Tâm trạng bi quan của cử tri Mỹ đối với nền kinh tế đất nước và cách Tổng thống Joe Biden xử lý nó dường như ngày càng gia tăng khi chỉ còn vài tháng nữa là tới ngày bầu cử. Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều cử tri hiện có quan điểm tích cực hơn về nền kinh tế Mỹ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.
Những lo lắng của đảng Dân chủ càng tăng lên khi kỳ nghỉ hè bắt đầu và Tổng thống Biden thực hiện hai chuyến công du liên tiếp tới châu Âu để giải quyết các vấn đề đối ngoại, đồng nghĩa ông có ít thời gian hơn cho các vấn đề trong nước.
Khi đề cập đến nền kinh tế, ông Biden thường nhấn mạnh vào những số liệu tích cực trong nhiệm kỳ của mình. Tại một buổi gây quỹ gần đây ở Boston, Tổng thống đã trình bày các con số về việc làm cũng như đầu tư vào sản xuất và công nghệ, trước khi khẳng định "chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, nhưng lạm phát đã giảm từ 9% xuống 3%".
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, khi được hỏi về việc người tiêu dùng Mỹ đang đánh mất niềm tin đối với ông, Tổng thống Biden tuyên bố: "Chúng tôi đã xoay chuyển tình thế rồi".
"Kinh tế là vấn đề thường xuyên, không hồi kết. Mong muốn thể hiện thành tựu của ông ấy là trở ngại lớn trong việc kết nối với cử tri", David Axelrod, chiến lược gia chính trong các chiến dịch tranh cử cho cựu tổng thống Barack Obama, nhận xét. "Chúng tôi đã học được điều này vào năm 2011 và 2012. Bạn có thể trích dẫn dữ liệu thoải mái, nhưng điều quan trọng nằm ở cách những người bình thường nhìn nhận về nền kinh tế qua trải nghiệm của họ".
Một cuộc thăm dò mới từ Cook Political Report cho thấy Trump đang dẫn trước Biden ở 6 trên 7 bang chiến trường, những nơi có thể định đoạt kết quả bầu cử. Theo kết quả khảo sát, 40% cử tri ở các bang này tin rằng Tổng thống Biden có thể kiểm soát được lạm phát, so với 56% ý kiến tin ông Trump sẽ làm được.
Kết quả khảo sát của ABC News/Ipsos được công bố ngày 5/5 cho thấy kinh tế và lạm phát nằm trong những vấn đề hàng đầu đối với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. 88% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết nền kinh tế sẽ tác động quan trọng đến việc họ bỏ phiếu cho ai và 85% nói tương tự khi bàn về lạm phát.
46% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ tin tưởng Trump trong lĩnh vực kinh tế, trong khi 32% chọn Tổng thống Biden. 21% nói không tin tưởng cả hai ứng viên.
44% người tham gia khảo sát tin ông Trump sẽ xử lý tốt tình trạng lạm phát, 30% nghĩ ông Biden sẽ làm tốt hơn. 25% không tin tưởng ứng viên nào.
Bên trong Nhà Trắng, một số trợ lý đang thúc đẩy ông Biden tập trung hơn vào thông điệp đồng cảm với hoàn cảnh kinh tế của người dân Mỹ. Họ cho rằng Tổng thống phải thể hiện thái độ cảm thông nhưng cũng cần tiếp tục nói về những thành tựu kinh tế của bản thân và chúng tốt hơn chính sách thời Trump thế nào.
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein cho hay Tổng thống Biden cần thừa nhận việc "các gia đình vẫn phải vật lộn với tình trạng giá cả cao" nhưng lưu ý rằng "sẽ là sai lầm nếu ông không trình bày chi tiết về một số lợi ích kinh tế đã đạt được".
Các thành viên Dân chủ tại quốc hội cũng thúc giục ông Biden thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đối với nền kinh tế. Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, trong một cuộc trao đổi mới đây, Tổng thống đã bày tỏ ngạc nhiên khi một số người không nhận thấy ông thực sự chú ý đến vấn đề lạm phát và chi phí tăng cao.
"Tôi có quan tâm. Tôi biết mọi người đang bị tổn thương vì lạm phát", ông nói với các nghị sĩ.
Chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Trump lại tìm cách biến việc giá cả tăng cao thành vấn đề trọng tâm trong cuộc đua và coi lạm phát là điểm yếu lớn nhất với Tổng thống Biden.
"Người lao động và các gia đình đang phải trả giá theo đúng nghĩa đen cho các chính sách kinh tế thất bại mà Joe Biden theo đuổi khi giá các mặt hàng thiết yếu trong gia đình như gas, thực phẩm, tiền thuê nhà hay tã lót đều tăng vọt", Karoline Leavitt, người phát ngôn của Trump, nói.
Trong cuộc vận động tranh cử ngày 15/6 ở Detroit, Trump tiếp tục chỉ trích Biden "thậm chí không biết từ 'lạm phát' nghĩa là gì".
Về số liệu, nền kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu tích cực kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức và không có dấu hiệu nào cho thấy nó đang suy yếu. Theo một nghiên cứu gần đây từ Cục Dự trữ Liên bang, Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất có sản lượng quay trở lại xu hướng trước đại dịch.
Theo khảo sát của Wall Street Journal, các chuyên gia dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, nhanh hơn mức 1% mà họ đưa ra vào tháng một.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức dưới 4% trong hơn hai năm. Tăng trưởng tiền lương vượt quá lạm phát trong năm qua. Nhưng điểm tiêu cực lớn nhất vẫn là lạm phát. Mặc dù đã giảm so với mức đỉnh, tỷ lệ lạm phát hiện tại vẫn đứng ở 3,4%, chưa đủ để Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, công chúng thường có xu hướng tập trung vào việc giá cả tăng bao nhiêu ba năm qua, thay vì để ý tới việc tốc độ tăng đã chậm lại.
Cuộc thăm dò của Cook Political Report ở các bang chiến trường cho thấy 54% cử tri cho biết chi phí sinh hoạt là thước đo tốt nhất về mức độ hiệu quả của nền kinh tế, so với 13% chọn tỷ lệ thất nghiệp và 6% chọn thị trường chứng khoán. Đây chính là vấn đề đối với Tổng thống Biden khi ông dẫn chứng số lượng việc làm và các số liệu khác để chứng minh cho hiệu quả trong cách điều hành kinh tế, mà ít đề cập đến lạm phát.
"Ông ấy có vẻ như xa rời thực tế khi khoe về việc nền kinh tế đang tốt như thế nào", hạ nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon nói.
Tổng thống Biden đã tìm cách chứng minh ông đang quan tâm nhiều hơn tới tình hình giá cả. Gần đây, chính quyền của ông công bố kế hoạch xuất một triệu thùng dầu từ kho dự trữ nhằm giảm giá xăng mùa hè. Ông cũng cố gắng giảm giá một số loại thuốc, như insulin, và xóa bỏ các khoản vay sinh viên cho gần 5 triệu người. Tổng thống còn kêu gọi các cửa hàng tạp hóa giảm giá.
Nhưng những nỗ lực đó không được như kỳ vọng, cũng như nỗ lực năm 2023 của Biden nhằm quảng bá các đạo luật "Bidenomics" về cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu và chất bán dẫn. Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy cử tri dành nhiều tín nhiệm hơn cho Trump về kinh tế.
"Đây là vấn đề khó hiểu đối với chính quyền, kể cả từ thời tôi ở Nhà Trắng", Kate Bedingfield, cựu giám đốc truyền thông của Tổng thống Biden, cho biết. "Bạn có tất cả những chỉ số cho thấy nền kinh tế đang mạnh và ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên, vẫn có một sự thật là mọi người không cảm thấy điều đó một cách mãnh liệt trong cuộc sống hàng ngày như Nhà Trắng hy vọng".
Những người cấp tiến trong đảng Dân chủ đang thúc giục Tổng thống Biden áp dụng cách tiếp cận dân túy hơn để thu hút cử tri tầng lớp lao động tại các bang chiến trường.
"Cử tri cần nghe thấy thông điệp rất rõ ràng về lợi ích sát sườn của họ", Faiz Shakir, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của thượng nghị sĩ Bernie Sanders thuộc đảng Dân chủ, cho hay. Theo ông, "những thuật ngữ mà Tổng thống Biden sử dụng để mô tả chính sách kinh tế đang quá xa vời và không thể thu hút được cử tri".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Reuters, AFP)