Bảy tuần sau khi quá hạn binh nhì Ukraine Ivan Pidmalivskiy phải quay lại tiền tuyến, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể anh tại sông Tysa ở biên giới giữa nước này và Romania.
Anh là một trong số hàng chục thanh niên Ukraine chết đuối ở con sông này trong hai năm qua, phần lớn là những người trốn nhập ngũ. Hoàn cảnh của Pidmalivskiy khác một chút: anh đã tình nguyện từ nước ngoài trở về Ukraine để cầm súng chiến đấu trong hai năm, trước khi về nghỉ phép và bỏ mạng tại sông Tysa.
Gia đình của Pidmalivskiy thấy rõ cuộc chiến đang ngày càng đè nặng lên tinh thần của người đàn ông 32 tuổi này, song anh chưa bao giờ tiết lộ bản thân đã cảm thấy kiệt quệ tới mức nào. "Tôi thực sự không biết điều gì đang diễn ra bên trong tâm hồn nó", mẹ của Pidmalivskiy nói.
Thi thể của Pidmalivskiy và những người khác trên sông Tysa là minh chứng nghiệt ngã về thách thức to lớn mà Ukraine đang phải đối mặt trong năm thứ ba của cuộc xung đột. Một bộ phận lớn nam giới được huy động trong giai đoạn đầu chiến sự đã thiệt mạng, mất tích hoặc bị thương, số còn lại đã kiệt sức về cả thể xác và tinh thần sau hai năm mòn mỏi trên tiền tuyến.
Trong khi đó, chính phủ Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm nhân lực thay thế lực lượng trên tiền tuyến, do chậm trễ trong việc mở rộng chương trình tuyển quân, quyết định không nhận được ủng hộ về mặt chính trị. Rất nhiều người đang tìm mọi cách né tránh nhập ngũ, hàng chục nghìn người cũng đã vượt biên bất hợp pháp, khi Ukraine áp lệnh cấm đàn ông từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước.
Sông Tysa là một trong con đường mà những người trốn nhập ngũ chọn để thoát khỏi Ukraine. Andriy Demchenko, người đứng đầu lực lượng biên phòng Ukraine, hồi tháng 6 cho biết 40 người đã thiệt mạng khi vượt sông kể từ đầu chiến sự, song thương vong thực tế có thể cao hơn, do một số thi thể nhiều khả năng đã bị cuốn trôi hoặc mắc kẹt trong đám lau sậy dưới nước, không thể trục vớt được.
Sau khi tìm thấy thi thể thứ 10, giới chức bắt đầu đăng ảnh, video về hậu quả của những cuộc vượt sông bất thành nhằm khiến những người khác không làm điều tương tự. Dù vậy, nỗi sợ phải nhập ngũ và hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài khiến nhiều người vẫn tiếp tục hướng về sông Tysa.
Bãi bồi phía nam ở vùng núi Transcarpathia thường được chọn là điểm khởi đầu cho quá trình vượt sông. Người dân ở khu vực này từ lâu đã kiếm sống nhờ các hoạt động bất hợp pháp xuyên biên giới, như buôn lậu xăng, thuốc lá và các mặt hàng khác.
Nhằm đáp ứng nhu cầu trên thị trường, họ gần đây chuyển từ buôn lậu xăng và thuốc lá sang hỗ trợ người vượt biên. Đây là hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng có thể sinh lợi lớn, với mức phí dao động từ 3.000 đến 12.000 USD mỗi người.
Ukraine đang thắt chặt an ninh để ngăn chặn hoạt động trái phép này. "Hai tuần trước, chúng tôi còn đưa họ qua như ruồi vậy. Giờ nhìn đâu cũng thấy hàng trăm binh sĩ", người này nói.
Chính quyền trung ương ở Kiev đã ra lệnh triển khai các đơn vị vệ binh quốc gia tới khu vực và thiết lập hàng chục trạm kiểm soát mới. Lực lượng biên phòng cũng củng cố hàng rào dây thép gai ở bên bờ sông, đồng thời triển khai thiết bị bay không người lái (drone) trang bị camera ảnh nhiệt để giám sát con sông vào buổi đêm.
Các sĩ quan biên phòng thường xuyên được luân chuyển công tác, nên khó tìm người để xây dựng quan hệ và móc nối hơn, theo tay môi giới. Người này hiện ưu tiên đưa người trốn nhập ngũ đến Romania bằng đường núi thay vì vượt sông, dù sẽ phải mất từ 10 giờ đến nhiều ngày nếu chọn tuyến đường này. "Đừng cố qua sông. Không phải ngẫu nhiên họ lại liên tục tìm thấy thi thể trên sông như vậy", tay môi giới nói.
Trong khi đó, một tay cò khác tên Vasyl cho rằng sông Tysa vẫn là con đường khả thi nhất để vượt biên. Vasyl cho biết thường dùng con sông này để ra vào lãnh thổ Ukraine và mới về thăm gia đình nhân dịp lễ Phục sinh của Chính thống giáo.
"Chỉ cần biết địa điểm thích hợp, tôi có thể chỉ chỗ để vượt sông mà không bị ướt hông", người này nói.
Vasyl cho biết từng giúp một nhóm 96 người quay lại Romania sau khi về thăm nhà vào dịp lễ Phục sinh. Cả nhóm đã vượt sông chỉ trong một ngày, trên mức thời gian trung bình. Tay môi giới nói thông thường chỉ có thể đưa 30-40 người qua sông trong một ngày.
Lực lượng biên phòng Ukraine không xác nhận thông tin, song cho biết nhờ các biện pháp kiểm soát an ninh mới, hiện cứ 10 người thì có 7 người bị ngăn lại trước khi kịp xuống sông. Những người này sẽ bị phạt và bàn giao cho cơ quan an ninh. Dù vậy, nhiều người vẫn tiếp tục thử vận may hết lần này đến lần khác, có trường hợp đã bị bắt tới 4 lần.
Đoạn thượng nguồn gần làng Teresva là một trong những vị trí thường được người trốn quân dịch chọn để vượt sông. Trước khi xuống nước, họ phải đi bộ một đoạn rồi đi qua đoạn đường dốc trơn trượt và gồ ghề.
Con sông lạnh như băng dù đang giữa mùa hè. Nó thường khá tĩnh lặng, song luôn ẩn chứa những mối nguy hiểm bất ngờ vì có các dòng chảy mạnh.
Giới buôn lậu hay đưa người vượt sông vào buổi tối để tránh bị phát hiện, điều khiến họ thường không nhận thức được sự hung dữ thực sự của dòng sông cho đến khi quá muộn. Không ít người đã bị chuột rút hay mắc vào cành cây trong lúc vượt sông.
"Cơ thể sẽ trở nên mất kiểm soát sau 5 phút ngâm mình trong nước lạnh, kể cả khi đã mặc đồ bơi giữ nhiệt", Lesia Fedorova, phát ngôn viên lực lượng biên phòng Ukraine, cho biết. "Cộng thêm dòng nước mạnh, bóng tối và sự bất an, nạn nhân sẽ rất vật lộn".
Matviy, kỹ sư Ukraine 24 tuổi, là một trong những người may mắn giữ được tính mạng khi vượt sông. Anh cho biết mình và ba người khác trong nhóm đã bị dòng nước cuốn đi hàng trăm mét, suýt nữa đã chìm, song cuối cùng vẫn sang được bờ bên kia.
Họ sau đó tìm được đến ngôi làng gần nhất, nơi cảnh sát Romania hoàn thành thủ tục giấy tờ rồi đóng dấu hộ chiếu cho họ. Matviy giờ đã ở một quốc gia châu Âu khác để theo đuổi tiếp sự nghiệp kỹ sư, điều sẽ bị gián đoạn nếu anh còn ở Ukraine.
Không phải ai cũng may mắn như Matviy. Sau khi chính phủ thắt chặt chính sách huy động quân, Valeriy Minikhinov, 25 tuổi, đã nghe lời mẹ khuyên và trở về quê nhà ở Velykiy Bychkiv, miền tây Ukraine, để không phải nhập ngũ.
Ninel Kopekova, mẹ Minikhinov, trước đó cấm anh gia nhập quân đội cùng với cha, người đã mất tích trên chiến trường ngay trong năm đầu tiên của cuộc xung đột. "Tôi sợ phải tiếp tục mất đi con trai", Kopekova nói.
Bà không hay biết con trai đã quyết định vượt sông Tysa sang Romania bằng cách trả 4.000 USD để sử dụng dịch vụ của một tay buôn lậu. Một ngày sau khi Minikhinov biến mất, bạn gái của anh mới tiết lộ kế hoạch của Minikhinov với mọi người. Theo đó, anh dự định sẽ từ Romania đến Thụy Điển, nơi họ hàng của Minikhinov hứa sẽ giúp anh tìm kiếm việc làm.
Hành trình của Minikhinov kết thúc ở địa điểm cách Velykiy Bychkiv khoảng 40 km về phía hạ lưu sông Tysa, nơi lực lượng cứu hộ phát hiện thi thể của anh vào giữa tháng 2. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cho anh chết vì suy tim.
Kopekova cho rằng chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm về cái chết của con trai bà. "Họ đang hủy diệt những đứa con của chúng tôi", Kopekova nói.
Minikhinov sau đó được chôn cất gần một khu đất cạnh nhà. Anh nằm cạnh Pidmalivskiy, người đã được tổ chức tang lễ một cách đơn sơ, không long trọng như những binh sĩ Ukraine thiệt mạng trên chiến trường.
Điều này khiến bạn bè và đồng đội của anh cảm thấy rất buồn vì dù gì Pidmalivskiy cũng đã tình nguyện về nước để cầm súng chiến đấu trong hai năm. "Anh ấy không phải là người trốn quân dịch, mà là người yêu nước thật sự", binh sĩ Ukraine có hô hiệu Horets, đồng đội của Pidmalivskiy, khẳng định.
Horets đã trao cho gia đình của Pidmalivskiy một lá cờ của tiểu đội để họ phủ lên mộ phần của Pidmalivskiy. "Tôi không quan tâm người khác nghĩ gì. Anh ấy xứng đáng được chôn cất như người hùng", Mykola Yaremchuk, em trai Pidmalivskiy, nói.
Phạm Giang (Theo WSJ, Economist)