"Chúng ta đều biết nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ như thế nào. Tất cả đều được nêu trong Dự án 2025, do các cố vấn thân cận nhất của ông ấy soạn thảo. Nói chung, nó kéo đất nước chúng ta trở lại quá khứ. Nhưng nước Mỹ sẽ không quay lại. Chúng ta sẽ không quay lại!", Kamala Harris hôm 22/8 nói tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, trong bài phát biểu nhận đề cử ứng viên tổng thống.
Dự án 2025 là một tài liệu khoảng 900 trang do viện chính sách Heritage Foundation, trụ sở ở Washington, phụ trách, với sự tham gia của hàng chục tổ chức bảo thủ khác. Tài liệu được coi là "tiệc buffet chính sách" cho chính quyền Trump hoặc bất kỳ tổng thống nào khác thuộc đảng Cộng hòa. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy các chính sách bảo thủ và cánh hữu để định hình lại chính quyền liên bang Mỹ.
Tài liệu này gần đây trở thành mục tiêu để đảng Dân chủ công kích đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. "Giống như tiểu thuyết kinh dị, mỗi trang lại càng khiến bạn muốn đọc tiếp. Nhưng khi đọc xong, bạn cảm thấy sợ hãi, ghê tởm", Jesse Ferguson, chiến lược gia đảng Dân chủ, nói.
Heritage Foundation, thành lập năm 1973, bắt đầu vạch lộ trình chính sách cho các chính quyền tổng thống Cộng hòa tiềm năng từ những năm 1980. Bản thiết kế chính sách đầu tiên năm 1981 đã được Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan tiếp nhận, triển khai một nửa các khuyến nghị trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Năm 2015, Heritage Foundation cũng soạn đề xuất tương tự cho tổng thống Cộng hòa tiềm năng. Ông Trump đắc cử năm 2016, nhậm chức năm 2017. Trong năm thứ hai của nhiệm kỳ, Heritage Foundation tuyên bố ông Trump đã tiếp nhận 64% khuyến nghị chính sách của tổ chức, từ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho đến tăng chi tiêu quốc phòng, khoan thăm dò ngoài khơi.
Dự án 2025 được triển khai từ tháng 4/2022, trước khi có bất kỳ ai chính thức tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Chủ tịch Heritage Foundation Kevin Roberts nói chính phủ Mỹ sẽ đón nhận một kỷ nguyên bảo thủ hơn mà ông kỳ vọng do phe Cộng hòa mở ra.
Heritage Foundation công bố Dự án 2025 vào khoảng tháng 4/2023. Tài liệu được coi là lấp khoảng trống chính sách trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Cựu tổng thống Mỹ khi vận động tranh cử chỉ nêu nghị trình chung chung, website chiến dịch cũng không nêu chi tiết.
Dự án có 4 phần, gồm tài liệu Mandate for Leadership: The Conservative Promise (Thẩm quyền lãnh đạo: Cam kết bảo thủ) liệt kê nghị trình điều hành đất nước dựa trên góp ý từ 400 nhà bảo thủ, cơ sở dữ liệu hồ sơ ứng viên bảo thủ trên khắp Mỹ muốn tham gia chính quyền kế tiếp, học viện để đào tạo ứng viên tiềm năng cho chính quyền và sổ tay những hành động cần thực hiện trong 180 ngày nhậm chức.
Tài liệu liệt kê những cải cách trong nhánh hành pháp như hình sự hóa ngành phim ảnh khiêu dâm. Họ muốn giải thể Bộ Giáo dục Mỹ, giảm đáng kể vai trò của chính phủ liên bang trong giáo dục trong khi tăng cường quyền lực của từng bang với vấn đề này.
Tài liệu này đề xuất cắt giảm quỹ liên bang dành cho nghiên cứu và đầu tư vào năng lượng tái tạo, kêu gọi tổng thống tiếp theo "chấm dứt cuộc chiến với nhiên liệu hóa thạch", loại bỏ các biện pháp bảo vệ khí hậu.
Dự án kêu gọi trấn áp mạnh tay nhập cư trái phép, tăng quỹ xây dựng tường biên giới Mỹ - Mexico, giải thể Bộ An ninh Nội địa để sáp nhập bộ này với các đơn vị thực thi luật di trú ở các cơ quan khác, thực hiện tuần tra biên giới với quy mô lớn và mạnh mẽ hơn.
Dự án 2025 không kêu gọi ra lệnh cấm phá thai trên toàn quốc. Tuy nhiên, nó đề xuất rút thuốc phá thai mifepristone khỏi thị trường và ngăn chặn việc gửi loại thuốc này qua đường bưu điện.
Tài liệu đề xuất rằng toàn bộ bộ máy liên bang, bao gồm cả Bộ Tư pháp, được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổng thống - ý tưởng gây tranh cãi được gọi là "lý thuyết điều hành thống nhất". Điều đó sẽ giúp tổng thống trực tiếp ấn định chính sách ở một số lĩnh vực. Điều này gây lo ngại rằng nó trao cho tổng thống quyền lực để điều tra đối thủ chính trị.
Những người soạn thảo muốn cấm người chuyển giới nhập ngũ và cân nhắc khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Cụm từ "ông Trump" và "chính quyền Trump" được nhắc đến hàng trăm lần trong tài liệu.
Đảng Dân chủ công kích đây là những ý kiến "cực hữu và nguy hiểm". Một số chuyên gia pháp lý nêu lo ngại các đề xuất sẽ làm suy yếu nguyên tắc pháp quyền, tam quyền phân lập và các quyền tự do dân sự.
Tổng thống Biden mô tả Dự án 2025 là "đòn tấn công lớn nhất nhằm vào hệ thống chính quyền và tự do cá nhân từng được đề xuất trong lịch sử đất nước". Bà Harris nói rằng ông Trump sẽ sử dụng quyền lực không phải để cải thiện cuộc sống của người dân hay củng cố an ninh quốc gia mà chỉ để phục vụ duy nhất bản thân mình.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump từ năm ngoái đã tìm cách hạn chế tác động từ Dự án 2025, mô tả đây "chỉ là khuyến nghị chính sách từ đồng minh bên ngoài".
Dự án 2025 hồi tháng 7 cũng lên tiếng trên tài khoản X, khẳng định họ "không đại diện cho bất kỳ ứng viên hay chiến dịch nào". "Việc quyết định thực thi những khuyến nghị nào còn tùy thuộc vào tổng thống Cộng hòa, người mà chúng tôi tin sẽ là ông Trump", bài viết có đoạn.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ vẫn tìm được mối liên hệ giữa cựu tổng thống với dự án. CNN đưa tin 6 cựu bộ trưởng dưới thời Trump đã viết hoặc cộng tác trong tài liệu. Hàng chục nhân viên trong chính quyền Trump là thành viên các nhóm bảo thủ tham gia Dự án 2025, trong đó có cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và cố vấn Stephen Miller.
Tổng cộng, CNN phát hiện gần 240 người có liên hệ với cả Dự án 2025 và ông Trump. Con số thực tế có thể cao hơn, bởi hồ sơ của nhiều người không có trên mạng. Điều này khiến phe Dân chủ liên tục liên kết ông Trump với Dự án 2025 để cảnh báo về tương lai "nguy hiểm".
Ông Trump gần đây nhiều lần trực tiếp lên tiếng bác bỏ mối liên quan với tài liệu. "Tôi không biết gì về Dự án 2025. Tôi không biết ai đứng sau nó. Tôi không đồng ý với một số điều họ nói. Một số thứ họ đưa ra hoàn toàn vô lý và tệ hại. Bất cứ điều gì họ làm, tôi đều chúc họ may mắn, nhưng tôi không liên quan gì đến họ", ông viết trên các mạng xã hội hồi đầu tháng 7.
Trump cáo buộc đảng Dân chủ cố gán ông vào bất kỳ đề xuất cực đoan nào được nêu ra. "Nó thực sự cực đoan, nhưng tôi chẳng biết gì về dự án đó", ông nhấn mạnh trong cuộc mít tinh đầu tiên sau khi bị ám sát hụt hồi tháng 7. "Phe Dân chủ liên tục nói tôi là mối đe dọa với nền dân chủ, nhưng tôi đã làm cái gì chứ? Tôi còn lãnh một viên đạn vì nền dân chủ đây. Tôi hoàn toàn không phải là người cực đoan".
Ông nhắc lại vấn đề này khi thăm biên giới Mỹ - Mexico hôm 22/8, sau khi đảng Dân chủ tổ chức đại hội. "Chúng tôi đã thông báo chính thức rằng chúng tôi không liên quan gì đến Dự án 2025", Trump nói. "Phe Dân chủ biết rõ điều đó, nhưng họ vẫn nhai đi nhai lại. Họ cố đưa ra mọi thứ. Tất cả đều sai sự thật".
Như Tâm (Theo Washington Post, CBS News)