Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm nay họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ, nhằm tìm giải pháp chung đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 27 quốc gia EU đã tranh cãi suốt nhiều tháng về các biện pháp giảm giá năng lượng mà chưa tìm được tiếng nói chung. Một số nước như Italy đang cố gắng thúc đẩy biện pháp áp giá trần với khí đốt Nga, song vấp phải sự phản đối từ Đức, nền kinh tế lớn nhất EU.
"7 tháng trì hoãn quyết định áp giá trần khí đốt Nga đã khiến chúng ta rơi vào suy thoái kinh tế", Thủ tướng Italy Mario Draghi phát biểu tại cuộc gặp với các lãnh đạo châu Âu hồi đầu tháng.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, đã tìm cách dung hòa quan điểm khác biệt của các nước thành viên bằng nhiều đề xuất mà họ hy vọng có thể giúp người dân châu Âu thanh toán được chi phí sưởi ấm khi mùa đông đang đến.
EC đề xuất ý tưởng cho phép các tập đoàn năng lượng khổng lồ của EU mua chung khí đốt nhằm đàm phán mức giá rẻ hơn. Một ý tưởng khác được đưa ra là trao quyền cho EC thiết lập một "hành lang giá" theo chỉ số khí đốt của châu Âu để can thiệp kịp thời khi giá cả vượt tầm kiểm soát.
Một nhà ngoại giao cấp cao EU cho biết các thành viên đã có "nhiều tiến bộ" trong đàm phán, nhưng chưa đạt được những bước đột phá cơ bản. Người này cho hay các nước EU có những ưu tiên khác nhau, như Đức chọn đảm bảo nguồn cung khí đốt vì nước này có thể mua với giá cao hơn, song các quốc gia khác không thể theo được.
"Thật khó chịu khi thấy châu Âu phản ứng chậm chạp và khó khăn ra sao trước thách thức mà chúng ta phải đối mặt", Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera nói trước thềm hội nghị thượng đỉnh hôm nay.
Một số nước đang kêu gọi được áp ngoại lệ đối với cơ chế giá khí đốt châu Âu. Chính sách tương tự đã được áp dụng cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào đầu năm nay, giúp họ tự do hơn để duy trì giá điện thấp hơn. Đức phản đối ý tưởng này, cho rằng khí đốt rẻ hơn sẽ không khuyến khích người dùng cắt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng của họ.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cuối tuần trước cảnh báo kế hoạch áp giá trần khí đốt Nga sẽ khiến nguồn cung bị cắt hoàn toàn, gây tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 đe dọa cắt nguồn cung năng lượng với các nước quyết định áp giá trần khí đốt, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng họ sẽ bị "đóng băng".
Theo giới chuyên gia, việc cắt giảm nguồn cung từ Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai sau Arab Saudi và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu, khiến giá năng lượng thậm chí còn leo thang hơn nữa.
Ngọc Ánh (Theo AFP)