Ý tưởng trên được Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn chia sẻ tại phiên tọa đàm "Kết nối - Vươn xa", chủ đề "Sáng kiến du lịch Xanh Mekong". Cụ thể, Tiến sĩ Oanh đề xuất các chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ người dân địa phương xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trong khâu khảo sát, thực địa.
Qua đó, địa phương có thêm cơ sở đưa ra đánh giá định tính về nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, kho tri thức bản địa, lịch sử văn hóa, sản vật cốt lõi... Các dữ liệu, đánh giá này sẽ được ứng dụng vào thực hiện dự án "Bảo tồn và nâng cao giá trị nghề muối truyền thống gắn với phát triển du lịch vùng ven biển huyện Hòa bình, tỉnh Bạc Liêu".
Chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn cho biết sản xuất muối là ngành truyền thống tự nhiên lâu đời tại ấp Vĩnh Tiến (Vĩnh Thịnh, Hòa Bình, Bạc Liêu). Theo đó, công tác xây dựng hệ sinh thái cộng đồng du lịch muối thông minh cần sự hỗ trợ, chung tay từ các bên để hoàn tất các đầu việc. Trong đó, khâu điểu tra khảo sát giúp đưa ra định hướng phát triển đúng đắn lâu dài.
Ngoài ra, việc thu thập dữ liệu qua các bản hỏi, có sự tham gia của 150-200 hộ diêm dân đồng ý tham gia mô hình này, sẽ giúp cung cấp thông tin, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng. Database này sẽ là nền tảng hỗ trợ công tác gắn kết, chia sẻ lợi ích cộng đồng, quản lý và quảng bá sản phẩm du lịch và thương mại.
Về giải pháp triển khai cụ thể, nữ tiến sĩ cho biết có thể phát triển sản phẩm thương mại gia tăng theo chuỗi giá trị, gắn với mô hình sản xuất muối truyền thống cho hai sản phẩm. Đầu tiên là khai thác du lịch với tỷ lệ diện tích 24ha trên 12 hộ cho muối. Thứ hai là tỷ lệ 10 ha trên 30 hộ cho mô hình rau sam biển.
Song song đó, bà đề xuất lãnh đạo các tỉnh có thể hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất, kinh tế tập thể trong sản xuất muối, bao gồm thành lập nhóm đồng sở thích nghề nghiệp, tổ sản xuất và hợp tác xã.
Về khía cạnh đào tạo, tập huấn, bà Oanh cho rằng ý tưởng xây dựng hệ sinh thái mới khó thành công nếu không vững chuyên môn. Theo đó, bà đề xuất nên tổ chức tập huấn kỹ năng thực hiện du lịch cộng đồng thông minh cho cán bộ xã thôn hợp tác xã, tổ liên kết, các nhóm đồng sở thích. Nội dung đào tạo gồm: kỹ năng phục vụ khách du lịch; quản lý dữ liệu; tổ chức liên kết; và ứng xử cộng đồng.
Bên cạnh đó, bà Oanh nhấn mạnh cần tập huấn và tích cực truyền thông đại chúng thường xuyên về các mô hình cộng đồng điển hình đã thành công trong nước, hướng đến khuyến khích xây dựng môi trường xanh sạch đẹp. Việc tập huấn về quảng bá sản phẩm, sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cũng giúp ích cho quá trình triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch muối thông minh.
Ở phạm vi quảng bá loại hình du lịch mới, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh cho rằng nên thiết kế in ấn sơ đồ, tờ rơi giới thiệu điểm đến du lịch muối, du lịch sinh thái. Thiết kế, lắp đặt pano quảng cáo, đưa tin bài về dự án trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương, website tỉnh, huyện, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu... cũng là những giải pháp truyền thông hiệu quả tỉnh đã áp dụng.
Hiện mô hình này đã và đang được triển khai tích cực trên toàn địa bản tỉnh Bạc Liêu, dự kiến tiếp tục phát triển rộng rãi trong năm 2025. Trong năm qua, tỉnh cũng thu về nhiều kết quả. Theo Tiến sĩ Oanh, năm qua dự án đã giúp tư vấn sinh kế cho nhiều hộ dân, góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Về cơ sở hạ tầng, mô hình mới giúp chỉnh trang không gian và môi trường nông thôn, tận dụng triệt để những lợi thế sẵn có. Cuối cùng là hiệu quả về quản trị cộng đồng, bao gồm xây dựng các nhóm tổ đồng sở thích và ban điều hành du lịch, ban chuyển đổi số, cộng đồng... cùng các giao ước nông thôn trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng.
Tọa đàm "Kết nối - Vươn xa" với chủ đề "Sáng kiến du lịch Xanh Mekong" thuộc khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup 2024, diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp. Sự kiện được cố vấn nội dung bởi Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank là nhà tài trợ kim cương của diễn đàn Mekong Startup 2024.
Chương trình dự kiến thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank là nhà tài trợ kim cương của diễn đàn Mekong Startup 2024.
Trước đó, Diễn đàn khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần một tổ chức cách đây hai năm tại Đồng Tháp, thu hút hơn 1.000 đại biểu trung ương, địa phương, các chuyên gia hàng đầu, thanh niên khởi nghiệp và doanh nghiệp 13 tỉnh, thành.
Sự kiện không chỉ là cơ hội chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển bền vững, giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo động lực mới, mà còn thúc đẩy loạt sáng kiến, giải pháp biến mục tiêu kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo thành hiện thực. Ngay sau diễn đàn, các địa phương triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực.
Thy An