EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự nước này phát động ở Ukraine từ hơn hai tháng trước. Gói trừng phạt mới dự kiến nhắm tới dầu mỏ Nga, các ngân hàng Nga và Belarus cũng như nhiều cá nhân và công ty Nga hơn.
Ủy ban châu Âu (EC) đã tổ chức những cuộc thảo luận với một nhóm nhỏ các quốc gia thành viên EU nhằm củng cố kế hoạch trừng phạt Nga để đưa ra tại cuộc họp của các đại sứ EU ở Brussels, Bỉ, vào ngày 4/5 tới đây.
Các bộ trưởng năng lượng EU cũng sẽ gặp nhau tại thủ đô của Bỉ vào ngày 2/5 để thảo luận về vấn đề này.
Hai nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết các quốc gia thành viên trong khối có thể chấm dứt việc sử dụng dầu mỏ Nga trước khi năm 2022 kết thúc, nhưng một số quốc gia, đặc biệt là các thành viên ở phía nam, đang lo ngại về những tác động tới giá cả.
Đức, một trong những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, dường như sẵn sàng chấp nhận kế hoạch cắt giảm dầu vào cuối năm nay, nhưng các nước như Áo, Hungary, Italy và Slovakia vẫn dè dặt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuần trước đánh giá lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu sẽ đẩy giá dầu quốc tế tăng cao, gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu đang mong manh và "gây rất ít ảnh hưởng" đến Nga. Bà Yellen gợi ý châu Âu có thể tiếp tục mua dầu và hạn chế Nga tiếp cận các khoản thanh toán.
EU nhập khẩu 3-3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu cả khối nhập khẩu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)