"Không đạt được thỏa thuận nào. Các bên đã thống nhất về văn bản pháp lý, nhưng Ba Lan vẫn không đồng ý với mức giá trần", một nhà ngoại giao giấu tên tại Liên minh châu Âu (EU) cho biết sau cuộc họp về vấn đề áp giá trần với dầu thô Nga hôm 28/11.
EU chưa công bố thời điểm nối lại thảo luận về giá trần dầu Nga. Trong trường hợp EU không đạt được thỏa thuận, họ sẽ phải áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn được thống nhất hồi giữa năm, bao gồm cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu thô Nga từ ngày 5/12 và các chế phẩm xăng dầu từ ngày 5/2/2023.
Các quốc gia G7 trước đó đề xuất phương án mềm mỏng hơn lệnh cấm của EU nhằm duy trì nguồn năng lượng cho kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh Nga đang cung cấp 10% sản lượng dầu toàn thế giới. Theo đó, EU và các khách hàng toàn cầu sẽ tiếp tục mua dầu thô Nga với giá bằng hoặc thấp hơn mức được G7 thống nhất là 65-70 USD/thùng.
Tuy nhiên, Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng điều này khó cắt nguồn doanh thu cho Nga, vì dầu thô của nước này đang được giao dịch ở mức 63,5 USD/thùng, đồng thời kêu gọi áp giá trần 30 USD/thùng với dầu Nga.
"Ba Lan nhất quyết không thỏa hiệp về giá trần, nhưng cũng không đưa ra phương án thay thế chấp nhận được. Rõ ràng ngày càng có nhiều bên không hài lòng với quan điểm của họ", một nhà ngoại giao EU nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là người đưa ra đề xuất áp trần giá dầu như một cách hạn chế nguồn thu của Moskva, trong khi vẫn duy trì dòng chảy dầu Nga trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo đề xuất của Mỹ, các công ty bảo hiểm và doanh nghiệp cần vận chuyển dầu bằng đường biển chỉ có thể giao dịch với Nga nếu dầu được định giá bằng hoặc thấp hơn giá trần.
Phần lớn công ty bảo hiểm vận tải đường biển đều đặt trụ sở tại EU hoặc Anh, nơi giới chức có thể yêu cầu họ tuân thủ quy định về giá trần. Nếu không được bảo hiểm, các chủ tàu chở dầu có thể miễn cưỡng nhận hàng từ Nga và gặp nhiều trở ngại trong quá trình vận chuyển.
Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, đã chuyển hướng phần lớn nguồn cung sang Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á với giá chiết khấu, ngay cả trước khi EU ra lệnh cấm. Moskva tuyên bố sẽ không tuân thủ quy định về trần giá dầu do phương Tây áp đặt, đe dọa sẽ ngừng giao hàng cho các quốc gia thực hiện quyết định này.
Trung Quốc và Ấn Độ có thể không chấp nhận tuân thủ mức giá trần do phương Tây áp đặt. Trung Quốc cũng có thể thành lập các công ty bảo hiểm của nước này để thay thế những doanh nghiệp bảo hiểm bị cấm theo quyết định của Mỹ, Anh và EU.
Vũ Anh (Theo Reuters)