f1

Công thức 1

Chủ nhật, 23/2/2020, 10:16 (GMT+7)

Đường đua F1 Hà Nội một tháng trước khi bàn giao

Trường đua tại Mỹ Đình đã hoàn tất các hạng mục cố định, sẵn sàng bàn giao vào cuối tháng Ba.

Qua gần một năm xây dựng, trường đua F1 tại Hà Nội đã hoàn thiện 100% hạng mục cố định, gồm tòa nhà Pit - được xem là trái tim của toàn bộ công trình - và mặt đường đua theo tiêu chuẩn của Liên đoàn đua xe thế giới FIA. Các hạng mục tạm, chỉ sử dụng trong thời điểm diễn ra chặng đua, đang tiếp tục được thi công.

Tòa nhà Pit, garage của các đội, đường pit và đích nhìn từ khán đài Thăng Long.

Thăng Long là một trong ba khán đài chính của trường đua, bên cạnh Hải Phòng và Hạ Long, gồm ba tầng, cao 15,39 mét. Vé ở khán đài này có giá hơn 9 triệu đồng nhưng nếu muốn chỗ ngồi ở khu vực cao cấp tại tầng 3, khán giả phải trả hơn 49 triệu đồng cho ba ngày.

Turn 1, 2, 3 nằm ở bùng binh đường Lê Quang Đạo. Ba góc cua liên tiếp này đòi hỏi kỹ năng ở các tay đua sau một đường thẳng dài. Hai khán đài Hải Phòng và Hạ Long nằm hai bên, ở vị trí thuận tiện nhất để quan sát những diễn biến ở ba góc cua.

Khán đài Hạ Long nhìn từ Turn 2. Khán đài này cao 14,89 mét. Nếu mua vé ở khán đài này, khán giả có thể dễ dàng di chuyển sang sân Mỹ Đình - nơi tổ chức chương trình ca nhạc sau khi chặng đua diễn ra vào chiều Chủ Nhật. Tại đây có thể quan sát thấy độ nghiêng 3% của mặt đường đua ở ba góc cua đầu, phần được các kiến trúc sư thiết kế tỉ mỉ nhất trong trường đua.

Các công nhân lắp ghép ghế trên khán đài. Toàn bộ sắt, thép và ghế được nhập từ Malaysia. Lưới chắn được nhập từ đối tác phân phối của F1 tại Thụy Sỹ. Theo ghi nhận của VnExpress, khán đài Hạ Long đã được phủ ghế gần như hoàn chỉnh. Đơn vị thi công đang tiến hành lắp ghế trên khán đài Hải Phòng.

Công nhân lắp thanh chắn trên các khán đài dưới sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài. Sau khi chặng đua kết thúc, các công trình tạm sẽ được tháo dỡ, đưa về kho.

Nút giao Mễ Trì - Lê Quang Đạo, khu vực Turn 7 và 8, mới thi công xong phần mặt đường. Rào chắn và khán đài phổ thông ở khu vực này chưa được thi công. Đây là khúc cua hẹp nhất của GP Việt Nam, có hình kẹp tóc.

Đoạn đường thẳng dài 1,5 km dọc đường Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ. Đây là đoạn đường trước khi vào Turn 10 và 11. Đoạn đường này mới được hoàn thành phần rào chắn trong, chưa dựng khán đài.

Khu vực Turn 10 và 11, nơi dự kiến có ba khán đài phổ thông, chỉ mới hoàn thành phần mặt đường.

Khu vực đường pit, nơi diễn ra hoạt động thay lốp của các đội trong lúc cuộc đua diễn ra. Đối diện với garage là pit wall - nơi đặt trung tâm điều khiển của các đội. Đây là khu vực diễn ra những hoạt động quan trọng nhất, là nơi các đội có thể tiếp cận gần nhất với xe của họ trong lúc chặng đua diễn ra.

Bên trong garage của các đội đua. Khu vực này sẽ được ngăn ra để phân chia diện tích sử dụng cho 10 đội đua. Với tư cách đương kim vô địch, Mercedes được chọn vị trí đầu hoặc cuối, còn các đội khác sắp xếp theo thứ tự mùa trước. Ngoài garage, các đội đua được phép tận dụng khu vực phía sau nhà Pit để thực hiện các hoạt động báo chí, ăn uống...

Khán đài cao cấp phía trước tòa nhà Pit, nhìn thẳng sang khán đài Thăng Long và có thể quan sát toàn cảnh đường pit. Từ vị trí này có thể thấy hoạt động thay lốp, giao tiếp của các đội cũng như xem pit-walk sau chặng đua.

Bên cạnh chiếc cầu vượt cố định đã sớm được hoàn tất, đơn vị thi công sẽ dựng thêm sáu chiếc cầu tạm để phục vụ di chuyển trong trường đua. Trường đua có tám cổng soát vé, đều nằm ở mặt đường Lê Quang Đạo.

Đơn vị thi công cho biết đang tăng cường nhân lực để hoàn thành các hạng mục tạm, gồm các khán đài, tòa nhà báo chí, rào chắn... để kịp bàn giao vào cuối tháng Ba. Anh Phạm Văn Thi, Giám đốc xây dựng, khẳng định công trình sẽ được bàn giao đúng tiến độ.

Phối cảnh 3D đường đua F1 Hà Nội - có chiều dài một vòng là 5,607 km, với 23 góc cua. Trong đó, khu vực xuất phát dự kiến được đặt ở ngõ P2 đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

* Phối cảnh những góc cua hiểm của chặng đua F1 Việt Nam.
* Đường đua F1 Việt Nam được thiết kế như thế nào

Ảnh: Ngọc Thành - Giang Huy