Thời điểm Vitalii, chồng của Natalia Kyrkach-Antonenko, tử trận ở tiền tuyến trong trận đánh với quân Nga, cô đang mang thai Vitalina, con gái của hai người, được 13 tuần. Dù chồng đã qua đời nhưng Nataliaa vẫn thấy cuộc đời có ý nghĩa, hy vọng và tương lai khi con gái chào đời.
"Con gái bây giờ là cả cuộc đời tôi. Chăm sóc con gái, theo một cách nào đó, giống như tôi đang chăm sóc chồng. Đây là sự tiếp nối của anh ấy, của chúng tôi", cô tâm sự.
Hai người đã lên kế hoạch sinh nhiều con, kể cả khi Vitalii nhập ngũ lúc Nga phát động chiến sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Khi đó, Natalia đã mang thai nhưng bị sảy, có thể do tâm trạng căng thẳng vì cuộc chiến. Hai vợ chồng quyết định đông lạnh tinh trùng của Vitalii. Trong thời gian ngắn ngủi trước khi Vitalii ra tiền tuyến, cô đã mang thai tự nhiên với chồng.
Sau khi anh qua đời hồi tháng 11/2022, Natalia quyết định dùng tinh trùng đông lạnh của chồng để sinh thêm con. Cô sốc khi phát hiện luật pháp không cho phép cô sử dụng tinh trùng của chồng đã chết, dù anh đã ủy quyền cho phép sử dụng bằng văn bản khi còn sống. Nhưng luật sẽ sớm thay đổi.
Quốc hội Ukraine hồi tháng 2 thông qua dự luật cho phép sử dụng và hỗ trợ chi phí tinh trùng đông lạnh của quân nhân trong trường hợp họ đã chết. Khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ký thành luật, đây sẽ là lần đầu tiên luật pháp Ukraine cho phép bạn đời của quân nhân Ukraine sử dụng tinh trùng hoặc trứng của người chồng hoặc vợ đã chết để sinh con. Luật cũng cho phép binh sĩ sử dụng tế bào sinh sản trữ đông để sinh con nếu không thể sinh con vì thương tích.
Ngoài ra, nhà nước sẽ trả chi phí trữ đông tinh trùng hoặc trứng trong ba năm sau khi binh sĩ tử vong với điều kiện ghi đầy đủ họ tên cha mẹ ruột đã qua đời trên giấy khai sinh của đứa trẻ. Hiện tại, chính phủ sẽ trả chi phí đông lạnh ban đầu trứng hoặc tinh trùng.
Nghị sĩ Olena Shulyak, đồng tác giả dự luật, cho hay trữ đông tế bào sinh sản là "vấn đề cấp bách khó khăn". "Thực tế là binh sĩ, những người mà cuộc sống và dự định thường bị chiến tranh làm gián đoạn, không có thời gian để lại con cháu đời sau", bà nói.
Luật được kỳ vọng đem lại lợi ích cho nhiều người. Ukraine không tiết lộ con số binh sĩ thương vong cụ thể, nhưng giới chức Mỹ ước tính khoảng 70.000 quân nhân Ukraine thiệt mạng và con số bị thương gần gấp đôi.
Natalia định sử dụng tinh trùng của chồng để sinh thêm ít nhất một em bé cho con gái Vitalina có bạn cùng chơi. Đó là mong muốn của chồng cô. "Anh ấy chiến đấu với hy vọng chúng tôi sẽ có một gia đình", Natalia nói.
Nhiều người Ukraine từ lâu đã suy nghĩ tới vấn đề bảo vệ cơ hội sinh con của quân nhân. Iryna Feskova, bác sĩ sản trung tâm Sana Med ở Kharkov, cung cấp dịch vụ miễn phí trữ đông trứng và tinh trùng quân nhân từ những tháng đầu tiên cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.
"Chúng tôi muốn đóng góp cho chiến thắng và tương lai giống nòi của người Ukraine", Feskova nói.
Bà cho hay khả năng binh sĩ bị tổn thương cơ quan sinh sản và chất lượng tinh trùng khiến việc trữ đông tế bào sinh sản trở nên đáng giá. Feskova cho biết sự quan tâm đến trữ đông tế bào sinh sản bùng nổ từ năm 2022, từ một số ít người lên hàng chục người mỗi năm. Trung tâm của bà đang lưu trữ tinh trùng của hàng chục quân nhân, những bệnh viện khác lưu hàng trăm mẫu.
Trữ đông trứng và tinh trùng không phải chủ đề cấm kị ở Ukraine nhưng là chủ đề mới, được nhiều người quan tâm hơn từ khi cuộc chiến với Nga bắt đầu. Theo Feskova, trung tâm của bà tuyên truyền kiến thức về trữ đông tế bào sinh sản và cách làm này đang phát huy hiệu quả, nhưng số người áp dụng phương pháp này cho thấy nó vẫn chưa phổ biến.
Một binh sĩ có biệt danh "Thép" cho rằng xã hội nên quan tâm hơn đến hỗ trợ binh sĩ trữ đông trứng và tinh trùng. "Xã hội cần đưa ra thông điệp khích lệ rằng cần phải làm việc này, rằng việc này là điều bình thường", anh nói.
"Ta là người lính dũng cảm, ta phải chứng tỏ rằng mình là đứa con đáng giá của Ukraine, hãy để lại hậu duệ", anh nói.
Kế hoạch sinh con của vợ chồng "Thép" tạm dừng sau khi anh nhập ngũ. Ngoài việc quan tâm đến trữ đông tinh trùng, anh cũng đề nghị vợ hãy tìm hạnh phúc và kết hôn với người khác nếu anh gặp chuyện bất trắc.
"Chúng tôi ở tiền tuyến không phải vì bản thân mà vì tương lai, vì con cháu", anh nói.
Đa số khách hàng mà Feskova tư vấn hiện nay là đàn ông. Bà hy vọng sẽ có thêm phụ nữ lựa chọn đông lạnh trứng bởi cuộc chiến kéo dài.
Theo Trung tâm Nhân sự Lực lượng Vũ trang Ukraine, số lượng phụ nữ tham gia lực lượng vũ trang Ukraine đã tăng 20% từ khi cuộc xung đột với Nga ở miền đông Donbass bắt đầu năm 2014.
Trong bối cảnh quân đội dỡ mọi hạn chế với việc bổ nhiệm và điều động binh sĩ nữ ở mọi vị trí, phụ nữ có nguy cơ tử vong và bị thương cao hơn nếu ở tiền tuyến.
Mariia, 25 tuổi, quân nhân Ukraine, đang cân nhắc trữ đông trứng sau khi luật thông qua. Cô đang nghỉ thai sản và chồng cũng phục vụ trong lực lượng vũ trang.
"Chúng tôi đang sống trong thời điểm rất bấp bênh. Vợ chồng tôi đang nghĩ tới việc sinh con thứ hai sau này. Chúng tôi muốn đảm bảo chắc chắn nếu có chuyện xấu xảy ra", cô nói. "Đứa con là kỷ niệm, là sự tri ân đối với những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước. Họ có quyền được truyền thừa dòng giống".
Theo Mariia, trước những tổn thất về người ở lực lượng quân sự và dân sự, cũng như tình trạng người dân ra nước ngoài tị nạn, Ukraine đang đối mặt "vấn đề nhân khẩu học".
Vitalii, chồng của Natalia, làm tình nguyện viên trong một đơn vị phòng thủ địa phương trước khi cuộc chiến năm 2022 bắt đầu. Anh đăng ký nhập ngũ một tuần trước khi cuộc xung đột bùng nổ. Vitalii từng nói với vợ anh có linh cảm mình sẽ không thể sống sót.
"Tôi hiểu rõ tính tình anh ấy. Anh ấy sẽ cứu người chứ không trốn chạy. Anh ấy rất tích cực, là anh hùng đích thực", cô nói.
Khi tôi có con gái Vitalina và có lẽ thêm vài em bé trong tương lai, "theo một nghĩa nào đó, anh ấy vẫn sống, cuộc đời của anh ấy vẫn tiếp tục. Anh ấy có con, dòng máu của anh ấy vẫn còn dù anh ấy đã chết, không giống như một người bị biến mất, bị chôn vùi và quên lãng".
Trong khi cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, việc sinh con nhờ luật mới đem lại hy vọng cho tương lai đất nước. "Đó là niềm vui", Natalia nói, "niềm vui trong nỗi buồn".
Hồng Hạnh (Theo CNN, AFP)