Kinh doanh

Ngày 17/8, trong cuộc trao đổi trực tuyến 30 phút xuyên giữa hai bán cầu với Giáo sư Yoshua Begio, người đứng đầu Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới - Mila, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, khiến người đối thoại thích thú khi nói về sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo AI trong công tác chống dịch.

"Tôi thực sự chúc mừng về những điều ông và đội ngũ đã làm được. Qua những việc mà ông vừa mô tả, những đóng góp cho cộng đồng, tôi nghĩ sẽ góp phần vào việc mang đến thay đổi cho quốc gia và tôi cũng tin là AI sẽ luôn có khả năng thay đổi thế giới. AI không chỉ mang đến những lợi ích, tăng trưởng về mặt kinh tế, mà còn là những giá trị cho cộng đồng, tất nhiên là nếu chúng ta ứng dụng nó một cách đúng đắn", vị giáo sư hàng đầu thế giới về khoa học máy tính chia sẻ.

Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 ập đến, với số lượng ca nhiễm và nghi nhiễm tăng nhanh, đội ngũ phòng chống dịch cần có sự "yểm trợ". AI đang dần khẳng định được vai trò của mình khi tham gia công tác phòng chống dịch. Những trợ lý ảo chatbot, voicebot đã hỗ trợ việc sàng lọc, truy vết và hướng dẫn cách ly, chăm sóc y tế tại nhà, tiếp nhận hàng triệu cuộc gọi giúp giảm tải cho hệ thống y tế.

"Chưa bao giờ công nghệ, đặc biệt là AI lại trở thành lựa chọn tối ưu như thế để hỗ trợ cho việc cứu tính mạng con người", ông Trương Gia Bình khẳng định.

Không phải đến khi Covid-19 xảy ra, FPT mới thực hiện điều này. Người đứng đầu tập đoàn nhấn mạnh, AI là tầm nhìn, quá trình dấn thân, tìm tòi và nỗ lực bền bỉ ngay từ khi mới chỉ là xu hướng mới trên thế giới. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp, ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và vươn tầm thế giới.

Xoay quanh chủ đề về AI, ông Trương Gia Bình bày tỏ mong muốn tạo cơ hội nhiều hơn nữa cho các tài năng công nghệ của Việt Nam được tiếp cận, học hỏi từ những người giỏi nhất trên thế giới.

"Có rất ít người may mắn được tiếp cận với các chương trình nghiên cứu, được hướng dẫn, được học hỏi từ những giáo sư đầu ngành của Mila như một số kỹ sư của chúng tôi hiện nay. Tôi muốn đề xuất với ông một ý tưởng là Mila có thể mở một trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam, để viết tiếp câu chuyện truyền cảm hứng về AI của mình ở bên ngoài Canada", ông Trương Gia Bình nói.

Đáp lại, Giáo sư Yoshua Bengio thể hiện sự đồng tình: "Nếu chỉ có một số nghiên cứu sinh Việt Nam được cử sang Mila cộng tác sẽ khó có thể đem đến những thay đổi lớn. FPT cần xây dựng một trung tâm có thể quy tụ thật nhiều nhân lực tại Việt Nam. Chúng tôi rất sẵn lòng hỗ trợ cho trung tâm. Tôi chắn chắn đây là điều chúng ta phải thực hiện".

Ngay trong buổi trò chuyện, ông Bình bày tỏ mong muốn "Bố già AI" của thế giới tư vấn để hiện thực hóa giấc mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực và vươn tầm thế giới.

Giáo sư Yoshua Bengio cổ vũ ý tưởng này và cho rằng chính khát khao cháy bỏng là điều quan trọng nhất để biến mọi giấc mơ trở thành sự thật. Bản thân ông từ khi là một cậu sinh viên cũng đã mơ ước sẽ sáng tạo ra những cỗ máy có thể học hỏi như bộ não con người. Ngay cả khi điều đó còn khó khăn và quá mới mẻ, ông vẫn luôn tin vào sức mạnh của khoa học. Đây cũng là điều mà FPT đang kiên định theo đuổi.

Theo giáo sư Bengio, điểm mấu chốt thúc đẩy giấc mơ trên thực tế chính là học tập và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu. Ông cho rằng, nếu đầu tư cho giáo dục ở mọi cấp trong dài hạn thì Việt Nam chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt. Với một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, các dự án khởi nghiệp sẽ dễ triển khai hơn.

Từ khi nuôi giấc mơ chinh phục "đỉnh Olympia AI", FPT cho biết họ luôn nỗ lực lan tỏa cơ hội cho người trẻ, khẳng định vai trò tiên phong về đào tạo AI tại Việt Nam. Năm 2018, Đại học FPT chính thức đưa chuyên ngành trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. Phân hiệu Đại học FPT Quy Nhơn cũng trở thành nơi đào tạo chuyên sâu về AI. Khuôn viên trường đã được xây dựng, đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện của khoảng 5.200 sinh viên cho các ngành Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị kinh doanh... Khoảng 300 sinh viên sẽ nhập học khoá đầu tiên trong năm nay.

Cũng nhằm đào tạo cho các thế hệ tương lai, FPT đã trao 10 suất học bổng toàn phần về AI từ bậc đại học đến tiến sĩ trong và ngoài nước, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định tháng 5 vừa qua.

FPT 1
 
 

Nhìn lại chặng đường đã đi, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa thừa nhận AI là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của tập đoàn trong thời gian qua. Đơn vị đã đầu tư vào lĩnh vực này từ năm 2013, khi AI còn là khái niệm rất mới tại Việt Nam và cả trên thế giới. Trong đó, việc thành lập công ty FPT Smart Cloud năm 2020 là minh chứng rõ ràng cho sự đầu tư nghiêm túc vào công cuộc khai phá này.

Hiện FPT có khoảng 300 chuyên gia, 40 tiến sỹ trong lĩnh vực; 36 bài báo khoa học đã được xuất bản, cho ra đời hàng loạt giải pháp tích hợp...

Năm 2020 cũng là năm đánh dấu sự ra mắt của những sản phẩm mang tính đột phá trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tháng 10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ ra mắt "Nền tảng Trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI". Hệ sinh thái này là nền tảng đa dạng và tổng thể, ứng dụng những công nghệ 4.0 tiên tiến nhất như: AI, Blockchain, RPA..., giúp các tổ chức, doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động vận hành, nâng cao năng suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển.

Đại diện FPT cho biết, điểm vượt trội của FPT.AI là giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian; tích hợp giải pháp AI vào quy trình vận hành; không mất chi phí đầu tư ban đầu (được cung cấp theo hướng dịch vụ - SaaS); thời gian triển khai nhanh chóng (1-3 tuần)...

Hiện nay, FPT.AI đã triển khai dịch vụ thành công tới hàng trăm khách hàng doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng, hành chính công.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống Covid-19, trợ lý ảo VoiceBot trên Tổng đài 18001119 do FPT phát triển đã thực hiện hơn 2,6 triệu cuộc gọi khai báo y tế; phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh. Thậm chí, trợ lý ảo của FPT còn có khả năng gọi tự động để tầm soát y tế người dân trong các khu vực có nguy cơ cao ở các tỉnh, thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM...

Tập đoàn cũng đang xây dựng Chatbot cung cấp thông tin, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe F0 cách ly tại nhà, giúp giảm tải hệ thống y tế, nâng cao hiệu quả điều trị.

Ngoài ra, ứng dụng thu thập dữ liệu hơi thở Sound Dr. với mục đích tìm kiếm và phát hiện các bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng đang được hoàn thiện 2 tính năng nổi bật là: phát hiện bất thường trong hơi thở và phát hiện Covid-19.

Với những bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực, ông Trương Gia Bình khẳng định, AI sẽ tạo ra những giá trị cốt lõi và khác biệt trên con đường tiên phong chuyển đổi số của FPT. Chủ tịch FPT cũng xác định AI như một "mỏ vàng" cần khai phá, làm động lực chính để trở thành trung tâm hàng đầu khu vực, tạo ra những sản phẩm cạnh tranh mang tầm cỡ thế giới.

Trong 5 năm tới, FPT sẽ tiếp tục đầu tư về nguồn lực cho AI. Ông Nguyễn Văn Khoa cho hay, tập đoàn sẽ đầu tư ít nhất 300 tỷ đồng để phát triển lĩnh vực này. Nhà lãnh đạo của FPT cũng đưa ra định hướng sẽ chào đón đội ngũ yêu công nghệ khắp nơi, đồng thời hợp lực chặt chẽ hơn giữa các công ty thành viên để phát triển những sản phẩm có giá trị lớn hơn nữa.

Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú chia sẻ cụ thể, trong 2 năm tiếp theo, FPT định hướng sẽ có các sản phẩm AI trong hầu hết các lĩnh vực. Ngoài thế mạnh sản phẩm cho ngành tài chính ngân hàng như hiện tại, đơn vị mở ra các lĩnh vực khác như hành chính công, giao thông, điện lực, giáo dục, y tế... FPT sẽ đóng gói các sản phẩm đã ứng dụng thành công trong nội bộ, xây dựng hệ sinh thái giải pháp, ứng dụng AI nơi cộng đồng có thể cùng chia sẻ quyền lợi trên các giải pháp phục vụ doanh nghiệp có nhu cầu.

Tại cuộc trò chuyện với "Bố già AI" Bengio, Chủ tịch Trương Gia Bình cũng chia sẻ: "Hãy cứ ước mơ, đừng dừng lại; hãy học hỏi, nghiên cứu thật nhiều. Đây là kim chỉ nam mà chúng ta phải kiên định theo đuổi và chắc chắn tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa giấc mơ này".