Đường phố Sài Gòn ngày 30/4/1975 qua ống kính người dân

Quân giải phóng tiến về trung tâm, người dân lo lắng, đường phố ngổn ngang, ký giả nước ngoài đeo bám lấy tin tức... là những hình ảnh ở Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Tác giả Nguyễn Đình Đạt hiện nay 69 tuổi, nhà ở đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ, quận 3), chụp 33 ảnh về đường phố Sài Gòn ngày 30/4/1975. Khi chụp, ông dùng máy ảnh trắng đen hiệu Nikon FTN. Trước đó ông có học khóa về nhiếp ảnh.

Trong một số tấm ảnh đầu ông chụp lúc 9h30 là hình ảnh bộ đội mang súng AK, B40 đi qua khu vực nhà mình. Đoàn người mang quân phục màu xanh, đội mũ cối, tai bèo, đi dép râu cao su đặc trưng của bộ đội thời bấy giờ. Khuôn mặt của họ khá căng thẳng và nghiêm nghị.

Cách đó hơn một km, tại ngã tư Phú Nhuận, nhiều người lớn chở con trên xe đạp ùa ra đường. Nhiều trẻ em tò mò trèo lên nóc xe tăng bị lính Việt Nam Cộng hòa bỏ lại để vui đùa.

Một xe tải chạy qua đường Trương Minh Giảng chở hơn chục chiến sĩ quân giải phóng. Ông Đạt kể đến trưa 30/4, sau khi tình hình ở Sài Gòn ổn định, các chiến sĩ đã thoải mái thư giãn, tươi cười, vẫy chào lại người dân đứng bên đường.

Ở bên kia chiến tuyến, nhóm lính nhảy dù Việt Nam Cộng hoà đi bộ trên đường Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận) hướng từ vùng ven về trung tâm Sài Gòn. Xung quanh nhiều người dân tụ tập nghe ngóng tin tức về sự thay đổi của thành phố trưa 30/4.

Tại một hướng tiến công khác, nhiều tốp quân giải phóng các vùng Hóc Môn, Củ Chi tiến về trung tâm thành phố. Bốn người lính mang balo, đội mũ cối, vác súng AK trên vai được ông Đạt chụp lại từ đằng sau kính chắn gió của ôtô Nissan Datsun 1000.

Trên đường phố ngày đó, nhiều người dân mang tài liệu, đồ đạc, quần áo liên quan chính quyền Việt Nam Cộng hòa vứt ngổn ngang dưới đất. Từ giữa tháng 4, khi tin tức từ các chiến trường báo hiệu chuẩn bị có sự thay đổi lớn, nhiều hàng xóm của ông Đạt rời khỏi thành phố vì lo sợ bom đạn. Tại các cửa hàng ở một số dãy phố đóng cửa im lìm, trống vắng.

Hai đứa trẻ đi chân trần dắt tay nhau đi bộ trên vỉa hè ở đường Trương Minh Giảng. Trong đó, bé trai đi trước nhìn vào bộ đội đeo balo, vác súng trên vai. Theo tác giả bức ảnh, ngày 30/4/1975, nhiều người Sài Gòn ngỡ ngàng khi thấy hình ảnh bộ đội mang vũ khí đi trên đường.

"Ban đầu, nhiều người lo sợ đóng cửa ở trong nhà, một số ra ngoài đường nhưng vẫn còn e dè khi tiếp xúc bộ đội", ông Đạt nói.

Một nhóm trẻ ngồi trên xe "com măng ca" - dòng xe quân sự thời Liên Xô đỗ trong hẻm gần chợ Tân Định, quận 1. Trước đó, ôtô này chở một vị tướng đội tới đây tìm người thân.

Ba nhà báo người nước ngoài mang máy ảnh tác nghiệp trong ngày cuối cùng chiến tranh ở Sài Gòn. Những ký giả này đã nhờ người dân hoặc bộ đội lái ôtô chở khắp các tuyến đường sau đó về đại sứ quán trên đường Hai Bà Trưng, quận 1.

Trong bức cuối cùng bộ ảnh, ông Đạt chụp cảnh người dân tập trung trước Dinh Thống Nhất ngóng tin tức vào chiều 30/4. Cổng toà nhà này bị xe tăng quân giải phóng húc đổ, bộ đội tiến lên nóc dinh treo cờ lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Sau ngày thống nhất, bộ ảnh 33 tấm của ông Nguyễn Đình Đạt đã được Viện Khoa học lịch sử Việt Nam cùng nhiều cơ quan thông tấn lưu trữ, xem như là những tư liệu quý về ngày thống nhất đất nước.

Nguyễn Đình Đạt