chưa đến nửa ngày nếu không được "chăm sóc" đầy đủ.
Bước ngoặt lớn của ngành game Việt là thời điểm Internet băng thông rộng dựa trên ADSL chính thức sử dụng vào năm 2003 - mở ra thời kỳ hoàng kim cho trò chơi trực tuyến (game online) cùng không ít tranh cãi.
MU Online là cái tên đầu tiên đến với game thủ trong nước nhưng theo cách không chính thống. Thời đó, game này được gọi là "MU lậu" vì sever được tạo dựa trên mã nguồn bị lộ. MU tạo cơn sốt điên đảo trong giới trẻ bấy giờ. Nhiều người bắt đầu chơi game online từ thời điểm này rất quen thuộc với những cụm từ như "quẩy rồng", "cắm chuột", "reset"...
Năm 2004, Gunbound được giới thiệu. Đây là sản phẩm bắn súng theo lượt trực tuyến "đỉnh" của Asiasoft và cũng là game online chính thức đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam.
Giữa làn sóng văn hóa mới, FPT Online tham gia vào cuộc đua khi mua bản quyền MU Online đầu năm 2005, chấm dứt hai năm chơi lậu của game thủ Việt. Nước đi của doanh nghiệp được cộng đồng hoan nghênh và mở đường cho trào lưu mua bản quyền các game hot sau này.
Sau MU Online, lần lượt những Võ Lâm Truyền Kỳ, TS Online, Thiên Long Bát Bộ,... cập bến Việt Nam. Audition của VTC Games cũng trình làng và được xem là "nữ hoàng" dòng game casual trong nước.
Thời kỳ đỉnh cao của game online giúp các cửa hàng Internet "ăn nên làm ra". Ở vùng quê hẻo lánh, những quán "net" bắt đầu xuất hiện và thường kín chỗ. Phần lớn người chơi là học sinh. Nhiều em bỏ ăn, bỏ học chỉ để cày game. Nghiện game, nhiều vụ án xảy ra gây bức xúc dư luận. Điều này dẫn đến làn sóng phản đối. Game được xem là "tệ nạn" trong mắt không ít phụ huynh.
Thời kỳ không yên ả của game khiến nhiều nhà phát hành điêu đứng. Quá trình "chọn lọc tự nhiên" đã đưa nhiều cái tên vào dĩ vãng. Bên cạnh đó, một số game mới phát hành như Đột Kích, Võ Lâm 2... cũng không dễ trụ vững trong bối cảnh sóng gió bủa vây.
Giai đoạn biến cố cũng chứng kiến vài cột mốc đáng nhớ. Năm 2007, Ran Online được giới thiệu, mời ca sĩ Minh Hằng làm đại sứ, tạo ra trào lưu dùng hình ảnh của người nổi tiếng để gắn với game. Năm 2008, VEC - giải đấu Crossfire lớn nhất ra đời, sự kiện cho thấy tiềm năng biến game thành một bộ môn thi đấu chứ không dừng lại ở việc giải trí. Cuối năm đó, Fifa Online 2 được giới thiệu và trở thành game online thể thao đầu tiên, giúp người chơi có thể dẫn dắt những siêu sao túc cầu trong đội bóng yêu thích.
Game online âm thầm băng qua thời kỳ nhiều biến động để khẳng định giá trị và chỗ đứng riêng. Hướng phát triển được nhiều nhà hoạch định đưa ra là biến game thành một môn thể thao điện tử (eSport).
Sự thành lập của Hội Thể thao Điện tử Việt Nam (2009) là cột mốc thể hiện khát vọng sinh tồn, phát triển và thay đổi góc nhìn của xã hội về trò chơi điện tử.
Đã có "đất dụng võ", game online vươn lên mạnh mẽ hơn. Các đội tuyển chuyên nghiệp ở nhiều bộ môn như "nấm sau mưa" và đều được các nhà tài trợ tạo điều kiện tốt nhất để luyện tập và thi đấu. Các bộ môn thi đấu đa dạng như: Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, PUBG Mobile, Free Fire, FIFA Online... khiến cho cộng đồng người chơi và theo dõi eSports ngày càng đông đảo. Nhiều giải đấu cấp quốc gia, khu vực, châu lục, thế giới liên tục ra đời, giúp những gamer có cơ hội được thể hiện bản lĩnh, kỹ năng.
Sự đầu tư mạnh mẽ từ các giải quốc nội đã giúp nền eSport nước nhà sản sinh ra nhiều đội tuyển thể thao điện tử xuất sắc. Riêng năm ngoái, Việt Nam đã được xướng danh không ít lần tại các giải thể thao điện tử quốc tế: vô địch thế giới của đội tuyển FIFA Online 4 Việt Nam - Progamer; V Gaming ở Liên Quân Mobile là Á quân AWC 2022 và vô địch giải AIC 2022.
"Thành tựu quan trọng nhất là eSport giúp trò chơi điện tử không còn bị kỳ thị, là định kiến của xã hội", một tuyển thủ eSport từng thi đấu tại SEA Game cho biết. "8 môn thể thao điện tử được đưa vào nội dung thi đấu chính thức của SEA Games 31 là chìa khóa mở cánh cửa đưa người yêu thể thao, công chúng tiếp cận sâu rộng, cởi mở hơn với bộ môn này".
Trong kỳ SEA Games này, Việt Nam giành được 4 HCV và 3 HCB. Thành tích này vượt trội hơn nhiều so với 3 HCĐ giành được tại mùa SEA Games trước.
ViruSs - một trong những streamer nổi tiếng tại Việt Nam cho rằng, eSport không đơn thuần là giải trí mà là môn thể thao có sức hút mãnh liệt. Bộ môn này là nơi người trẻ thể hiện nhãn quan chiến thuật, tư duy, khả năng xử lý, tinh thần đồng đội và cá tính.
Trước sự thành công của eSport Việt trong vài năm gần đây, nam streamer cho rằng đó là nỗ lực không mệt mỏi của các tuyển thủ, tầm nhìn, sự đầu tư đúng đắn của nhiều đơn vị. "Đây là tín hiệu tốt cho eSport nước nhà. Các tuyển thủ rất chăm chỉ và luôn muốn tiến về phía trước. Tôi hạnh phúc khi chứng kiến nhiều đội tuyển thành công và đưa game Việt vươn tầm thế giới", ViruSs chia sẻ.
Streamer sinh năm 1988 đánh giá eSport Việt mới chỉ ở giai đoạn châm ngòi và sẽ còn bùng nổ trong những năm tiếp theo.
Game di động phủ sóng
Cùng với sự phổ biến của smartphone, game di động (mobile game) trở thành một phần trong đời sống văn hóa, giải trí của người dân, nhất là giới trẻ. Dễ download, không tốn nhiều tài nguyên máy, đa dạng thể loại, phong cách... biến mobile game thành địa hạt cho những nhà phát triển.
Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; 5 trên 10 game studio hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam; cứ 25 game trên kho ứng dụng sẽ có 1 game Việt.
Ước tính, Việt Nam có 28,4 triệu người chơi và doanh thu các game sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến 200 triệu USD mỗi năm.
Ông Thái Thanh Liêm - Nhà sáng lập studio game TopeBox cho rằng thị trường mobile game hiện nay đang bùng nổ ở các góc độ phát hành lẫn người chơi. Về phía nhà phát hành, nhiều sản phẩm ra mắt với thể loại phong phú, đa dạng hơn nhiều so với cách đây 5 năm.
Đối với người chơi, đặc biệt là Gen Z đang ngày càng gắn bó với việc chơi game trên smartphone. Theo Advertisement, smartphone là thiết bị chơi game phổ biến nhất tại Việt Nam với tỷ lệ 85%, trong khi laptop, PC chỉ chiếm 25%.
"Người trẻ dành thời gian nhiều với game di động hơn, có sự gắn bó với trò chơi cao hơn thế hệ trước. Đây được xem là một lợi thế cho thị trường game Việt Nam ở cả hiện tại và trong tương lai", ông Liêm khẳng định.
"Chất lượng game Việt cũng tiệm cận thế giới", ông Liêm nói thêm. Theo ông, các tựa game Việt cuốn hút về lối chơi, thân thiện với người dùng . Một số cái tên có thể kể đến như Dead Target, Magic Tiles, Gun & Dungeons. Flappy Bird trước đây cũng là điển hình.
"Những cái tên này được công nhận qua các thành tích đạt được ở các hạng mục khác nhau, trở thành tiêu chuẩn khi phát hành game di động để các đơn vị học tập. Điều này chứng minh rằng năng lực của người Việt khi phát hành game không hề thua kém các sản phẩm quốc tế", lãnh đạo TopeBox khẳng định.
Game NFT - trào lưu của thời công nghệ
Với sự xuất hiện của blockchain, GameFi (ghép từ game và finance) ra đời. Đây là thể loại game người chơi có thể tự tạo thu nhập thông qua công nghệ NFT. GameFi cho phép thu thập các vật phẩm, vũ khí, trang bị kỹ thuật số bằng cách làm nhiệm vụ hoặc mua trực tiếp bằng tiền.
Thông qua công nghệ blockchain, các vật phẩm này là duy nhất và không thể phá hủy. Người chơi có thể chuyển nhượng, mua bán vật phẩm và quy đổi sang tiền thật thông qua ví điện tử. Chính khả năng chơi để kiếm tiền (play to earn) đã khiến loại hình game này thu hút lượng lớn người tham gia trong thời gian ba năm qua.
Tháng 5/2022, Finder, công ty nghiên cứu dữ liệu trực tuyến tại Australia công bố, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về số người chơi GameFi. Nhiều tựa game NFT do người Việt sản xuất gây bão toàn cầu, đặc biệt là Axie Infinity - gameFi phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, sau cơn sốt, phong trào game blockchain đã không còn thu hút được nhiều người tham gia, cộng đồng các nhà phát triển cũng giảm bớt sự hứng khởi.
Theo các chuyên gia, đây là lúc các đội làm game nên tập trung vào xây dựng sản phẩm có tính giải trí cao để chờ thị trường hồi phục. "Duy trì cộng đồng cũng là việc cần thiết, người chơi trung thành sẽ đóng góp trực tiếp cho game, mang lại sức sống, doanh thu và tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới", ông Hoàng Mạnh Hà - Giám đốc sản phẩm Công ty Công nghệ TomoChain nói.
Trải qua hai thập kỷ thăng trầm, game Việt phần nào tìm được chỗ đứng không chỉ ở trong nước mà còn cả quốc tế. Thị trường được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai, biến nước ta thành quốc gia mạnh về ngành công nghiệp giải trí này.
Về mảng game di động, ông Đỗ Cao Bảo - Đồng sáng lập, ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT cho biết Việt Nam xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. "Nếu phát huy hết tiềm năng, chúng ta có thể đưa thị phần xây dựng mobile game Việt Nam từ 1,2% hiện nay lên 3-4% thị phần toàn cầu. Điều này có nghĩa ngành công nghiệp phát hành mobile game của Việt Nam có thể đạt quy mô 3,5-4,5 tỷ USD mỗi năm", ông Bảo khẳng định.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, nhấn mạnh ngành game Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nước nhà. Ông Tự Do cho rằng việc phát triển ngành "công nghiệp không khói" sẽ tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao, phù hợp với các doanh nghiệp Việt.
"Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình Chính phủ bổ sung điều chỉnh một loạt quy định quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chơi game của người dân, để hạn chế tối đa những mặt trái của game, nhất là đối với trẻ em", ông chia sẻ.
Hoài Phương
Game Việt Nam - Vietnam GameVerse 2023, do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Từ tháng 2 đến tháng 4, ngày hội tổ chức nhiều hoạt động như: Game Talks, đấu trường Game Arena, không gian trưng bày Game Workshop và Diễn đàn về xu hướng ngành game Việt. |