Chương trình tập huấn diễn ra trong cả ngày 26/9, gồm hai chuyên đề. Buổi sáng gồm các báo cáo nhằm cập nhật chính sách, thực tiễn về xu hướng chuyển đổi xanh - bền vững. Các chuyên đề và phần thảo luận cũng hướng đến nhận diện các bài toán trọng tâm đối với Đồng Tháp trong thực hiện các mục tiêu, cam kết quốc gia về chuyển đổi xanh.
Buổi chiều, các chuyên đề và thảo luận tập trung vào hành động thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại ĐBSCL và Đồng Tháp, bao gồm xây dựng chiến lược, lộ trình, kích hoạt tinh thần đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực công - tư.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chương trình tập huấn có ý nghĩa rất quan trọng, bởi cung cấp kiến thức giúp các lãnh đạo và cán bộ địa phương nắm bắt được các xu thế chuyển dịch trong nước, quốc tế về phát triển kinh tế xanh. Từ đó, địa phương nhận diện cơ hội, thách thức, giải pháp để thúc đẩy các hướng đi mới, thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới.
Tham dự buổi tập huấn, ông Filip Graovac, Phó trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam chia sẻ mối quan tâm về giảm phát thải, chuyển đổi xanh tại Đồng Tháp và cam kết đồng hành của Quỹ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua các sáng kiến cũng như việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường từ con người. Một nền kinh tế xanh sẽ gắn liền với những nhà máy, xí nghiệp ít khói bụi, nguồn năng lượng sử dụng sạch và có thể tái tạo, thân thiện với môi trường.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV - một trong các Ban của Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, chuyển đổi xanh đang trở thành "một cuộc đua" ở cấp độ toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh như: Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris... Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và giảm phát thải mêtan toàn cầu vào năm 2030... Trong nước, Chính phủ đã ban hành nhiều Quyết định, Nghị định về chiến lược chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực để hiện thực hóa, triển khai cam kết.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên chia sẻ những bài toán mới cho quản trị địa phương trong bối cảnh chuyển đổi xanh. Theo ông, để chuyển đổi xanh thành công cần sự hành động quyết liệt của cả xã hội, trong đó doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, chính quyền với vai trò tổ chức, định hướng, tạo điều kiện quan trọng ban đầu. Chuyển đổi xanh là một trong những thách thức "sinh tử", nếu không làm tốt sẽ bị loại ra khỏi "cuộc chơi" kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá, những năm gần đây, Đồng Tháp đã quan tâm phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững, dựa trên lợi thế, đặc điểm, nền tảng nông nghiệp. Với đà tiếp cận đó, định hướng phát triển xanh của tỉnh là khá rõ ràng, bộc lộ được quyết tâm hành động và đưa lại những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, tỉnh cần có những nỗ lực mang tính hệ thống, chiến lược, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Chuyên gia về biến đổi khí hậu và kiểm kê khí nhà kính Nguyễn Minh Huệ chỉ ra những cơ hội khi doanh nghiệp cam kết phát triển bền vững. Đó là sẽ gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng và đối tác, gia tăng giá trị thương hiệu. Các sản phẩm được chứng nhận thân thiện với môi trường thường có giá trị cao hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề tài chính xanh là hướng đi cần thiết. Tiến sĩ Hà Huy Tuấn đã cập nhật tình hình, gợi mở các vấn đề đối với địa phương về tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện tài chính xanh để có giải pháp cụ thể cho ba nhóm đối tượng chủ yếu, đó là nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Sau mỗi chuyên đề, các cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đồng Tháp và các chuyên gia cùng thảo luận về các nội dung được chia sẻ. Trong đó, thị trường mua bán tín chỉ carbon - cơ chế kinh tế nhằm giảm lượng khí thải CO2, công tác quản lý nhà nước liên quan kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải, giải pháp phát triển du lịch xanh được mọi người đặc biệt quan tâm. Lớp tập huấn cũng chia nhóm thảo luận để nhận diện diện các mô hình tiềm năng tại Đồng Tháp, kích hoạt các sáng kiến xanh và thu hút tài chính xanh cho địa phương.
Hai buổi tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ tỉnh Đồng Tháp về chuyển đổi xanh là các hoạt động thuộc hợp phần 1 trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Startup) - lần II năm 2024. Cũng trong nội dung hợp phần 1, ngày 27/9 tiếp tục diễn ra buổi tập huấn dành cho các doanh nghiệp.
Sau Mekong Startup lần I năm 2022, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo gắn với nhiệm vụ, giải pháp "nông nghiệp phát thải thấp" được triển khai lan tỏa, từng bước hướng tới mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là "Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long". Diễn đàn lần II được kỳ vọng là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công và khu vực tư nhân; là nơi kết nối, hợp tác trong nước, quốc tế; thúc đẩy và gắn kết các xu hướng đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh truyền thống của vùng để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp và kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn năm nay bao gồm các lớp tập huấn về chuyển đổi xanh, Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 và sự kiện triển lãm - trưng bày - hội thảo "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển" sẽ diễn ra vào cuối tháng 11.
Kim Ánh