"Liên minh châu Âu (EU) xem họ là một trung tâm quyền lực lớn của thế giới có chính sách độc lập và sức ảnh hưởng ngang với Mỹ và Trung Quốc. Vậy tại sao họ lúc nào cũng phải nghe lời Mỹ", Phụ Thông, trưởng phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại EU, bình luận ngày 5/4 trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tới Trung Quốc.
Bình luận của ông Phụ xoáy vào câu hỏi để ngỏ suốt hơn một năm qua trong các nhóm hoạch định chính sách ở EU. Châu Âu ngày càng xích lại gần Mỹ trên mặt trận viện trợ cho Ukraine trong chiến sự với Nga, nhưng điều này có thể đẩy châu Âu vào tình thế khó xử trong những vấn đề quan trọng khác ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các nước thành viên, trong đó có quan hệ với Trung Quốc.
Đợt công du của phái đoàn lãnh đạo châu Âu nối tiếp các chuyến thăm vài tháng qua của giới lãnh đạo khu vực đến Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, thể hiện tín hiệu thống nhất về mong muốn về cải thiện quan hệ giữa EU với Bắc Kinh.
Quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc đã gặp nhiều trắc trở trong năm 2021, sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức và một thực thể Trung Quốc liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Trung Quốc đáp trả bằng cách áp lệnh cấm đi lại và kinh doanh toàn bộ Ủy ban Chính trị và An ninh EU, cùng với các thành viên nghị viện châu Âu, quốc hội các quốc gia thành viên EU và nhiều nhà nghiên cứu, tổ chức tư vấn. Những đòn ăn miếng trả miếng sau đó giữa hai bên đã khiến Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư giữa Trung Quốc và EU vốn rất được Bắc Kinh kỳ vọng bị đóng băng.
Sau hơn một năm căng thẳng, Tổng thống Pháp lẫn Chủ tịch EC đều gửi thông điệp kỳ vọng cùng Trung Quốc kiểm soát quan hệ hiện nay tích cực giữa những biến động ngày càng tăng của thế giới.
Trong khi bà Leyen kêu gọi "giảm rủi ro" Bắc Kinh - Brussels, ông Macron nhấn mạnh châu Âu "không được phân tách với Trung Quốc" và các bên vẫn cần nhau để cùng giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, dù đang là đối thủ cạnh tranh trên một số lĩnh vực.
Trong hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/4 lẫn phát biểu tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh một ngày trước, Tổng thống Macron đều đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực thuyết phục các bên ngồi vào bàn đàm phán tìm phương án cho xung đột Ukraine.
Theo Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ, các lãnh đạo châu Âu không muốn bị cuốn vào chiến lược đối đầu nước lớn của Mỹ, dù Washington đang chủ trương củng cố hợp tác quốc phòng xuyên Đại Tây Dương trong nỗ lực ủng hộ Ukraine.
Ischinger cho rằng giới chính khách châu Âu đã quá quen với biến động khó lường ở nền chính trị Mỹ, và cũng chưa quên những thay đổi chóng mặt trong chính sách đối ngoại Washington dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.
"Nếu ông Trump thật sự đã lui vào dĩ vãng, nhiều người châu Âu có lẽ sẽ không cảm thấy bất an như vậy. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tư tưởng biệt lập mà ông Trump từng đề ra sẽ được ứng viên tổng thống khác kế thừa. Điều gì sẽ xảy ra nếu đảng Cộng hòa không chọn ông Trump, nhưng đề cử một người có tư tưởng tương tự và người ấy đắc cử tổng thống", Ischinger chia sẻ lo ngại.
Những viễn cảnh này thúc đẩy Tổng thống Macron ủng hộ châu Âu độc lập hơn về chính sách đối ngoại, theo tiết lộ từ một quan chức Pháp với Washington Post.
"Châu Âu không muốn phải đứng giữa hai phe Mỹ - Trung. Chúng tôi hiểu không phải lúc nào cũng có thể phụ thuộc vào nước khác để bảo vệ quyền lợi của mình", quan chức này nói.
Ông Phụ Thông khi bình luận về chuyến thăm của phái đoàn lãnh đạo EU cũng tỏ ý không hài lòng trước cách bà von der Leyen chỉ trích Trung Quốc tham vọng "trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới", song ông hoan nghênh thông điệp giảm rủi ro trong quan hệ Brussels - Bắc Kinh.
Ông Phụ đánh giá đây là tín hiệu tích cực từ giới lãnh đạo EU, xây dựng quy định mới để cùng phát triển thay vì giảm gắn kết hay "phân tách" quan hệ.
Reuben Wong, phó giáo sư khoa học chính trị và chuyên gia quan hệ Á - Âu tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trong quan hệ với EU ngoài phương án "giảm rủi ro".
Bắc Kinh cũng cần môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước và hiện thực hóa mục tiêu tự chủ kinh tế, công nghệ. Trong tầm nhìn đó, quan hệ với châu Âu giữ vai trò quan trọng, đặc biệt về thương mại. EU nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc nhiều nhất, đồng thời là nhà cung cấp hàng hóa nhiều thứ ba cho Trung Quốc trong năm 2022.
"Trung Quốc cũng không muốn rơi vào tình cảnh quá phụ thuộc vào Mỹ hoặc Nga", Wong nói.
Theo Wu Qiang, chuyên gia phân tích chính trị ở Bắc Kinh, phương Tây gia tăng đoàn kết vì chiến sự Nga - Ukraine, trong đó có cột mốc Phần Lan gia nhập NATO vào ngày 4/4, đã trở thành "xu hướng quan hệ quốc tế đáng lo ngại" trong mắt Bắc Kinh. Ông đánh giá những diễn biến thời gian qua khiến Trung Quốc khó tiếp tục giữ lập trường không nhượng bộ châu Âu.
Wu dự báo Bắc Kinh sẽ có các động thái chủ động cải thiện quan hệ với châu Âu. Ông Phụ Thông tuần này bày tỏ mong muốn các bên sớm dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và hoàn tất đàm phán thỏa thuận đầu tư, thương mại. Một số nhà ngoại giao EU tiết lộ ông Phụ còn để ngỏ khả năng Trung Quốc đơn phương dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước, nếu châu Âu thể hiện thái độ sẵn sàng tiếp bước và nối lại hợp tác.
Chuyên gia Reuben Wong nhận định Trung Quốc sẽ hưởng lợi nếu tăng cường ngoại giao với châu Âu, hướng đến chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine. Đây là cơ hội để Trung Quốc chứng tỏ họ đủ khả năng hiện thực hóa viễn cảnh hòa đàm, điều mà Mỹ đến nay chưa làm được.
Trong vài tháng qua, Trung Quốc liên tục củng cố hình ảnh trung gian hòa giải, đối thoại hòa bình bằng cách công bố lập trường tìm giải pháp chính trị cho chiến sự Nga - Ukraine, thúc đẩy Iran và Arab Saudi bình thường hóa quan hệ.
"Chiến sự Ukraine rồi cũng phải kết thúc. Khi đó, Trung Quốc muốn góp mặt trên bàn đàm phán với hình ảnh nước kiến tạo hòa bình", ông Reuben Wong nhận định. "Viễn cảnh này sẽ cải thiện đáng kể vị thế Trung Quốc trong nền ngoại giao quốc tế".
Thanh Danh (Theo BBC, Washington Post, WSJ)