Được nghỉ đông từ trước Giáng sinh, Bùi Minh Đức, 29 tuổi, du học sinh Việt tại Đại học Clark, Mỹ, cùng các học giả Fulbright tụ họp tại thủ đô Washington để đón năm mới. Đức cho biết 10 thành viên trong nhóm đều lần đầu xa nhà trong dịp Tết, nên cuộc gặp giúp các du học sinh bớt nhớ nhà.
Sáng 31/12, cả nhóm tới chợ người Việt Eden Supermarket tại bang Virginia để mua bánh chưng và măng, miến, đồ làm nem cho bữa tối. "Chúng tôi cố gắng làm một mâm cơm giống Tết âm lịch ở nhà nhất. Trong nhóm có một bạn người Mỹ, chúng tôi cũng muốn giới thiệu ẩm thực Tết của Việt Nam với bạn", Minh Đức nói.
Sau khi kết thúc bữa tối, cả nhóm sẽ ra Đồi Capitol để cùng xem pháo hoa, rồi mặc áo dài truyền thống của Việt Nam để chụp ảnh kỷ niệm trong ngày đầu năm mới. Dù là Tết dương lịch, Minh Đức nói cả nhóm cố gắng tổ chức giống Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Lý do là bởi đến ngày ở nhà đón Tết âm lịch, các du học sinh đã kết thúc kỳ nghỉ đông nên không thể gặp nhau đông đủ.
Theo kế hoạch, Minh Đức sẽ kết thúc chương trình học thạc sĩ Fulbright của mình vào mùa hè 2024. Năm nay, Minh Đức đặt mục tiêu duy trì điểm trung bình học tập ở mức 3.9/4, lập kế hoạch đi xuyên Mỹ trong ba tháng nghỉ hè.
Chia sẻ về không khí đón năm mới tại Mỹ, Minh Đức cho biết người bản xứ không nghỉ dài như Việt Nam, chủ yếu nghỉ ngày 1/1. Các hoạt động, đồ trang trí từ dịp Giáng sinh vẫn chưa gỡ xuống, tạo không khí rộn ràng. Theo Minh Đức, các lệnh giới hạn về Covid tại Mỹ cũng đã được dỡ bỏ, người dân tụ tập đông đúc trong đêm giao thừa tại các tụ điểm vui chơi.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 200.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình ở nước ngoài. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay các du học sinh gặp gỡ bạn bè, đồng hương với tâm lý thoải mái, phấn khởi hơn.
Cũng học tại Mỹ, Minh Quân, sinh viên Đại học bang Georgia, Atlanta, đón năm mới bằng cách tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại nơi ở với bạn bè Việt Nam. Tiệc gồm các món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, chả giò, gỏi cuốn.
Sống và học tập ở Mỹ đã 5 năm, Minh Quân chứng kiến và trải qua giai đoạn khó khăn của đại dịch. Do đó, cậu có nhiều cảm xúc lẫn lộn trước thời khắc giao thừa. "Tôi nhẹ nhõm vì một năm khó khăn sắp kết thúc và tràn đầy hy vọng cho tương lai. Tôi tin rằng với sự quyết tâm và làm việc chăm chỉ, chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại và đạt được mục tiêu của mình", Quân nói.
Tại Canada, Nguyễn Mai Linh, 22 tuổi, sinh viên Đại học Calgary, cảm thấy háo hức trước thềm năm mới vì đã hoàn thành chương trình đại học nhanh hơn dự kiến, chuẩn bị đi làm vào tháng 1 này.
Mai Linh cho biết, so với đêm Giáng sinh tuần trước, không khí đêm 31 ấm áp hơn. Do các hàng quán đóng cửa sớm vào đêm giao thừa, Mai Linh và các bạn cùng đi chợ mua đồ, nấu bữa ăn tất niên. "Sau khi ăn, tụi em sẽ ra Peace Bridge, biểu tượng của thành phố, ngắm pháo hoa và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm 2023", Linh nói.
Ở Anh, Nguyễn Hoàng An, 29 tuổi, sinh viên Đại học Westminster, bậc thạc sĩ, lần đầu đón năm mới xa nhà. Để tránh cảm giác chạnh lòng vì xa người thân, Hoàng An đi ăn lẩu cùng các học giả Chevening Việt Nam khác, gọi video về Việt Nam và cùng bạn bè mua vé tham dự show trình diễn pháo hoa mừng năm mới bên bờ sông Thames, London.
Với Nguyễn Huyền Trang, du học sinh Việt tại Đại học quốc tế Kansai (Nhật Bản), các hoạt động trong ngày Tết dương lịch ở xứ sở mặt trời mọc không làm em bỡ ngỡ. Các cửa hàng đều đóng cửa trước 3 giờ chiều ngày 31/12, nên 6 năm trước, Trang rơi vào cảnh "mọi cửa hàng đều đóng cửa mà chưa kịp chuẩn bị gì". Năm nay, Trang đi siêu thị từ sớm. Buổi tối cuối cùng của năm 2022, cô gái quê Sơn La ăn mỳ soba, một loại mỳ truyền thống của Nhật Bản. Trang giải thích mỳ soba rất dễ cắt, nên người Nhật quan niệm ăn mỳ này trước thời khắc chuyển giao để cắt bỏ những khổ cực, vất vả của năm cũ, chào đón năm mới với nhiều vận may.
Theo Trang, trong đêm giao thừa, du học sinh Việt tại Nhật thường đến các đền thờ thần đạo, chùa đề cầu chúc những điều tốt đẹp cho năm mới giống người bản xứ. Trước khi vào đền, người tham dự sẽ thực hiện nghi thức rửa tay Misogi. "Đây là nghi thức gội rửa cơ thể cũng như tâm hồn bằng cách rửa tay và miệng của mình", Trang nói.
Theo Trang và các du học sinh, hoà nhập và tôn trọng văn hoá nước bạn là cách bớt nhớ nhà. Trang cho rằng khi dịch bệnh đã bớt căng thẳng, kinh tế đang phục hồi như hiện tại, trải nghiệm văn hoá là điều có ý nghĩa với người sắp ra trường như cô.
"Lời chúc năm mới của em dành cho gia đình, bạn bè và toàn thể cộng đồng du học sinh ở nước ngoài là sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Em hy vọng một ngày nào đó cộng đồng du học sinh Việt có thể cùng nhau ăn mừng tinh thần của năm mới, bất kể ở đâu trên thế giới", Quân nói.
Thanh Hằng - Lệ Thu