f1

Công thức 1

Thứ sáu, 26/7/2019, 09:00 (GMT+7)

Phối cảnh những góc cua hiểm của chặng đua F1 Việt Nam

Những đoạn đường thẳng dài và góc cua hình kẹp tóc là điểm nhấn của trường đua tại Mỹ Đình (Hà Nội).

Loạt phối cảnh đường đua Hà Nội được ban tổ chức Grand Prix Việt Nam công bố. 

Khu vực xuất phát dự kiến được đặt ở ngõ P2 đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dọc hai bên đường là khán đài chính với sức chứa có thể lên tới vài chục nghìn người.

Các khán đài chính được bố trí ba tầng, với các mức giá khác nhau, từ vài triệu đồng đến gần 100 triệu đồng. Vé khán đài cao cấp (premium grandstand) có giá hơn chín triệu cho ba ngày, hoặc hơn bảy triệu cho vòng đua chính.

Sau khi kết thúc đoạn đường thẳng xuất phát, các tay đua bước vào Turn 1, 2, 3 và 4. Khu vực này nằm ở bùng binh đường Lê Quang Đạo. Khán đài được bố trí xung quanh để người hâm mộ chiêm ngưỡng khúc cua đầu tiên của GP Việt Nam. Kiến trúc sư Herman Tilke đã tính toán rất nhiều để khúc cua không phải ở góc vuông nhàm chán. 

Hình ảnh Turn 3, với góc nhìn về Keangnam Landmark 72 - tòa nhà cao thứ hai Việt Nam sau Landmark 81. Khu vực này có gói giá cao nhất, với hơn 96 triệu đồng cho ba ngày. Kết thúc Turn 5, các tay đua sẽ bước vào đoạn đường thẳng dài 800 m, dọc theo đường Lê Quang Đạo hướng về Mễ Trì.

Nút giao Mễ Trì và Lê Quang Đạo là khu vực Turn 7 và 8, có hình kẹp tóc. Đây là khúc cua hẹp nhất của GP Việt Nam, với tốc độ thấp. Xung quanh khúc cua là khán đài tiêu chuẩn.

Turn 7 và 8 nhìn từ trên cao. Các tay đua sẽ phải thể hiện khả năng phanh gấp, rẽ trái liên tục và đạt tốc độ tốt khi ra khỏi góc cua để chiếm lợi thế cho đoạn đường thẳng dài 1,5 km trước mắt.

Đường thẳng 1,5 km dọc đường Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ được cho là một trong những đường thẳng dài nhất ở làng F1. Đây là nơi các tay đua sẵn sàng vượt mặt dựa vào hệ thống giảm lực cản (DRS). Thậm chí khán giả có thể chiêm ngưỡng những pha tái vượt, rượt đuổi.

Khán giả ngồi ở khu vực trước Turn 11 sẽ được nghe tiếng phanh cháy đường, sau khi các tay đua trải qua đoạn đường thẳng 1,5 km với tốc độ tối đa 335 km/h.

Turn 11, 12 nằm ở nút giao Lê Đức Thọ và Tân Mỹ. Turn 11 với góc cua hẹp được coi là thử thách khó nhằn với các tay đua. Đây là lúc các tay lái thể hiện khả năng vượt mặt.

Người hâm mộ không có vé vào khán đài vẫn có thể theo dõi diễn tiến cuộc đua qua màn hình lớn bên ngoài khu thi đấu. Dù ở ngoài, họ vẫn có thể cảm nhận được âm thanh từ những chiếc xe. Động cơ V6 hiện tại tạo ra tiếng ồn khoảng 130 decibels, gần bằng tiếng nổ pháo hoa.

Người hâm mộ cũng có thể theo dõi cuộc đua trên các khu vực ăn uống được xây trên các khán đài. Khán đài chính ở khu xuất phát dự kiến thu hút nhiều nhãn hàng ăn uống.

GP Việt Nam dự kiến diễn ra tháng 4/2020.

Đường đua GP Việt Nam có chiều dài một vòng là 5,565 km, với 22 góc cua. Khu vực Turn 12 đến 22 được xây mới và vẫn đang thi công, trong đó Turn 12 đến 15 được lấy cảm hứng từ Turn 1, 2 của GP Monaco. Turn 16 đến 19 được lấy cảm hứng của Turn 2 đến 6 của GP Nhật Bản. Khu vực này hứa hẹn những cú đánh lái liên tiếp từ các tay đua ở tốc độ cao.

Giả lập một vòng đua F1 Grand Prix Việt Nam
 
 

Video giả lập một vòng đua Grand Prix Việt Nam.

Ảnh: VietnamGP