"Chúng tôi có thể chính thức đồng ý với quyết định", đại sứ Ba Lan tại Liên minh châu Âu (EU) Andrzej Sados ngày 2/12 thông báo. "Chúng tôi đang thảo luận về gói trừng phạt tiếp theo nhằm gây đau đớn và tốn kém cho Nga".
Czech, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, sau đó xác nhận đại sứ các nước thành viên liên minh đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận định mức giá trần "sẽ giúp ổn định giá năng lượng toàn cầu, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi trên thế giới".
Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Trước đó, Nga cảnh báo không cung cấp dầu và khí đốt cho các nước áp giá trần với mặt hàng này. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định đây là "hành động trái với các nguyên tắc quan hệ thị trường và rất có khả năng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng với thị trường năng lượng toàn cầu".
Dầu thô Ural, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, có giá bán không cố định và được giao dịch ở mức khoảng 65 USD/thùng trước khi các đại sứ EU gặp nhau để thảo luận về giá trần.
Ba Lan ban đầu đưa ra mức giá trần 30 USD/ thùng, song đại sứ Sados cho biết giá thị trường dự kiến tăng và 60 USD/thùng là điểm khởi đầu hợp lý.
Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định. Dầu mỏ Nga vận chuyển qua đường biển chiếm 2/3 lượng nhập khẩu mặt hàng này của EU, số còn lại được chuyển qua đường ống.
Theo kế hoạch của châu Âu, phối hợp với Mỹ, G7 và các đồng minh phương Tây khác, nếu giá thị trường của dầu Nga giảm xuống dưới 60 USD/thùng, giá trần sẽ được hạ xuống tới khi thấp hơn 5% so với giá thị trường.
Giới chuyên gia phương Tây ước tính Nga thu được 71 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ cho EU kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Khoản tiền này lớn hơn ngân sách quốc phòng khoảng 63,2 tỷ USD của Nga, vượt xa khoản viện trợ tài chính và quân sự mà các quốc gia EU dành cho Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)